Chủ nhật, 25/10/2015, 22h27

Chất cấm được bày bán công khai!

Hóa chất được bày bán tràn lan trên đường Phan Văn Khỏe, P.13, Q.5, TP.HCM

Mới đây, chỉ vì bị từ chối tình yêu mà sinh viên (SV) Lê Thanh S. đã trả thù bạn gái bằng một chai axít loãng. Đối tượng S. khai với công an điều tra đã lấy một trong 3 bình axít mua từ chợ Kim Biên về đổ bình ắc-quy để làm phương tiện gây án. Việc axít là chất cấm vẫn được bày bán công khai một lần nữa cần lên tiếng báo động.

Tội lỗi từ những can axít

Cách đây 5 năm, vụ án một SV tạt axít thầy giáo tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đã gây bức xúc dư luận. Vụ việc kinh hoàng xảy ra vào sáng 24-9-2009 khi hàng chục SV Khoa Cơ khí đang ngồi học trong giảng đường thì có một kẻ từ bên ngoài bước vào nhanh chóng cầm chậu axít hắt ngang làm thầy giáo đang giảng bài và một số SV phải nhập viện. Trần Xuân Thanh (SN 1981) - SV Khoa Cơ khí là kẻ thủ ác sau đó đã bị công an bắt giữ. Là SV khóa học 2002-2006 nhưng T. vẫn chưa được cấp bằng tốt nghiệp do nợ môn tiếng Anh chuyên ngành của thầy D. phụ trách. Ấm ức vì bị treo bằng nên T. đã mua gần 5 lít axít ngoài chợ Kim Biên, Q.5 bỏ vào ba lô để mang tới trường trả thù. Khó có thể kể hết các vụ tạt axít trả thù lẫn nhau mà nguyên nhân là do mâu thuẫn trong chuyện làm ăn, bất hòa trong chuyện tình cảm, ghen tuông… Cũng như các thủ phạm đã từng gây ra những vụ án tạt axít thú nhận với cơ quan chức năng, thật sự không quá khó khăn khi ra chợ Kim Biên hỏi mua loại hợp chất hóa học từng hủy hoại cơ thể nạn nhân trong các vụ án. Dọc con đường Vạn Tượng, Kim Biên và đặc biệt là đường Phan Văn Khỏe thuộc P.13, Q.5 có nhiều ki-ốt bán hóa chất công khai. Hầu hết đều có gắn bảng hiệu cửa hàng và cả tên công ty kinh doanh hóa chất, hương liệu, bột màu chứ không cần phải che đậy gì. Nếu sạp nào không có bảng hiệu rõ ràng thì chỉ cần nhìn vào các loại thùng, xô hay can nhựa xếp hàng trước ki-ốt thì khách hàng cũng biết đó là cửa hàng kinh doanh hóa chất.

Hóa chất bày bán công khai

Tại cửa hàng Q.H trên đường Vạn Tượng, mỗi can nhựa đựng hóa chất đều ghi rõ chủng loại bằng bút nỉ màu xanh cho khách hàng dễ lựa chọn. Thấy người lạ nên khi chúng tôi hỏi mua một bình axít thì người bán trả lời “không có”, nhưng sau đó hứa sẽ ra phía sau chợ mua giùm đúng theo giá thị trường. Đi dọc một số ki-ốt khác, chúng tôi cũng đều nhận được “sự giúp đỡ ân tình” đó nên việc mua bán hóa chất nguy hiểm chết người này tuy không công khai nhưng vẫn âm thầm sôi động xung quanh mấy con đường “thần chết” này. Tưởng Kim Biên và Vạn Tượng là 2 con đường bán nhiều hóa chất nhất, nhưng khi vào đường Phan Văn Khỏe phía sau chợ mới thấy sự phong phú của các mặt hàng hóa chất. Nhìn vào bảng hiệu, hầu hết đều thấy đây là những chi nhánh lớn của các công ty TNHH thương mại hóa chất. Ngoài các loại hóa chất như lưu huỳnh, bột nhôm, phốt pho thì axít các loại cũng là mặt hàng được bán công khai. Theo lời chỉ dẫn của người bán hàng hương liệu thực phẩm trong chợ Kim Biên, khi có người hỏi mua 3 lít về đổ bình ắc-quy thì các tiệm đều sẵn sàng hướng dẫn cụ thể các loại axít đang kinh doanh. Hầu hết các tiệm này đều bán sỉ, đựng sẵn trong can giá 1 lít từ 30.000 đến 90.000 đồng nếu hàng từ Trung Quốc nhập về, còn loại chất lượng tốt thì giá gấp đôi hoặc gấp 3. Khi biết chúng tôi mua lẻ thì người phụ nữ chỉ sang tiệm hóa chất cách đó vài căn. Hầu hết không ai bán lẻ vì “lời ít mà nguy hiểm do dễ bị bỏng khi sang chiết”. Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù ở đây có những loại hóa chất độc hại cấm bán nhưng hầu hết khách hàng đến mua không cần giấy tờ tùy thân gì cả. Không biết sẽ còn bao nhiêu người sẽ trở thành nạn nhân của những vụ án tạt axít khi việc mua bán công khai dễ như ra chợ mua rau mà chưa có ai đứng ra quản lý và xử phạt?

Bài, ảnh: Quang Phan

Còn nhiều bất cập

Ông Trần Ngọc Hiệp - Trưởng ban quản lý chợ Kim Biên cho biết: “Chợ Kim Biên hiện có 534 sạp do 329 hộ đứng ra kinh doanh chủ yếu là quần áo, mỹ phẩm, hàng gia dụng, quà lưu niệm tất cả có giấy phép kinh doanh và kinh doanh mặt hàng hương liệu thì có giấy phép của Bộ Y tế. Riêng 70 sạp kinh doanh hóa chất đầu nằm trên đường Kim Biên, Vạn Tượng, Phan Văn Khỏe lại không thuộc Ban quản lý chợ phụ trách do trước đây các sạp này bị giải tỏa nên họ đã tìm cách thuê mướn mặt bằng ở các trục đường xung quanh chợ. Các sạp này nằm ngoài nhà lồng chợ nên được P.13, Q.5 quản lý. Thời gian qua, những sạp bán hóa chất này đã gây ô nhiễm môi trường khi các loại hóa chất chảy ra do rò rỉ đã gây hư hỏng mặt đường và một vài vụ cháy nổ rất nguy hiểm. Những lần bị hỏa hoạn phải nhờ đến sự ứng phó của các phương tiện chữa cháy tự động trong chợ Kim Biên”.