Thứ tư, 29/12/2010, 14h12

Chiến thắng nỗi đau: Bài 3: “Đội văn nghệ da cam”

 Lê Văn Ở luyện tập để chuẩn bị cho đêm diễn mừng Lễ Giáng sinh
Ở TP.HCM có một đội văn nghệ đặc biệt thường biểu diễn ở các chương trình lễ hội lớn trong nước mà người ta vẫn thường gọi là “Đội văn nghệ da cam”. Lời ca tiếng hát của họ không chỉ để mưu sinh mà còn xua đi bóng tối cuộc đời…
Đội văn nghệ này do anh Trần Hữu Quang, một người có trái tim nhân hậu đã cưu mang, đỡ đầu cho những nạn nhân chất độc da cam thành lập.
Xua bóng tối bằng âm nhạc
Ở hoàn cảnh nào cũng vậy, mỗi người đều có một cách cảm nhận riêng về thế giới xung quanh. Với anh Quang, ngoài nụ cười luôn thường trực trên môi, lời ca tiếng hát sẽ giúp xua đi bóng tối của đêm đen và gạt bỏ lại phía sau mặc cảm cho những mảnh đời kém may mắn. Anh Quang giãi bày về ý tưởng thành lập đội văn nghệ: “Mình không thể cho các em cái ăn hàng ngày mà chỉ có thể cho họ một công việc, một công việc đúng nghĩa, phù hợp với khả năng. Cách làm này không chỉ giúp các em tự nuôi sống bản thân mà còn mở ra một tương lai xán lạn hơn. Từ đó các em sẽ thấy rằng cuộc sống này quá đỗi hạnh phúc chứ không như mình tưởng”.
Những nghệ sĩ, ca sĩ trong “Đội văn nghệ da cam” tuy không lành lặn về thể xác nhưng lời ca tiếng hát và ngón đàn thì ngược lại. “Khi buồn anh sẽ làm gì?”, tôi hỏi một thành viên trong đội. Anh ta nhún vai, sửa lại tư thế ngồi xe lăn, cười thật tươi: “Đàn và hát”. “Một mình à?”. Anh ta nhỏ nhẹ: “Cứ hát một mình rồi sẽ có bạn”. Cách anh ta nghĩ, trả lời như thể anh chiêm nghiệm cuộc sống này chưa phải là bế tắc, bởi xung quanh anh còn biết bao người, còn có trái tim yêu thương cuộc sống tràn trề. Anh dạo phím đàn bài Sầu lẻ bóng của nhạc sĩ Lê Minh Bằng, tiếng đàn réo rắt đến tái tê lòng. Trước khi hát, anh vừa đàn vừa kể tôi nghe câu chuyện tình đẹp như tranh vẽ. Mà buồn thay, tình đầu cũng là tình cuối, tất cả chỉ còn là kỷ niệm cũng chỉ vì “Tôi là người không lành lặn”.
Em Lê Văn Ở, 17 tuổi là nạn nhân chất độc da cam đến từ Hòn Đất, Kiên Giang được anh Quang tin tưởng giao cho chức vụ đội trưởng đội văn nghệ. Ở bị mù, nói đúng hơn là em không có mắt vì khuôn mặt biến dạng. Để có được ngón đàn điêu luyện cho cả guitar và organ, ngoài năng khiếu bẩm sinh, Ở phải học tập và rèn luyện trong suốt bốn năm. Ngoài ra, em còn có năng khiếu bẩm sinh về đờn ca tài tử. Ở đàn, ca như một nghệ sĩ thực thụ. Ở tâm sự: “Có đôi lúc nghĩ buồn về số phận nhưng nhờ lời ca tiếng hát, em cũng khuây khỏa phần nào. Đó là cho mình. Còn khi biểu diễn, được khán giả vỗ tay, tặng hoa, cảm giác hạnh phúc thật khó tả. Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong bốn năm đi diễn là đêm diễn ở Trung tâm Cai nghiện Nhị Xuân. Nghe tụi em đàn hát, các học viên đã bật khóc vì xúc động. Khóc vì họ đã đánh mất một quãng đời thật đẹp mà đáng lý ra họ phải biết gìn giữ và trân trọng”.
Hát ca để yêu cuộc sống này
Thành viên hoạt động khá tích cực trong Đội văn nghệ da cam là chị Hà Thị Hồng Hiệp (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận), người đã trải qua sáu lần phẫu thuật trong vòng bốn năm để có được đôi chân lành lặn. Trong đó, hai năm đầu chị phải đối mặt với bốn lần phẫu thuật. Từ khi lọt lòng mẹ, chân phải của chị có hình chữ V, chân trái là hình chữ C. Chính vì thế, chân chị một bên, người thì một bên. Năm 2001, được sự trợ giúp của TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, chị được Bệnh viện Quân y 108 khám và tiến hành phẫu thuật miễn phí. Chỉ riêng chuyện phẫu thuật cũng giúp chúng ta thấy được sự bản lĩnh, nghị lực trong chị cao đến nhường nào. Đến các bác sĩ, chuyên gia phẫu thuật của thế giới còn phải nể sức chịu đựng của chị vì ca phẫu thuật xương chân cực kỳ phức tạp, hiếm gặp và kéo dài trong nhiều giờ. Chị Hiệp nhớ lại: “Cứ nghĩ sau mỗi lần phẫu thuật mình sẽ có đôi chân đẹp hơn nên tôi quên hết chuyện đau đớn”. Để có được một đôi chân lành lặn, ngoài sự trợ giúp của y học ra không thể không kể đến nội lực chiến thắng nỗi đau của chị. Xem chị Hiệp ca hát, nhảy múa trên sân khấu ít ai biết rằng chị là một người khuyết tật.
Không muốn mình sống phận tầm gửi, lớn lên, chị Hiệp một thân một mình vào Bình Dương sinh sống và học nghề kết cườm. Có tay nghề vững, chị được giới thiệu vào làm việc ở các cơ sở dành cho người khuyết tật. Đi đến đâu chị cũng được đảm nhận vai trò của một người quản lý, điều hành. Trong những chuyến đi diễn xa, một tay chị Hiệp lo cho cả đội, từ việc ăn uống, tập dợt… Chị Hiệp chia sẻ: “Hầu như đến thời điểm này các anh em trong đội đều đã có đủ khả năng để hòa nhập cộng đồng. Được như vậy là nhờ vào sự nỗ lực, tự tin trước công chúng. Đi biểu diễn nhiều cũng cho các bạn cơ hội tiếp cận nhiều với xã hội, đó là hành trang không thể thiếu để hòa nhập cộng đồng”.
Anh Quang cho biết: “Chúng tôi rất yên tâm về “Đội văn nghệ da cam” của mình vì anh em trong đội chẳng những có năng khiếu thiên bẩm mà còn chịu khó luyện tập thường xuyên. Sau này, nếu có điều kiện lập gia đình, tôi tin các em hoàn toàn có thể chủ động với mọi tình huống trong cuộc sống. Lời ca tiếng hát đã giúp các em thêm yêu cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng với phần thân thể còn lại của mình”.
Bài, ảnh: trần Tuy An

Trong năm 2010, “Đội văn nghệ da cam” đã biểu diễn ở các chương trình lớn như: Chương trình văn nghệ chào mừng chiến thắng Đống Đa - Bình Định; Lễ hội chùa Yên Tử - Quảng Ninh; Lễ hội chùa Hương Tích - Hà Nội; Ngày Giỗ tổ Hùng Vương - Phú Thọ; kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội… Ngoài ra, đội văn nghệ này còn tích cực tham gia biểu diễn ở các chương trình từ thiện gây quỹ ủng hộ đồng bào lũ lụt, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam…