Thứ năm, 7/6/2018, 22h01

Chỉ nên khuyến khích HS tập làm thơ!

Báo Giáo dc TP.HCM ngày 4-6-2018 có bài viết Có cn tiếp tc “Tp làm thơ” cho HS? ca tác gi Đ Thành Dương. Bài viết nêu góc nhìn rt đáng suy nghĩ v vic đ ngh hc sinh THCS phi tp làm thơ.

Tiết dy hc môn văn  bc THCS (nh minh ha). Ảnh: Anh Khôi

Tác giả Đỗ Thành Dương viết: “Chúng tôi thiết nghĩ, nội dung các bài học về thơ ở chương trình phổ thông chỉ nên dừng lại ở mục đích, yêu cầu phù hợp là cung cấp cho các em kiến thức cơ bản về thơ, để học sinh hiểu và nắm được đặc điểm riêng biệt của các thể thơ, trên cơ sở đó hướng dẫn các em nhận diện và cảm thụ được thơ ca trong quá trình học ngữ văn ở chương trình phổ thông. Việc cắt giảm nội dung “tập làm thơ” trong chương trình cũng sẽ góp phần giảm áp lực học tập cho học sinh”.

1. Có ý kiến cho rằng người Việt Nam rất thích làm thơ và hầu như rất nhiều người biết… làm thơ. Thực tế cho thấy, có người mở lời ra thì đều có thể “xuất khẩu” thành thơ, với các câu lục bát giản dị, nhưng giàu ý tứ và thường làm cuộc trò chuyện hào hứng hẳn lên. Nhưng xét cho cùng, không phải trường hợp nào cũng là thơ mà có không ít câu, bài chỉ là “văn có vần”, khi ý và tứ thơ đều quá sơ sài, các biện pháp tu từ không được thể hiện rõ nét. Do đó, có thể nói sáng tác được một bài thơ không phải là công việc giản đơn. Nó đòi hỏi có kỹ thuật nhất định (như cách gieo vần, cách sử dụng từ ngữ, tạo nên các hình ảnh phù hợp…), có ý tưởng để xây dựng nên các tứ thơ, các hình tượng, các biện pháp tu từ…

Trong tác phẩm nổi tiếng Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn, tập truyện giả tưởng dành cho trẻ em của nhà văn Nikolai Nosov, ra đời năm 1953, có kể câu chuyện về cậu bé Mít Đặc muốn học làm thơ. Theo cậu, thơ là những câu có vần; vì vậy, cậu đã làm nên những câu như: “Hôm đi học qua dòng suối/ Biết Tuốt nhảy qua con cá chuối” hay “Nhanh Nhảu đói thật tội/ Nuốt chửng cái bàn là nguội”… Đó cũng có thể là tình trạng chung của một số người mới làm thơ, hoặc phải cố làm thơ, chỉ cốt có vần chứ không quan tâm và không thể hiện được ý, tứ, tu từ… Chính các câu gọi là thơ của tác giả Đỗ Thành Dương dẫn trong bài đã thể hiện điều đó. Nếu gọi đó là thơ thì quả là ngô nghê, buồn cười!

2. Thực ra, việc tập cho học sinh làm thơ có những ý nghĩa tích cực, không chỉ trong việc học văn mà còn trong tư duy, trong quan sát, nhìn nhận sự vật, hiện tượng. Đó là giúp học sinh gò suy nghĩ để cố gắng diễn đạt điều mình muốn nói trong những câu chữ nhất định, bằng một hình ảnh nhất định, theo một kỹ thuật nhất định. Đây chính là một cách rèn luyện trí não khá hiệu quả. Bên cạnh đó, khi ra một đề tài để yêu cầu học sinh làm thơ thì mỗi học sinh phải chú ý quan sát, lắng nghe, phân tích, phán đoán các yếu tố liên quan đến đề tài đó để có thể diễn đạt điều mình muốn nói về sự vật, hiện tượng bằng thơ. Trong quá trình đó, đòi hỏi học sinh phải sáng tạo, cả về chọn cách thức diễn đạt và ngôn từ để diễn đạt. Chẳng hạn, yêu cầu tập làm một bài thơ về người nông dân làm việc trên đồng, học sinh có thể vận dụng những hình tượng đã có như “chân lấm tay bùn”, “một nắng hai sương”, “mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”…, hoặc sáng tạo với những hình tượng mới như “người điều khiển con trâu sắt”, “người nông dân với cánh tay robot gặt đập”… sao cho phù hợp với thực tế mà các em thấy hoặc gắn với viễn cảnh mà các em mơ ước, vươn đến. Chính những điều này giúp một học sinh học nghiêm túc phải tư duy, phải sáng tạo, từ đó tránh sự khuôn sáo, lối mòn.

Bên cạnh đó, tập làm thơ còn là một trải nghiệm mà qua đó có thể gợi mở sự sáng tạo ở một số học sinh nào đó. Bởi trong nhiều trường hợp, người ta chưa khám phá được khả năng của mình mà tình cờ qua một hoạt động nào đó, bản thân mới phát hiện năng lực riêng. Do đó, với một học sinh có năng khiếu hoặc yêu thích thơ thực sự, bài tập chính là cái cớ để các em được trải nghiệm với việc đó, rồi từ đây sẽ khích lệ, động viên bản thân tiếp tục sáng tác. Chính quá trình này sẽ kích thích các em học môn văn tốt hơn, đồng thời gợi mở các em có lối hành văn, cách tư duy, hoạt động giao tiếp mềm mại, uyển chuyển, giàu hình tượng và cảm xúc hơn, như cách mà một bài thơ thường thể hiện.

3. Tuy nhiên, với những học sinh không yêu thích hoặc không có năng khiếu thì sao? Khi đó, tập làm thơ có thể sẽ là một cực hình với các em. Việc phải “rặn” ra những câu thơ theo một thể thức nhất định có thể sản sinh ra những câu “cụt què” cả về ý lẫn tứ, cả về tình lẫn từ ngữ. Khi đó, chính việc tập làm thơ đã phản tác dụng và khiến các em càng “ngán” môn văn hơn. Đây là điều mà những người viết chương trình giáo dục có thể chưa nghĩ đến.

Do đó, một mặt để giảm tải chương trình, mặt khác để không để sót những tài năng thơ ca, trong chương trình môn văn bậc phổ thông có thể không nên “buộc học sinh phải tập làm thơ” nữa mà đổi thành “khuyến khích các em tập làm thơ”. Học sinh nào có hứng thú, có yêu thích, có năng khiếu thì có thể sáng tác những bài thơ theo một đề tài nhất định và những bài làm tốt có thể được tính điểm kiểm tra miệng hoặc kiểm tra 15 phút… Phương thức này có thể giúp học sinh thấy nội dung học này hứng thú hơn mà không trở nên gò bó, nặng nề.

Trúc Giang