Thứ tư, 21/12/2011, 16h12

Chiếm dụng đình làm chỗ kinh doanh

Đình Tây Thạnh đang bị chia… 4 để buôn bán

Với người dân Việt Nam, đình chùa là một phần văn hóa tín ngưỡng vô cùng quan trọng trong đời sống. Nhưng hiện nay, một số ngôi đình trên địa bàn TP.HCM đang bị lấn chiếm để làm chỗ kinh doanh buôn bán, gây nên những cảnh tượng vô cùng bát nháo.
Điển hình là đình Tân An (Q.1). Đây là ngôi đình có tuổi đời trên 100 năm, từng là căn cứ cách mạng trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Tuy có lịch sử và chiến tích huy hoàng như vậy nhưng đình Tân An hiện đang bị “chia năm xẻ bảy” cho các hộ kinh doanh buôn bán. Theo quan sát, đình là nơi tập thể hình, kho trữ hàng của công ty cổ phần đô thị và trước kia từng là… tiệm cắt tóc gội đầu máy lạnh. Ngoài ra, bên trong đình cũng bị đập phá nhiều hạng mục để thay thế và xây nhà vệ sinh cho khách. Một người dân ở gần đình Tân An ngán ngẩm nói: “Giờ họ bít kín hết lối vào đình. Nhiều năm nay, người dân chẳng có chỗ mà thắp hương, cúng lễ. Người xa quê lâu năm có về thăm lại cố hương cũng chẳng còn nơi mà thờ phụng, thăm viếng nữa”.
Chung “hoàn cảnh” như đình Tân An là đình Mỹ Hòa (Q.1), nơi thờ danh tướng Trần Bình Trọng. Theo người dân sống xung quanh, từ vài năm nay, ngôi đình này đã bị tách ra để… cho thuê làm xưởng sản xuất giày và lò bánh mì, sân đình thì dùng làm bãi trông giữ xe. Ai cũng thấy buồn khi những ngày lễ tết, ngày hội không có nơi thắp hương, dâng hoa, thờ cúng. Trong đình, khung cảnh còn bi đát và bề bộn hơn. Người thuê sinh hoạt, sống cùng con cái, ngủ nghỉ ngay trong gian nhà thờ danh tướng lẫy lừng này.
Ngay cả các quận ngoại thành, tình trạng đình bị xâm chiếm, xẻ nhỏ cho thuê cũng ngang nhiên tồn tại. Cụ thể, đình Tây Thạnh (Q.Tân Phú) cũng bị chia làm bốn phần cho thuê làm cửa hiệu photocopy, truyện tranh, kho giữ đồ và hớt tóc nam nữ. Điều đáng nói, đình Tây Thạnh nằm ngay ở mặt đường chính, hàng ngày có hàng ngàn người qua lại nhưng đình ở tầng 2 vẫn đóng cửa im ỉm, còn các gian hàng ở tầng 1 thì luôn luôn nhộn nhịp. Khi hỏi người dân xung quanh, làm thế nào để lên đình Tây Thạnh thắp hương, một cán bộ hưu trí ngao ngán bảo: “Dân chúng tôi ở đây từ lâu cũng không còn đường mà vào đình, huống hồ khách thập phương”.
Tương tự, trên địa bàn Q.6, đình Bình Tiên cũng bị hai hộ dân chiếm dụng làm nơi bán giày dép và túi xách. Thêm nữa, cứ khoảng đầu giờ chiều, rất nhiều người dân mang trái cây, quần áo, mũ bảo hiểm và hủ tiếu gõ đến bán ngay trước mặt tiền của ngôi đình gây nên cảnh vô cùng bát nháo.
Một điều đáng nói trong số các ngôi đình bị lấn chiếm là di tích lịch sử quốc gia, đang chờ cấp giấy chứng nhận, đồng thời cũng là một phần văn hóa không thể thiếu của người dân địa phương. Tình trạng này xảy ra đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa có cách giải quyết triệt để?!?
Bài, ảnh: ĐOÀN ĐẠI TRÍ