Thứ năm, 30/6/2016, 23h18

Cháy nổ ở TP ngày càng tăng

Từ năm 2014 đến nay, TP.HCM xảy ra gần 1.500 vụ cháy nổ làm 25 người chết, 76 người bị thương và thiệt hại gần 650 tỷ đồng. Trong đó có 21 vụ cháy lớn, cháy nghiêm trọng về người và tài sản, thiệt hại về tài sản ước tính gần 600 tỷ đồng. Đó là những con số được Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cung cấp tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 22/2013/CT-UBND của UBND TP.HCM về triển khai thực hiện các biện pháp ngăn chặn cháy lớn trên địa bàn TP vào sáng 30-6.

Gara xe Thần Châu (số 189 đường Cống Quỳnh, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) cháy vào ngày 30-1-2016 là một trong 21 vụ cháy lớn trên địa bàn TP.HCM

Trên 70% vụ cháy liên quan đến sử dụng điện

Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết: Thời gian qua, Cảnh sát PCCC TP đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác PCCC. Tuy nhiên, so với thời gian trước liền kề số vụ cháy tăng 483 vụ (tỷ lệ 49%). Qua thống kê phân tích các vụ cháy, nổ cho thấy trên 70% vụ liên quan đến sử dụng điện; 45% vụ cháy tại các hộ trong khu dân cư; 100% (9/9) vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về người xảy ra tại hộ kinh doanh hoặc cơ sở nhỏ lẻ xen cài trong khu dân cư; 50% (6/12) vụ thiệt hại nặng nằm trong các KCX-KCN. (Hiện có 4 KCN chưa trang bị xe chữa cháy là Bình Chiểu, Tân Thới Hiệp, Đông Nam, An Hạ).

Vậy đâu là nguyên nhân?

Theo ông Châu, công tác quản lý Nhà nước về PCCC có liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nhưng sự phối hợp giữa các sở, ngành chưa đồng bộ, gây nên những nguy cơ cháy, nổ cao như quản lý sản xuất, sử dụng hóa chất, vũ khí vật liệu nổ… Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC tại một số cơ quan chưa cao, lực lượng PCCC tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, trang bị phương tiện chữa cháy còn mỏng… Một hạn chế nữa trong công tác quản lý PCCC là một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) chỉ chú trọng lợi nhuận mà chưa thực sự quan tâm đến PCCC.

Theo khảo sát của Sở Công thương, TP có 638 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất đang hoạt động, trong đó có 401 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất công nghiệp. Nỗi lo về an toàn PCCC trong kinh doanh mặt hàng này là nhiều hóa chất ở dạng hỗn hợp chất được sản xuất và sử dụng phổ biến như hóa chất ngành sơn, mực in, các chất tẩy rửa… tuy có đặc tính nguy hiểm về cháy, nổ, ăn mòn và độc hại nhưng chưa được quy định trong các danh mục hóa chất cần kiểm soát. Nguy hiểm hơn, hiện vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh có kho chứa hóa chất nguy hiểm xen cài trong khu dân cư. Bên cạnh đó là tình trạng sang chiết, đóng gói, bán lẻ hóa chất tại TP.HCM còn tồn tại cơ sở sang chiết không đảm bảo điều kiện về an toàn PCCC…

Theo Sở Công thương, hiện trên địa bàn TP có trên 397.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ, có trên 28.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; trên 1.500 cơ sở kinh doanh xăng dầu và khí đốt hóa lỏng… Sở đã tiến hành kiểm tra chuyên đề về hóa chất 70 lượt, phát hiện 15 đơn vị vi phạm, xử phạt 875 triệu đồng.

Xã hội hóa kinh doanh phương tiện chữa cháy

Tại hội nghị, Cảnh sát PCCC TP.HCM đã đề xuất Bộ Công an bổ sung biên chế cho lực lượng này để đáp ứng yêu cầu của TP. Sở này còn đề nghị Chính phủ có quy định, hướng dẫn về việc thành lập hiệp hội PCCC tại các tỉnh, thành trực thuộc TW. Trước mắt có thể thí điểm tại TP.HCM để có thể tranh thủ các nguồn lực, nguồn vốn, kinh nghiệm đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ từ các quốc gia, tổ chức quốc tế.

Thiếu tướng Đỗ Minh Dũng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC-CHCN, Bộ Công an - cho biết: Hiện nay phương tiện chữa cháy được nhập từ các nước Mỹ, Anh, Áo, Trung Quốc… nên không đồng bộ. Do vậy khi cần phối hợp giữa các phương tiện, dụng cụ gặp rất nhiều khó khăn. “Đến găng tay chữa cháy cũng phải mua của nước ngoài”, ông Dũng tâm tư.

Phát hiện chỉ đạo tại hội nghị, ông Huỳnh Cách Mạng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - đề nghị chính quyền và các sở, ngành nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế trong công tác PCCC để có hướng khắc phục trong thời gian tới. Ông Mạng hứa sẽ quan tâm phối hợp nhiều hơn nữa về công tác đào tạo nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn trong quản lý Nhà nước về PCCC, tham mưu lãnh đạo đầu tư cơ sở vật chất, kể cả quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng cũng kiến nghị Chính phủ tạo hành lang pháp lý để kêu gọi các nhà đầu tư về xã hội hóa sản xuất kinh doanh phương tiện, nhiên liệu phục vụ công tác PCCC…

Bài, ảnh: Trần Anh