Thứ sáu, 24/11/2017, 10h44

Chất lượng đội ngũ giảng viên quyết định hiệu quả đào tạo của trường Đại học

“Sẽ đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục Đại học trên cả nước với kinh phí dự kiến 12.000 tỷ đồng”. Đây là một trong những mục tiêu của Dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục Đại học và các trường Cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, các cơ sở đào tạo ĐH ở nước ta hiện nay có khoảng 15.000 giảng viên có trình độ Tiến sĩ (TS), chiếm khoảng 21%. Tỉ lệ này là thấp so với hầu hết các nước trong khu vực, chẳng hạn ở Thái Lan là 24%, ở Sri Lanka là 55%, ở Malaysia là 73%. Quan trọng hơn là năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế của đội ngũ giảng viên (kể cả các TS) ở Việt Nam còn hạn chế. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến số lượng nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế thấp; hiệu quả đào tạo ĐH theo đó tất yếu cũng bị ảnh hưởng.

Đề án không tập trung vào số lượng mà tập trung vào chất lượng để đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao

Chính vì vậy, Dự thảo Đề án với mục tiêu bổ sung 9.000 TS cho các trường ĐH là giải pháp để kịp thời tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trường ĐH, cải thiện môi trường học thuật trong nước, nâng cao chất lượng đào tạo. Cần nói rõ, đây không phải một đề án mới mà là sự chỉnh sửa hoàn thiện, nâng cao chất lượng từ Đề án 911 đã có, và 9.000 TS được bổ sung không phải là đào tạo mới hoàn toàn mà trong đó tập trung vào việc thu hút khoảng 1.500 TS đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc “ngoài ĐH” đến làm việc tại các trường ĐH.

Trước đó, Đề án 911 triển khai từ năm 2011-2012 đã và đang đào tạo hơn 3.800 nghiên cứu sinh (NCS); trong đó có hơn 800 NCS đã hoàn thành chương trình, với hơn 2.830 bài báo đăng tạp chí và kỷ yếu hội thảo quốc tế tính đến hiện tại. Để nâng cao hơn nữa chất lượng của Đề án 911, tăng cường đáng kể số lượng TS tại các cơ sở giáo dục, đảm bảo hiệu quả đào tạo, nghiên cứu và định vị được trong môi trường học thuật quốc tế, Dự thảo Đề án bổ sung cần được tiếp tục triển khai với sự phối hợp từ cả ba bên: Bộ GD-ĐT, các trường ĐH và người được cử đi học.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 16/11/2017 vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Đề án này không tập trung vào số lượng mà tập trung vào chất lượng để làm sao đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không phải đào tạo tràn lan”. Cụ thể, nguồn kinh phí 12.000 tỷ đồng của Đề án được phân bổ theo hình thức học bổng trực tiếp: Nhà nước cấp học bổng trực tiếp cho người học dựa trên tiêu chuẩn về năng lực và đề xuất của cơ quan chủ quản, thay vì “rót vốn” về các trường một cách đại trà. Tính thiết thực, minh bạch từ chính sách thu hút và sử dụng TS, hỗ trợ kinh phí đào tạo TS đạt chuẩn quốc tế của Nhà nước thông qua Đề án đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra cơ hội học tập đáng giá đối với NCS, nhất là những người có năng lực nhưng không đủ điều kiện tài chính để theo đuổi chương trình TS ở các nước phát triển.

Đương nhiên, kèm theo đó còn có những cơ chế, chính sách làm sao để các TS làm việc tốt sau khi trở về. Nếu không muốn có tình trạng đào tạo tiến sĩ ồ ạt rồi tiến sĩ tự đi tìm việc, điều quan trọng là đào tạo phải có chiến lược, phải gắn với nhu cầu sử dụng. Nhà nước đã đưa ra chính sách thu hút, tạo điều kiện cho các nhà khoa học về các trường ĐH để cống hiến, nhưng chính các trường ĐH cần phải có trách nhiệm,chủ động để quy hoạch và phát triển đội ngũ giảng viên, cử NCS đi học cũng như bổ nhiệm vị trí công tác phù hợp sau khi hoàn thành chương trình.

Để đảm bảo chất lượng TS, cuối cùng, không có gì quan trọng hơn vai trò của chính các NCS. Người đi học theo đề xuất của trường cần có trách nhiệm đảm bảo yêu cầu chất lượng cũng như thời gian trong quá trình học tập (đảm bảo chất lượng, thật ra, luôn là điều kiện duy trì cơ bản của bất kỳ hình thức học bổng nào!). Có như vậy mới đảm bảo Dự thảo Đề án bổ sung cho Đề án 911 hoàn thành được mục tiêu ban đầu - đảm bảo một thế hệ tiến sĩ vững vàng về năng lực nghiên cứu khoa học, nâng cao hiệu quả đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH và, quan trọng hơn, là chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam.

Hồ Đắc Lộc