Thứ năm, 17/12/2015, 23h05

Chiến tranh không chỉ có đạn bom

Bài 2: Bên nhau về chiều

Thời gian gần 30 năm có thể làm phôi phai mọi thứ, đủ để ký ức chìm vào quên lãng nhưng tình yêu dành cho nhau vẫn vẹn nguyên như ngày nào.

Ông Tư Cang và bà Ảnh tại nhà riêng

Từ ngày giã từ vợ đang mang thai đến đêm trở về, họ tính từng ngày: 29 năm không lẻ. Chiến tranh gieo rắc chia ly, chết chóc chẳng ai mong muốn nhưng tháng ngày sống trong bom đạn ác liệt, cái thi vị của tình yêu đã chiến thắng nỗi mất mát, đau thương. Thời gian ấy, Trung tá tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tư Cang (tức Nguyễn Văn Tàu, tên khai sinh Trần Văn Quang), nguyên Chính ủy Lữ đoàn Đặc công biệt động Sài Gòn chỉ được gặp vợ, bà Trần Ngọc Ảnh vài lần trong vai tình nhân, mỗi lần chỉ dăm ba phút.

29 năm xa cách

Nhắc đến bà Trần Ngọc Ảnh là nhắc đến người phụ nữ mẫu mực, thủy chung, chịu thương chịu khó. 29 năm chờ đợi đã thay cho những câu từ ngợi ca về bà. Bà Ảnh từng là nữ sinh Gia Long (Truờng THPT Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ) nhưng vì chiến tranh loạn lạc, bà về lại quê biển Phước Hải, Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu khi học hết năm thứ hai trung học. Năm đó, ông Tư Cang cũng vừa tròn 18.

Thời điểm ấy, nhà nghèo, ông Tư Cang là trụ cột gia đình, trong đó ba mẹ đau yếu và bốn đứa em nhỏ. Ông Tư Cang nhớ lại: “Tôi làm đủ thứ việc, từ bán vải, bán cá đến mổ heo gánh thịt đi bán dạo… Thấy ông vất vả ngược xuôi kiếm cái ăn cho gia đình, không ít người lân la mời ông làm thông ngôn cho Pháp. Với thù lao gấp nhiều lần tiền lãi bán thịt heo nhưng ông một mực không chịu vì lẽ: Không chấp nhận làm đày tớ cho Tây”. Dù phải gánh vác gia đình lớn, nhỏ nhưng trong đầu của ông Tư Cang không một giờ thôi nghĩ chuyện tham gia đánh Tây. “Tôi sẽ vào chiến khu đánh Pháp” là câu nói của ông mỗi khi thấy cảnh dân lành bị hiếp bức.

Cưới vợ chưa lâu, thậm chí vợ chồng chưa quen tính nết của nhau thì ông đã đi biền biệt. Đó là một đêm của năm 1946, ông tham gia lực lượng quân báo tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn, vừa làm nhân viên mật vừa mua bán kiếm tiền trang trải gia đình. Vợ ông mang thai nửa đêm phải di tản từ Long Phước về Phước Hải. Biết ông tham gia lực lượng quân báo, vợ ông bụng mang dạ chửa sống cũng không yên, đành chuyển về Sài Gòn theo học nghề đánh máy chữ rồi tham gia tình báo quốc phòng dưới vỏ bọc thư ký ngân hàng .

Vợ hạ sinh đứa con gái, ông chỉ hay vậy qua thư chứ chưa một lần được ôm con. Năm 1949, sức khỏe mẹ ông đỡ hơn, ông quyết định thoát ly theo kháng chiến. Ông cười móm cái miệng, giọng tỉnh rụi: “Xa nhau có 29 năm chớ nhiêu, chống Pháp rồi chống Mỹ, thêm mấy năm tập kết ra Bắc, 100 ngày vượt Trường Sơn vào Nam…”.

Sau bảy năm tập kết, háo hức đợi giây phút gặp vợ con thì nhận nhiệm vụ mới. Với đặc thù lưới tình báo, ông không được phép về thăm vợ con, dù khoảng cách chỉ vài kilômét. Đó là năm 1961, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt ông Trần Quốc Hương (tức Mười Hương) - một bậc thầy tình báo, tôi được tổ chức phân công thay thế. Thời gian này có gặp được vợ con vài lần ở sở thú, tuy nhiên mỗi lần gặp không quá 5 phút, trong vai tình nhân. Có khi đã chuẩn bị trước chuyện cần trao đổi nhưng gặp nhau không hỏi han được gì thì mỗi người một hướng.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, vợ và đứa con gái duy nhất Trần Thị Giang (nguyên Hội thẩm Nhân dân Tòa án Nhân dân Q.Bình Thạnh) đều tham gia trong ngành tình báo quốc phòng.

Bà Ảnh vừa cẩn thận sửa lại cổ áo cho chồng vừa kể: “Bao năm biền biệt nhưng không một giây phút nào thôi nghĩ về nhau. Đối mặt trước những thử thách nhưng tôi vẫn luôn đặt niềm tin, hy vọng ngày đoàn tụ”.

Liêu xiêu bóng đổ về chiều

Dù đã về hưu mấy mươi năm nhưng ông bà làm không hết việc, mà chẳng việc nào cho lợi ích riêng mình. Bà con nơi gia đình ông cư ngụ tín nhiệm bầu ông làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc, Bí thư chi bộ… Bà làm Tổ trưởng phụ nữ nhiều năm liền. Những hôm khỏe, ông bà bàn tính đi thăm con em đồng đội cũ gặp khó khăn trong cuộc sống. 

Những năm trên đất Bắc, trong ba lô ông luôn có ba món quà quý là lá thư, chiếc áo len và tấm ảnh của con gái. Đó là món quà ông nhận từ tay người quen khi chuẩn bị xuống tàu rời miền Nam ra Bắc. Ông bảo thư có mấy dòng, đọc tới đọc lui thuộc lòng. Ông chậm rãi, nguyên văn thế này: “Gia đình mình bị giặc kiểm soát gắt lắm, em không ra tiễn anh được. Thôi thì đời vợ chồng mình như những năm qua. Nghe nói ngoài Bắc lạnh lắm, em đan chiếc áo này gửi anh”. Bà Ảnh đưa mắt nhìn ông, giọng trìu mến: “Lúc tôi buồn bực, ổng đọc lại lá thư hồi đó tôi viết, như là cách để dắt nhau về thời tuổi trẻ sôi nổi, để quên giận hờn, quên khó khăn”.

Ông bà ngồi bên nhau trong căn nhà nhỏ vừa được một tổ chức xây tặng chưa lâu, nhớ lại tháng ngày xa cách. “Ngày chúng tôi gặp lại nhau sau 29 năm là một ngày đặc biệt, ngày 30-4-1975 lịch sử, ngày toàn thắng trở về. Sau khi chiếm giữ các vị trí then chốt trong thành phố, tôi cầm lái chiếc xe Jeep vừa thu được của một trung tá chính quyền Sài Gòn, trên xe còn có một tổ nữ chiến sĩ biệt động phóng nhanh về Thị Nghè, nơi căn nhà mà vợ con đang trông ngóng tin”, ông nhớ lại. Bà Ảnh xúc động, giọng run run: “Đến bây giờ vẫn không thể quên giây phút ấy, khó nói thành lời”.

Ngày gặp lại ngập tràn nước mắt hạnh phúc, ông bà cũng đã vào cái tuổi xấp xỉ 50, và đã lên chức ông, bà ngoại. Những đêm dài chiến trường, cũng như đồng đội, ông mong được ngày về bên vợ con, dành tất cả những gì tốt đẹp nhất. Ngày đó cũng đã đến nhưng trong ông không khỏi ray rứt khi trở về với tỉ lệ thương tật 61%.

Dù đã về hưu mấy mươi năm nhưng ông bà làm không hết việc, mà chẳng việc nào cho lợi ích riêng mình. Bà con nơi gia đình ông cư ngụ tín nhiệm bầu ông làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc, Bí thư chi bộ… Bà làm Tổ trưởng phụ nữ nhiều năm liền. Những hôm khỏe, ông bà bàn tính đi thăm con em đồng đội cũ gặp khó khăn trong cuộc sống.

Tuổi 88, ông có thể thay bà đi chợ mua bó rau, cân cá về làm bếp, dọn cơm và nói chuyện cả buổi với sinh viên, học sinh. Những hôm ông mệt vì thương tật cũ, bóng bà liêu xiêu bên bóng ông ra vào viện.

Bài, ảnh: Trần Tuy An