Thứ bảy, 25/3/2017, 01h54

Chép bài… thời công nghệ!

Nhiều người than phiền rằng: học sinh thời công nghệ biết rất nhiều nhưng nhớ chẳng bao nhiêu! Kiến thức nhiều, mênh mông nhưng không biết khắc sâu, không biết chọn lọc nên lượng kiến thức chẳng có hệ thống, bài bản gì cả.

Qua nhiều năm dạy học, tôi nhận thấy nguyên nhân của thực trạng trên là do việc chép bài của học sinh ngày nay không khoa học mà giáo viên (GV) không nhắc nhở, không hướng dẫn (có thể GV cũng không biết). Đối với các bộ môn tự nhiên như toán, lý thì GV không chú ý cách trình bày, diễn đạt mà chỉ cần giải đúng đáp số của bài là được. Thậm chí có GV toán cho rằng: môn toán không cần viết chữ đẹp, rõ ràng mà chỉ cần viết đúng các con số, ký hiệu và đúng đáp số. Việc chép bài trên lớp của học sinh (trong các giờ mà GV dạy luôn “bám sát” sách giáo khoa) rất dễ dãi. Các em dùng viết dạ quang (màu vàng, đỏ, xanh…) để tô đậm những dòng, những đoạn mà GV chép (chiếu) lên bảng, màn hình.

Học sinh bây giờ ít dùng tập mà chỉ ngồi nghe giảng, tô đậm từng câu trong sách giáo khoa. Mở cuốn sách giáo khoa nào cũng đầy màu xanh, vàng, đỏ… Theo các em thì đó là cách “chép” bài tiện lợi, không mất thời gian và GV cũng không kiểm tra việc ghi chép bài của học sinh nên không nhắc nhở, chấn chỉnh. Bên cạnh đó, nếu có buổi học nào vắng mặt; không có bài học thì các em mượn tập của bạn, đi photo mấy tờ rồi kẹp vào tập của mình để có bài. Không phải như ngày xưa là mượn tập của bạn rồi về nhà tự chép bài vào để không mất kiến thức. Thời công nghệ có khác, chỉ cần đưa ra tiệm photo, chờ vài phút là có bài.

Thực ra, việc học và chép bài đúng là những thao tác khoa học; nó có tác dụng giúp mình khắc sâu, nhớ lâu kiến thức. Đó là khi chúng ta trực tiếp chép bài, trí óc đã làm việc và ghi nhớ. Quá trình chép bài là quá trình làm việc của não bộ (còn gọi là quá trình động não) nên kiến thức sẽ được ghi nhận.

Việc tô màu từng câu, từng đoạn hoặc photo bài là chưa tạo “tình huống” cho não làm việc. Tự viết ra một chữ, một câu tức là chúng ta đang học bài. Còn photo hoặc tô cho nhanh thì chữ có đầy nhưng kiến thức thì không. Hình như càng lệ thuộc vào công nghệ thì con người càng làm biếng mà việc chép bài kiểu tô màu, photo trên là một ví dụ.

Trách nhiệm của GV là phải chú ý, bao quát lớp nếu thấy kiểu “tô màu” vào sách giáo khoa thì nhắc nhở, hướng dẫn các em chép bài đàng hoàng, khoa học để có sự tiếp nhận, lưu giữ kiến thức bền lâu.

ThS. Lê Đức Đồng