Thứ sáu, 12/10/2012, 15h10

Chị Ba mua bán trứng dạo

Chị Phạm Thị Huân bên dây chuyền xử lý trứng sạch nhập về từ Hà Lan

Ngay từ nhỏ chị đã phải cùng cha mẹ rong ruổi trên những chuyến ghe theo đàn vịt chạy đồng thu mua trứng, ngao du khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ… Từ hiểu đến yêu nên người phụ nữ này đã gắn bó hơn 40 năm với nghề bán trứng và thành công với trứng. Đó chính là chị Phạm Thị Huân, chủ doanh nghiệp Trứng sạch Ba Huân.
Sinh ra trong gia đình có tám anh chị em tại xã Vĩnh Đông, một xã nghèo nhất của tỉnh Long An, ngay từ nhỏ chị Ba đã nổi trôi theo sóng nước Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông cùng cha trên những chuyến ghe thu mua trứng nên việc học hành dang dở từ đó.
Vượt qua số phận
Chị Huân chia sẻ: “Đời tôi “thiếu chữ”, chỉ có một tâm nguyện: Làm sao phụ giúp được cha mẹ nuôi mấy đứa em ăn học cho bằng người. Chữ nghĩa tôi không bằng ai, chứ việc tính tiền buôn bán tôi rất thông. Thực vậy, từ đó đến nay đã hơn 40 năm trong nghề, tôi chưa bị ai gạt đồng nào”! Nhấp thêm ngụm cà phê, chị nhớ lại: “Nổi trôi theo những chuyến ghe, rồi cũng đến ngày tôi phải tìm bến đậu. Trong một chuyến đi thu mua trứng vịt vào đầu thập niên 70, ghe bị lật, tôi té xuống sông. Đang chới với, ngắc ngoải thì có người túm tóc, lôi tôi vào bờ… Và người đó sau này là chồng tôi”.
Sau năm 1975, việc làm ăn theo hình thức buôn bán nhỏ, lẻ gặp nhiều khó khăn, chị Ba tạm gác việc buôn bán lại để chăm lo cho gia đình. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, nhớ nghề chị đã làm đơn xin đi làm và được Công ty Nông sản thực phẩm Kiên Giang nhận vào làm công nhân, chuyên việc thu mua trứng. Trở lại với nghề sở trường như “cá gặp nước”, số trứng chị Ba thu mua về cho công ty luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Chị Ba kể: “Tiền lương tháng tôi dành dụm gửi về quê cho cha mẹ nuôi các em, còn gia đình nhỏ của tôi chỉ sống bằng tiền thưởng và bán trứng vỡ”. Hồi đó, tỷ lệ hao hụt trứng vỡ, trứng nứt công ty quy định là 5%. Và với 5% trứng nứt, vỡ đó chị được phép mang về bán lại cho các mối quen là những lò bánh bao, bánh ngọt, mì sợi trên Chợ Lớn, Sài Gòn.
Khi Công ty Nông sản thực phẩm Kiên Giang giải thể, chị thất nghiệp. Không để gia đình rơi vào cảnh nghèo khó, chị Ba đã bàn với chồng lên Chợ Lớn, Sài Gòn mở vựa trứng riêng. Kinh doanh đúng vào thời kỳ bao cấp, nên vựa trứng của vợ chồng chị Ba đã gặp không ít khó khăn do thiếu nguồn hàng, nhiều lúc tưởng chừng khó vượt qua nổi. Lúc này kinh nghiệm từ những chuyến ghe dọc ngang vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long cùng cha và gánh trứng đi bán khắp nơi phố chợ với mẹ ngày nào, được chị Ba áp dụng vào nghề kinh doanh của mình. Khó khăn nhất thời rồi cũng vượt qua, chị Ba chia sẻ kinh nghiệm: “Mình phải trực tiếp đến với người chăn nuôi, thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn thì mới cảm thông với họ. Giá trứng của vợ chồng tôi thu mua từ nông dân, bao giờ cũng ngang bằng và cao hơn thị trường”.
Vựa trứng khởi nghiệp của gia đình chị Ba từ đó luôn có đủ nguồn hàng đáp ứng cho những cơ sở làm bánh ngọt, bánh bao và người tiêu dùng lẻ tại vùng Chợ Lớn. Tiếng lành đồn xa, thương hiệu trứng Ba Huân không chỉ người dân khu vực Chợ Lớn biết mà nhiều tiệm bánh ngọt, bánh bao, bánh trung thu… khắp TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ đến đặt hàng.
Tâm huyết, quyết đoán
Đại dịch cúm gia cầm bùng phát vào những năm 2003 và 2005, khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia cầm trở tay không kịp. Tiểu thương kinh doanh ngành nông sản cũng rơi vào “thảm cảnh”, trứng đã thu mua chất đầy trong kho không được bán, phải mang tiêu hủy. Việc tiêu hủy trứng để ngăn chặn dịch cúm H5N1 phát tán không chỉ tác động trực tiếp tới người chăn nuôi, tiểu thương kinh doanh ngành hàng trứng mà còn tác động trực tiếp đến đời sống của phần lớn người lao động nghèo. Không có trứng, mâm cơm của mọi nhà đã mất đi một loại thực phẩm ngon, rẻ tiền mà đầy đủ chất dinh dưỡng. “Sau dịch cúm gia cầm 2005, tôi cũng muốn bỏ nghề nhưng nghĩ tới còn quá nhiều người nông dân nghèo khổ, cuộc sống của họ dựa vào nghề chăn nuôi, nay phải giải nghệ, sẽ ra sao? Tôi quyết định trụ lại với nghề bán trứng”, chị Ba trăn trở.
Vựa trứng Ba Huân nhờ quyết tâm, yêu, bám nghề và đặc biệt giữ được chữ tín với người nông dân chăn nuôi một nắng hai sương, một lần nữa vượt qua được khó khăn. Trứng gà, vịt lỡ mua rồi chị không chuyển về TP.HCM, mà cho chuyên gia kỹ thuật tới gặp trực tiếp các hộ chăn nuôi hướng dẫn cho họ cách chế biến thành trứng muối, trứng Bắc Thảo, rồi sau đó mới chuyển về cất trữ vào kho lạnh, bán sau. Trao đổi với nhiều thương nhân trong nghề kinh doanh trứng, họ đều cho rằng: Chị đã gặp may trong dịch cúm H5N1. Cười hiền, chị cởi mở: “Muốn thành công, gặp may cũng là một yếu tố nhưng sự nhạy bén, quyết đoán, tâm huyết, yêu nghề là quan trọng nhất đối với người kinh doanh. Vì vậy, khi dịch bệnh xảy ra, qua tìm hiểu thông tin, tôi biết ở Hà Lan người ta có dây chuyền xử lý trứng sạch, nên dù có dịch cúm gia cầm, trứng vẫn được bán ra thị trường bình thường. Mừng quá, tôi bán mấy căn nhà xưởng lấy vốn, cộng thêm 11 tỷ đồng được lãnh đạo UBND TP.HCM cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất và sang Hà Lan mua luôn dây chuyền xử lý, đóng hộp trứng sạch”.
Đầu năm 2006, sản phẩm Trứng sạch Ba Huân đựng trong vỉ nhựa, bắt đầu ra thị trường và chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng. Theo chị Ba: Thay vì chỉ bán trứng trong hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn, trứng sạch Ba Huân còn phân phối tới chợ, quầy bán lẻ tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ. Bất kể ai muốn kinh doanh trứng sạch, đều được công ty hỗ trợ mở sạp và cho mượn khay đựng trứng. Trứng nhận bán ba ngày không hết công ty sẽ thu hồi, đổi trứng mới cho tiểu thương. “Hồi xưa, tôi cũng nhờ trứng mà thoát nghèo. Nay muốn giúp người nghèo thoát nghèo bằng cái kệ, quả trứng. Nghĩ là làm, tôi đã cho hàng ngàn hộ tiểu thương nghèo ở các chợ mượn kệ, mượn trứng để buôn bán theo hình thức gối đầu”, chị Ba tâm sự.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Thành tích của Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân - Phạm Thị Huân:
Huân chương Lao động hạng nhì năm 2011
Điển hình tiên tiến tiêu biểu tại Đại hội thi đua toàn quốc lần VII năm 2010
Giải Bông hồng vàng 2010