Thứ ba, 14/8/2018, 21h50

Chị Hạnh “xin đừng xả rác”!

Từ 4 giờ chiều đến 6 giờ tối mỗi ngày, hoặc bất cứ lúc nào có thời gian rảnh, chị Hạnh lại đeo vào ngực tấm biển với thông điệp “Xin đừng xả rác”, cùng “đồ nghề” là bao rác, kìm gắp để rời khỏi nhà. Với chị, bất cứ nơi đâu trong thành phố có xuất hiện rác đều có thể là điểm đến, không phân biệt xa hay gần.

Chị Hạnh bên thông điệp “Xin đừng xả rác” đã nhặt rác trên nhiều con đường

Thông điệp đừng xả rác “di động” trên đường

Khoảng 4 giờ chiều một ngày giữa tháng 8, trên đường Phạm Văn Đồng (đoạn từ cầu Bình Lợi đi quốc lộ 1K) tấp nập xe cộ, chiếc xe cũ kỹ với tấm biển chữ xanh nền trắng “Xin đừng xả rác” được gắn ở phía sau đuôi xe, dựng ở bên lề đường, phía trước là một cô gái trong bộ đồ short đang bới rác từ gốc cây, mặc xe cộ vun vút lao qua. Chị là Quách Thị Mỹ Hạnh (SN 1987, quê Cà Mau, ngụ phường Trường Thạnh, quận 9, TP.HCM), đã tham gia hoạt động nhặt rác này được hơn 2 tháng nay.

Chị Hạnh cho biết, bản thân luôn trân quý môi trường trong lành, và luôn đau đáu suy nghĩ, nặng lòng mỗi khi chứng kiến cảnh xả rác vô tội vạ ở địa phương nơi chị sinh sống, hay ngay trên các con đường chị từng đi qua. Nhiều lần chị đã quyết định phải làm một việc gì đó dù là nhỏ nhoi, nhưng rồi sự đơn độc lại khiến chị chùn bước. Khoảng vài năm trở lại đây, nghe tin có nhiều nhóm trẻ nhặt rác vì cộng đồng, chị liên lạc xin tham gia, tuy nhiên chưa một lần chị nhận được hồi âm dù là một tin nhắn, cuộc gọi. Khoảng 2 tháng trước, biết đến một nhóm bạn trẻ năng động sinh sống tại miền Bắc đang lan tỏa những hành động đẹp bảo vệ môi trường, đúng vấn đề chị luôn trăn trở ngay lập tức chị tiếp tục nhắn tin và chờ đợi. Khác những lần trước, chị nhận được phản hồi rất nhanh.

Từ ngày trở thành thành viên của nhóm, chị cùng cả nhóm thực hiện một vài lần nhặt rác cùng nhau. Khi cả nhóm rời đi, chị đã hứa sẽ vẫn tiếp tục thực hiện công việc nhặt rác dù chỉ còn lại một mình. Từ đó, chiếc xe gắn máy cũ kỹ có gắn tấm bảng in thông điệp ngắn gọn “Xin đừng xả rác” luôn theo chị trên mỗi đoạn đường. Chị Hạnh cho biết, ban đầu chị thực hiện việc nhặt rác ở ngay những tuyến đường gần nhà, sau đó mở rộng ra những con đường xung quanh. Nhận thấy rằng, hành động sẽ trở thành vô nghĩa nếu không có bất kỳ một tác động nào khác, chị mạnh dạn buộc dây vào tấm bảng có thông điệp “Xin đừng xả rác” rồi đeo ở trước ngực. Không chỉ nhặt rác ở xung quanh nơi mình sống, chị Hạnh dần dần mang thông điệp cùng hành động nhỏ của mình đi khắp nơi như các tuyến đường ở ngã tư Thủ Đức, quận 1, quận Bình Thạnh...

Mong muốn truyền cảm hứng cho giới trẻ

Kể về mình, chị cho hay, gốc gác bản quán ở tận Cà Mau nhưng bố mẹ bươn chải lên Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề buôn bán hải sản. Chị được sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, là con gái út, trước có 2 người anh trai. Học hết lớp 12, thay vì tiếp tục học lên đại học, chị quyết định rẽ sang hướng học nghề, và lựa chọn cho mình nghề may. Tuy nhiên sau đó, chị được bố mẹ định hướng ở nhà phụ giúp việc kinh doanh buôn bán. Công việc hiện tại của chị là làm phiên dịch cho khách du lịch hoặc doanh nhân nước ngoài và chăm sóc cha mẹ đã tuổi cao sức yếu. Chị nói: “Việc sắp xếp thời gian không quá khó, tuy nhiên việc khó nhất đối với tôi là thuyết phục gia đình. Bởi ngày hay tin tôi “phơi mặt” ngoài đường đi nhặt rác, bố mẹ tôi là người phản đối kịch liệt nhất. Họ cho rằng đây là việc làm có thể khiến tôi ảnh hưởng đến sức khỏe vì phải tiếp xúc với rác dơ bẩn, lại thêm mất thời gian vì xả rác bừa bãi đã trở thành thực tế phổ biến. Phải mất nhiều thời gian tôi mới thuyết phục được bố mẹ, đồng thời vận động bố mẹ, bạn bè cùng tuyên truyền bằng việc bỏ rác đúng chỗ, để bảo vệ môi trường”.

 “Tôi chỉ mong, từ hành động nhỏ nhoi của mình có thể lan tỏa đến nhiều người khác đặc biệt là các bạn trẻ trong ý thức bảo vệ môi trường” - chị Hạnh nói trong nụ cười tươi.

Hơn 2 tháng qua, mỗi chuyến nhặt rác của chị Hạnh thường bắt đầu từ 4 giờ chiều đến 6 giờ tối, hoặc mỗi cuối tuần rảnh rỗi chị cũng không ngần ngại thực hiện. Chị chia sẻ: “Mỗi lần vừa đeo tấm bảng vừa di chuyển và nhặt rác có rất nhiều bất tiện vì vướng víu, phần tôi cũng hơi ái ngại trước ánh mắt tò mò của nhiều người đi đường, nhiều lúc tôi đã nghĩ hay là thôi, nhưng lại nghĩ đến việc chỉ có thế mọi người mới phần nào thay đổi nhận thức về việc xả rác, tôi lại vượt qua mọi khó khăn”. Có lần nọ, tôi đang nhặt rác trên đường, có người đi xe máy ngang qua vứt rác ngay trước mặt, tôi thoáng buồn, nhưng tự an ủi mình rằng “thà họ vứt đây cho mình dọn còn hơn là vứt chỗ khác làm ô nhiễm”. Một vài lần khác, có người đi đường nhìn thấy tấm bảng phía sau xe liền mỉa mai rằng tôi đang làm màu, rảnh hơi, không có việc làm... khiến tôi rất buồn. Nhưng bù lại, một vài trường hợp người đi đường khác từ việc làm nhỏ của tôi mà suy nghĩ tốt đẹp, động viên tôi tiếp tục cố gắng. Chỉ thế đã khiến tôi vui cả ngày”.

Bài, ảnh: Nhã Nam