Thứ tư, 29/7/2015, 22h23

Chỉ đăng ký thi tốt nghiệp, lại muốn xét tuyển ĐH

Nhiều thí sinh trước đây chỉ đăng ký thi THPT quốc gia 2015 để xét tốt nghiệp THPT nhưng giờ đạt được điểm cao lại muốn xét tuyển ĐH-CĐ. Cánh cửa vào ĐH vẫn mở ra với những thí sinh này, bằng hướng xét tuyển học bạ phổ thông.

Tại chương trình tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ 2015 “Cùng bạn quyết định tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức ở Bình Phước, vấn đề này được thí sinh liên tiếp đề cập.

Ông Nguyễn Quốc Cường trả lời câu hỏi khán giả truyền hình qua số điện thoại giao lưu của chương trình

Vào ĐH bằng xét tuyển học bạ phổ thông

Ông Nguyễn Quốc Cường - chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT - nhận định, kỳ thi THPT quốc gia năm nay phân biệt hai mục tiêu xét tuyển ĐH-CĐ và xét tốt nghiệp THPT. Rất nhiều thí sinh trước đây chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT nay lại có nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ, nhất là những em có kết quả thi tốt. Dù kết quả thi tốt nhưng thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT cũng không được dùng kết quả đó xét tuyển ĐH-CĐ. Thay vào đó, các em vẫn có thể vào ĐH bằng con đường xét học bạ THPT. Đối với phương thức xét tuyển này, thí sinh muốn đăng ký ngành, trường nào cần xem thông tin trên website trường đó để biết mình đủ điều kiện ứng tuyển không. Dù vậy, ông Cường khuyên thí sinh không nên vào ĐH bằng mọi giá mà chấp nhận học ngành nghề thiếu đam mê. Thay vào đó, các em có thể bắt đầu từ ngành nghề yêu thích với bậc thấp hơn, sau đó dần dần nâng cao trình độ.

TS. Trần Thanh Vũ - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương - cũng thống kê, năm nay trường dành con số rất lớn đến 70% chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ THPT. Để xét tuyển, thí sinh nộp bản sao học bạ THPT công chứng và đơn xét tuyển (tải từ trang web trường) trực tiếp hoặc qua bưu điện. 3 ngày sau khi trường nhận được hồ sơ sẽ phản hồi cho thí sinh. Ngoài hai khối ngành kỹ thuật và kinh tế, trường còn xét tuyển ngành dược.

Các thành viên Ban tư vấn chương trình “Cùng bạn quyết định tương lai” (do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức) hướng dẫn cách thức vào ĐH bằng xét tuyển học bạ đối với những thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT năm nay

Chọn ngành nào để đậu cao?

ThS. Hoàng Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai - cho biết, năm nay trường dành 1.800 chỉ tiêu bậc ĐH và 500 chỉ tiêu bậc CĐ để xét tuyển thông qua điểm thi THPT quốc gia 2015 của thí sinh, kết hợp xét học bạ THPT với mức điểm chuẩn bằng điểm sàn của bộ. Những thí sinh ở xa được tạo điều kiện nội trú ký túc xá với sức chứa 1.000 người. Được biết năm nay trường dành 500 triệu học bổng cho sinh viên. Liên quan đến câu hỏi của thí sinh, muốn chọn ngành học thuộc lĩnh vực kinh tế để sau này theo đuổi công việc kinh doanh nhưng bản thân có phần nhút nhát, ông Phúc khẳng định, chương trình đào tạo tại trường sẽ trang bị cho sinh viên nhiều kỹ năng thiết thực, giúp tăng sự tự tin.

Năm nay, quy định xét tuyển có nhiều điểm mới, có trường áp dụng nhân hệ số ở một số môn thi. Thí sinh có phần bối rối khi so sánh, đối chiếu điểm thi năm nay với điểm chuẩn các năm trước để cân nhắc lựa chọn. Một em thắc mắc: “Em thi đạt 22,5 điểm và có nguyện vọng nộp vào ngành Luật Kinh tế Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM nhưng không biết có khả năng đậu không vì nghe nói trường có nhân hệ số môn chính”. ThS Nguyễn Văn Quang -  Trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM giải thích, ngành Luật Kinh tế tuyển sinh khối D1, năm nay áp dụng nhân hệ số 2 đối với môn văn. Điểm chuẩn hằng năm của ngành này (chưa nhân hệ số) là 18,5 điểm. Với mức 22,5 điểm (chưa nhân hệ số), thí sinh có khả năng trúng tuyển cao khi nộp vào trường. Cũng với mức điểm này, thí sinh còn có cơ hội trúng tuyển ngành ngôn ngữ Anh (tiếng Anh nhân hệ số 2). Điểm chuẩn ngành tiếng Anh năm trước khi không nhân hệ số là 20,5.

Về câu hỏi “với điểm thi 20,25 khối A1, có thể chọn ngành nào để chắc cơ hội đậu”, ông Nguyễn Đức Minh - Trưởng phòng Đào tạo  Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho biết, trừ nhóm ngành hóa - sinh - thực phẩm và tiếng Anh, tất cả các ngành còn lại trong trường đều xét khối A1. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển. Mức điểm 20,25 nằm trong khoảng “an toàn” vì có khả năng đậu cao. Ông Minh cũng lưu ý thí sinh trong trường hợp chưa nhận được ngay giấy báo điểm cũng không nên quá lo lắng. Các trường đều cập nhật 3 ngày/lần hồ sơ đăng ký, thí sinh dựa vào đây để xem xét đăng ký, không nên nộp gấp gáp. Đồng thời, các em hãy chọn ngành mình yêu thích, xã hội cần, không nên vì áp lực học ĐH cho bằng được, sau này có thể mất hứng thú làm việc vì thiếu đam mê.

Thí sinh khác đặt câu hỏi, đã đậu nguyện vọng 1 nhưng vào ngành không thực sự yêu thích có được tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung không? Ông Phạm Doãn Nguyên - Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM - cho rằng, năm nay thí sinh thi xong sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Giấy đầu tiên, các em dùng xét tuyển nguyện vọng 1 từ ngày 1 đến 20-8. Trong quá trình xét tuyển, thí sinh được rút hồ sơ chuyển đổi nguyện vọng. Tuy nhiên, khi đã đậu nguyện vọng 1, các em không được tham gia xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo.

KHÁCH MỜI THAM DỰ CHƯƠNG TRÌNH TẠI BÌNH PHƯỚC

-  Ông Nguyễn Quốc Cường – Chuyên viên tư vấn tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP.HCM

-  Ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

-  PGS TS Nguyễn Đức Minh – Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM

-  ThS Nguyễn Văn Quang – Trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Ngân Hàng TP.HCM

-  TS Trần Thanh Vũ – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương

- ThS Hoàng Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai

-  ThS Huỳnh Ngọc Anh – Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Học sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

-  ThS Phạm Doãn Nguyên – Phó Giám đốc tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM.

-  ThS Nguyễn Thị Hồng Cúc -  Chuyên viên tư vấn Giáo dục và Tâm lý Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

- ThS Nguyễn Thị Ngọc Thịnh – Trưởng phòng tuyển sinh Trường CĐ Giao thông Vận tải III

- ThS Trần Công Nam - Trưởng phòng tuyển sinh Trường CĐ quốc tế KENT

Bài, ảnh: Mê Tâm