Thứ hai, 12/2/2018, 12h08

Chén trà Xuân

Trà là một loại hình nghệ thuật ẩm thủy độc đáo, chiếm vị trí đáng kể và chứa nhiều giá trị nhân bản trong nền văn hóa phương Đông. Đối với người xưa, trong đời sống thường nhật, ngoài lương thực, vải vóc, trà là một trong bảy vật dụng thiết yếu: củi, nước, dầu, muối, tương, dấm, trà. Trong đời sống tinh thần, trà lại là một trong bảy loại hình nghệ thuật tao nhã không thể thiếu, đó là cầm, kỳ, thi, họa, thư, tửu, trà.

Là loại thức uống rất đặc biệt và có hương vị rất riêng, người xưa biết đến trà không chỉ là nước uống giải khát thông thường mà biết đến trà như là một loại dược thảo dùng để trị bệnh, tăng thêm sức khỏe. Nhưng có lẽ, trà hấp dẫn, lôi cuốn hơn vì việc uống trà được nâng lên thành thú chơi tao nhã, một loại hình nghệ thuật thưởng thức, và hơn nữa nó thấm đượm nét đẹp văn hóa truyền thống. Từ đây, trà đã làm một cuộc hành trình ngoạn mục từ Đông sang Tây, chinh phục những kẻ khó tính nhất, từ bậc chí tôn thiên tử đến người nông dân bần hàn. Ngày nay, trà có mặt ở hầu khắp thế giới, mỗi ngày tính ra người ta uống đến cả tỷ chung trà. Đặc biệt, ở những vùng “phong, hoa, tuyết, nguyệt” vẫn xem trà là chuyện bất khả chia lìa.

Chén trà phương Đông

Tuy nhiên, trong chén trà của nhân loại, từ nghi thức uống trà đến ý nghĩa thưởng thức trà ở mỗi nước có nhiều sự khác biệt, không đồng nhất nhau. Người Trung Quốc xem trà là “chất” khơi nguồn cảm hứng thi ca, kết nối tình bằng hữu. Còn người Hàn Quốc dùng trà để thờ cúng trong dịp lễ hội và giới tri thức thường dùng nó với ý thức có được sự mẫn tiệp. Việc thưởng trà ở Nhật lại khác, nó là một hình thức tôn kính cái đẹp Thiền lý, trong đó các thành viên (trà đồ) tập trung thanh lọc tâm hồn bằng việc tĩnh tại với thiên nhiên. Triết lý thưởng trà này đã trở thành một nghi thức luật cao cấp mà ta gọi là Trà Đạo, khiến thế giới xem như là di sản văn hóa đặc biệt của nhân loại. Đối với người Việt Nam, trà mang dấu ấn của nền văn hóa lâu đời, con người quen thuộc với chén trà từ khi còn nhỏ, uống trà trong mọi khoảnh khắc của đời sống, và trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc. 

Một phát hiện thú vị, khi nói về giá trị nhân văn của trà, TS. Tôn Thất Nguyễn Thiêm có cái nhìn rất sâu sắc, hiển lộ được đặc tính của Trà Việt với tinh thần vượt trội, siêu thăng: Tính nhân văn của trà chứa chan, tràn đầy trong Trà Đạo của Nhật Bản, Trà Thiền Trung Hoa, Trà Lễ Hàn Quốc và Trà Thức Việt Nam. Theo đó, tác giả cho rằng: Nếu Trà Đạo Nhật Bản và Trà Thiền Trung Hoa có khuynh hướng xuất thế nhập thần thì Trà Lễ Hàn Quốc lại thiên về tính xuất thần nhập thế. Trong lúc ấy, sự ứng đối và hòa thông giữa xuất thế nhập thần và xuất thần nhập thế lại là khung sườn chủ đạo tác thành tính chất đặc trưng của Trà Thức Việt Nam… Thức bao gồm đồng thời hai phạm trù: niệm thức (cảm nhận có được trong lúc uống trà) và kiểu thức (cách thức, nghi thức của diễn tình trà ẩm nhằm hiển xuất niệm thức của bản thân). Khái quát hơn, Trà Thức Việt Nam nổi bật với ba loại kiểu thức: Trà mộc, Trà ngự và Trà văn. Và mẫu số chung của 3 kiểu thức này được cấu thành một phạm trù cơ bản là Nhàn, vốn là mong ước chung của mọi thành phần xã hội và căn tính cá thể của con người Việt Nam. Thật vậy, chén trà của người Việt vừa có chất Trà mộc rất đơn sơ giản dị của bát chè xanh, lại có nét phong hóa của buổi trà quê hết sức nhàn lạc, văn nghệ theo tinh thần của Trà văn, nhưng lại không thiếu chất oai phong, tính uy dũng của Trà ngự: Vắt chân chữ ngũ/Đánh củ khoai lang/Bớ cô hàng nước/Cho bát chè xanh…

Thm đưm tình quê

Hòa chung dòng chảy với các nước phương Đông, trà cũng đã có mặt ở nước ta từ rất lâu đời, đã có nhiều nhận định cho rằng Việt Nam là cái nôi, là quê hương của cây trà. Là loại thức uống có sức lôi cuốn chinh phục lòng người, trà đi vào mọi lĩnh vực đời sống của người Việt, có ảnh hưởng đến mọi mặt trong văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Gắn bó mật thiết và trở thành vật phẩm trao đổi trong sinh hoạt cộng đồng.

 Trong đời sống văn hóa của người Việt, trà cũng góp phần tạo nên đặc trưng trong văn hóa ẩm thực. Là chất men kết dính khơi dậy những cảm hứng trong thơ ca và nghệ thuật. Với những thi nhân, trà là tri kỷ, ngay cả những bậc tao nhân, quý tộc cũng rất quý trọng và dành cho trà những sự ưu ái. Với Nguyễn Trãi đã xem trà như một giá trị thư giãn và thẩm mỹ, một công cụ giao tiếp ứng xử xã hội, làm phong phú thêm đời sống tâm hồn của con người trần tục, trút hết phiền muộn để đi vào thơ ca: Mẫn đường vân khí triêu phần bách/Nhiễu chẩm từng thanh dạ thược trà, hoặc thăng hoa thành cảnh tiêu dao nơi trần thế: Thắp hương trước án bên mai lũy/Quyết tuyết đun trà trước trúc hiên. Lê Thánh Tông, vị vua quyết đoán giàu nghị lực, nhiều tài năng chính trị, tư tưởng quân sự và thi văn, ông đã nói “uống trà là một sự yêu thích, để ngâm thơ với bạn tri kỷ”. Đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà tư tưởng lớn, có sức ảnh hưởng đến thời cuộc, đã từ chối quan trường để được thanh nhàn, ẩn sĩ nơi cõi tục: Khát uống trà mai hương ngọt ngọt/Giấc nằm hiên nguyệt gió hiu hiu. Hoặc phong lưu nhàn dật của Nguyễn Du: Khi hương sớm, khi trà trưa/Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn. Thời xưa ở chốn kinh kỳ coi việc uống trà là một thú vui sành điệu của chàng trai đất Thăng Long trong câu tục ngữ: Làm trai biết đánh tổ tôm/Uống chè Mạn Hảo, ngâm nôm thúy kiều. Năm 1934, Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời đã nói thú uống trà là một trong những thú đi sâu vào đời sống tinh thần đượm màu sắc tôn giáo, đạo lão thần tiên của lớp danh nhân văn hóa Việt Nam thời xưa, như hai câu thơ thanh thoát, phong vị tiêu sái của Viên Chiếu Thiền Sư (999-1090): Tặng quân tiên lý viễn/Tiên bã nhất bình trà (Tiễn chân ai bước đường xa/Miệng cười dâng một bình trà tặng nhau).

Chọn trà, pha trà, mời trà đã là một ứng xử văn hóa biểu hiện sự tinh tế và lòng mến khách. Uống trà cũng là một cách ứng xử văn hóa. Thông thường người Việt uống trà rất giản dị, không cầu kỳ. Ở nhiều vùng nông thôn, người bình dân hay uống chè xanh, lá tươi, rửa sạch hạm trong nước sôi sủi tăm. Nước chè thơm dịu, xanh ngắt múc vào bát sành lớn và uống rất dân dã. Trà là loại thức uống rất bình dân và mang đậm ý nghĩa cộng đồng. Mọi người có thể ngồi quay quần bên chén trà mà bàn về cuộc sống mùa màng, hay những lời thăm hỏi. Người Việt Nam mời nhau uống trà không đơn thuần là để giải khát, mà để biểu hiện một phong độ văn hóa thanh cao, một sự kết giao tri kỷ, một tấm lòng ước mong hòa hợp, một sự tâm đắc của những người cùng đối thoại, chén trà như khởi đầu những mối quan hệ. Vì vậy, dù là một bát chè xanh mộc mạc hay chén ngọc trà sang kiểu cung đình hay chén trà thanh tao của kẻ sĩ ẩn dật, trong văn hóa thưởng trà dường như luôn hòa vào nhau, khó phân biệt một cách rạch ròi vì tất cả đều hòa chung trong tinh thần thong dong, tự tại, thanh bạch, muốn thoát khỏi hồng trần của thế gian.

Nhân mùa xuân về, xin thành thật kính cẩn nhóm một lò lửa duyên phận, pha một bình trà tri ân, tiếp đãi những quý bằng hữu yêu trà. Với chén trà trên đôi tay, dù trà ngon hay trà dở, dù đậm đà hay nhạt vị, dù kiểu cách hay dân dã, dù bình dân hay bác học, cung đình, dù uống nóng hay dùng lạnh... cũng hy vọng rằng cuộc gặp gỡ ấy luôn có hương vị Trà duyên vấn vít, Trà hòa cảm thông, Trà nhàn thư thái để cùng hun đúc vô vàn tái ngộ và diệu kỳ như mùa xuân đang vẫy gọi.

ThS. Nguyn Hiếu Tín