Thứ năm, 26/2/2009, 15h02

“Chạy đua” với lịch học

Lịch học không thống nhất, trường nhiều cơ sở phụ… là những nguyên nhân chính khiến cho sinh viên một số trường đại học hiện nay tại TP.HCM đang phải “căng sức” chạy đua. Tuy đã chuyển sang đào tạo theo tín chỉ và sinh viên có quyền tự do chọn thầy, lịch học cho phù hợp nhưng trên thực tế tất cả vẫn chủ yếu lệ thuộc vào sự sắp xếp giờ lên lớp của giảng viên.

Tình trạng sinh viên phải căng sức cùng lịch học khi sáng thì học chỗ này, chiều thì học chỗ khác hiện đang khá phổ biến tại một số trường đại học trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là ở những trường có nhiều cơ sở phụ. Với số lượng sinh viên hàng năm lên tới hơn 50 ngàn, trong khi cơ sở chính của trường lại chỉ tiếp nhận được một số lượng sinh viên học tập hết sức có hạn, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM phải dàn sinh viên ra học tập ở khắp các “mặt trận” (trường có tới 7 cơ sở phụ). Sinh viên học tập tại đây ngoài việc phải thường xuyên chạy theo lịch học liên tục bị thay đổi, còn phải chạy hết cơ sở này đến cơ sở khác để theo học từng tín chỉ đào tạo của mình. Bạn Nguyễn Thị. Th. V, sinh viên khoa Quản trị kinh doanh bức xúc: “Lịch học hiện nay của tụi em hết sức bất cập, không có tính ổn định mà chủ yếu phụ thuộc vào lịch lên lớp của giảng viên. Cả tuần nay tụi em phải chạy hết cơ sở này đến cơ sở khác để theo học những tín chỉ mà mình đã đăng ký. Sáng thì học ở cơ sở một (59C Nguyễn Đình Chiểu, Q.3), chiều lại phải chạy về cơ sở 5 (1Bis Hoàng Diệu, Phú Nhuận), mai lại chạy qua cơ sở khác để theo học môn khác... Ngoài việc tốn kém về chi phí đi lại, mất thời gian thì việc học tập cũng không đạt hiệu quả khi cứ phải lo chạy cùng lịch dạy của khoa và giảng viên”.

Không có quá nhiều cơ sở phụ như Trường đại học Kinh tế nhưng Trường đại học KHXH&NV (2 cơ sở), Trường đại học Sài Gòn (3 cơ sở), Trường đại học Hoa sen (2 cơ sở) cũng gây không ít phiền phức cho sinh viên khi lịch học cũng thiếu ổn định và thường xuyên thay đổi. Bạn Đinh Hồ Ngọc S, sinh viên khoa Đông Phương học cho biết: Không đến nỗi phải chạy qua các cơ sở phụ để học nhiều, nhưng việc phải chạy lên chạy về giữa cơ sở ở Thủ Đức và cơ sở ở Đinh Tiên Hoàng, Q.1 cũng là chuyện thường xuyên diễn ra. “Em học hàng ngày tại Thủ Đức, nhưng thỉnh thoảng lịch học cũng thường thay đổi khiến tụi em phải chạy đi chạy về giữa hai cơ sở để theo học các tín chỉ của mình. Do giảng viên tiếng Nhật của tụi em không ra Thủ Đức dạy nên thứ 5 hàng tuần tụi em phải ngược vào nội ô học sau khi học buổi sáng ở Thủ Đức rồi lại ngược trở về Thủ Đức khi học xong môn chuyên ngành, việc chạy đi chạy lại như vậy khiến tụi em rất mất thời gian và mệt mỏi”- S. cho biết.

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề trên, Lý Phương B, sinh viên khoa Du Lịch Trường đại học dân lập Văn Lang: “Trường chỉ có 2 cơ sở nhưng thực trạng nay học cơ sở này, mai học cơ sở khác không phải không có. Tụi em đôi lúc cũng phải sáng học ở Nguyễn Khắc Nhu, chiều học ở Phan Văn Trị. Theo em điều này là rất khó tránh khỏi khi hiện nay hầu hết các trường trong nội thành không thể có đủ điều kiện vật chất nhằm tập trung sinh viên học tập tại một nơi như đại học Nông Lâm và đại học Quốc Gia. Tụi em hiện nay đang học theo hệ số tín chỉ nên việc phải phụ thuộc vào giờ dạy và lịch dạy của giảng viên cũng là điều tất yếu.”

Theo phân tích của các bạn sinh viên thì nguyên nhân dẫn đến việc phải chạy hết cơ sở này sang cơ sở khác là do lịch học hiện nay của các trường không ổn định, thường xuyên thay đổi và phụ thuộc quá nhiều vào giờ lên lớp của giảng viên. Ở các trường thuộc hệ thống dân lập, chủ yếu giảng viên thỉnh giảng, “chạy sô” dạy ở các trường quá nhiều khiến cho lịch học thường xuyên bị thay đổi. Một nguyên nhân nữa của tình trạng trên theo các bạn sinh viên chính là việc một số trường có quá nhiều cơ sở phụ mà các cơ sở này lại cách khá xa nhau khiến cho việc đi lại học tập cũng khó khăn hơn. Bởi thường những cơ sở phụ của các trường thường được sắp xếp theo từng ngành học riêng biệt và từng khoa đóng ở cơ sở đó nên việc học tín chỉ (sinh viên chọn) đã dẫn đến hiện tượng chạy từ nơi này sang nơi khác để học môn mình cần học.

Vậy làm cách nào để khắc phục vấn đề trên, tạo điều kiện để sinh viên đi lại, học tập dễ dàng hơn? Theo ý kiến của một số sinh viên, chẳng còn cách nào khác là nhà trường cần phải sắp xếp lịch học một cách khoa học hơn. Các khoa cần chủ động hơn trong việc sắp xếp sinh viên học các tín chỉ, các môn học với giảng viên tại một nơi cụ thể, tập trung để tránh tình trạng sinh viên đi học một cách thụ động theo lịch dạy của giảng viên. Với những trường có nhiều cơ sở phụ thì nhà trường, cùng các khoa cần ngồi lại với nhau để xếp lịch dạy cho giảng viên thật ăn khớp với lịch học của các khoa. Cũng có thể cho sinh viên tự nguyện đăng ký lịch học, giảng viên dạy và tín chỉ mình cần học rồi gom lại tập trung đào tạo đại trà tại một nơi cố định như thế sẽ tránh được tình trạng chạy đua với lịch học như hiện nay, bớt gây phiền phức và tốn kém cho sinh viên về thời gian và tiền bạc.

Anh Nguyễn (GD&TĐ)