Thứ tư, 7/12/2016, 13h56

Chẳng lẽ bó tay với phòng khám có bác sĩ Trung Quốc?

Chẳng lẽ cơ quan chức năng đành bó tay với các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc sao”, nhiều đại biểu nêu ý kiến tại kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân TPHCM diễn ra sáng nay 7/12.

Chẳng lẽ bó tay với phòng khám có bác sĩ Trung Quốc?
Một “bác sĩ Trung Quốc” đang “khám bệnh” tại Phòng khám đa khoa Elizabeth (quận 10, TPHCM). Ảnh: Quốc Ngọc

Sáng nay 7/12, kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với các báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ trong chiều hôm qua 6/12. Đồng thời các đại biểu bắt đầu thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2017.

Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy cho rằng, vấn đề mà nhiều người rất quan tâm đó là liệu việc trợ giá có giúp nâng chất lượng dịch vụ và tính hiệu quả của xe buýt hay không? Theo vị này, khảo sát cho thấy chỉ những đối tượng không có cách nào sử dụng xe cá nhân (như người già, sinh viên…) thì mới đi xe buýt. “Xe buýt chưa tạo ra hứng khởi cho đối tượng người có khả năng di chuyển bằng xe máy, họ không bao giờ có mong muốn đi xe buýt”, bà Thuý nói.

Tỷ lệ người đi xe buýt năm sau luôn giảm so với năm trước. Thế mà năm nào ngân sách thành phố cũng phải chi hàng nghìn tỷ đồng trợ giá mỗi năm. Theo bà Thúy, như vậy là không hiệu quả và đặt vấn đề là Sở GTVT đã khảo sát và tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng trên để tìm ra giải pháp hay chưa? Bà đề nghị, nên tính toán trợ giá cho “đầu ra” là người sử dụng xe buýt chứ không trợ giá cho “đầu vào” là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải công cộng như hiện nay nữa.

Trình bày những gì “mắt thấy tai nghe” từ cử tri, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho biết, tình trạng lừa đảo thông qua dịch giới thiệu việc làm ở khu vực ngã tư An Sương (quận 12) rất nhức nhối. Người dân cho biết, dịch vụ lừa đảo quảng bá giới thiệu những công việc nhẹ nhàng, hấp dẫn, lương cao nhưng khi đến nơi thì doanh nghiệp bắt “ký quỹ” với số tiền khá lớn và thực tế công việc chỉ là bốc vác, tiền lương khá thấp… Người bị lừa trình báo cơ quan chức năng thì cũng không có mảnh giấy hợp đồng nào để chứng minh. Hơn nữa, các doanh nghiệp này đổi tên liên tục nên chính quyền thường cũng bó tay với bọn lừa đảo.

Một kiểu lừa đảo nữa đó là cách khám chữa bệnh “chặt chém”, “vẽ bệnh”, hù doạ của các phòng khám có “bác sĩ Trung Quốc”. Theo bà Trâm, các phòng khám này đã tồn tại khá lâu, báo chí đã phản ảnh rất nhiều, nhưng hiện vẫn lộng hành, lừa đảo bệnh nhân, gây bao tai ương. “Thế nhưng, cơ quan quản lý là Sở Y tế TPHCM lại dường như không có biện pháp gì trước thực trạng này. Chẳng lẽ cơ quan chức năng đành bó tay với các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc sao”, đại biểu Trâm đặt vấn đề.

Quốc Ngọc (TNO)