Thứ bảy, 19/12/2015, 21h53

Chiến tranh không chỉ có đạn bom

Bài cuối: Một tình yêu đủ lớn

Có một cuộc sống khác ở trời Âu với địa vị, tiền tài khối người ao ước nhưng nó không dễ đánh đổi với tình yêu thương mà chúng tôi dành cho nhau, vẫn hy vọng đợi chờ nhau.

Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Thương và bà Trần Thị Em

“Chúng tôi có một tình yêu đủ lớn để không mất nhau dẫu cho có vô vàn lý do chấp nhận được trong thời cuộc” - đó là chia sẻ của Thiếu tá tình báo, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Thương (1938) và vợ, bà Trần Thị Em (1941) về tháng ngày sống, chờ đợi nhau trong “chảo lửa”.

Trước tiền tài và tình ái

Ông Hai Thương nheo mắt nhìn ra cửa sổ, nơi có nhánh lan rừng hé nụ đón ánh nắng mai, xâu chuỗi các sự kiện: Một ngày đầu tháng 2-1969, tôi nhận lệnh triệu tập về R để đi học tại Trường Nguyễn Ái Quốc, được phép về thăm vợ con trước khi đi học nữa. Xa cách cũng lâu, vợ và thằng con trai lên ba mong lắm. Đêm ấy, tôi nói với vợ: “Anh đi công tác dài ngày. Mọi việc ở nhà trông cậy nơi em. Em và con đợi anh…”. Không nói ra bà Tư Em (tên thường gọi của bà Trần Thị Em, vợ Hai Thương - PV) cũng biết chuyến này chồng đi lâu, chẳng biết khi nào gặp lại. Như bao người mẹ, người vợ thời chiến, bà cố giấu nước mắt vào trong, tiễn chồng ra đầu ngõ.

Trên đường về R, đến trạm giao liên tình báo ở vùng giải phóng thì có bức điện khẩn với nội dung: “Yêu cầu Nguyễn Văn Thương quay trở lại để đi chuyến công tác đặc biệt quan trọng”. Cưỡi chiếc Honda mà tổ chức chuẩn bị sẵn, ông vượt rừng về vùng giáp ranh Sài Gòn nhận tài liệu của Cụm tình báo A36 và tài liệu của tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn chuyển lên.

Đó là chuyến công tác đáng nhớ trong cuộc đời chinh chiến của ông. Chiều 10-2-1969, sau một trận chạm trán, chống trả quyết liệt với những tên lính từ chiếc trực thăng thả xuống tại cánh đồng thuộc xã An Phú, huyện Củ Chi. 17 giờ 30, Hai Thương bị bắt. Thêm một tù binh trẻ tuổi (27 tuổi) vào trại giam Tam Hiệp.

Lúc bấy giờ, các cơ sở cách mạng từ ven đô đến nội thành trở nên “nóng” với sự lùng sục gắt gao của chính quyền Sài Gòn. Nguyễn Văn Thương khai mình tên Nguyễn Trường Hân. Tấm ngân phiếu trị giá 100.000 USD sẽ được chuyển vào ngân hàng nào ông muốn. Những bộ quân phục hàm trung tá, thêm ngôi biệt thự sang trọng ông đang ngồi. Chưa hết, bên ông còn có một cô gái tuổi đôi mươi xinh xắn phục vụ khi cần.

Đó là những thứ mà chính quyền Việt Nam cộng hòa đem ra để mua chuộc ông… Là người nắm hầu hết các tổ chức mạng lưới ở phòng tình báo phía Nam của ta - bằng mọi cách chúng mua chuộc thế cũng là điều dễ hiểu. Sau cơn mê man vì vết đạn xuyên thủng bắp chân, máu ra nhiều, Hai Thương tỉnh dậy, trước mặt là một cô gái tên Thùy Dương đến từ thành phố biển Nha Trang xinh đẹp. Trong trí nhớ của ông, Thùy Dương là cô gái thùy mị, dịu dàng, thân thiện, có học thức và cực kỳ thông minh.

Sau nhiều lần tra khảo, đánh đập ông không hé miệng nửa lời, chúng cưa chân ông đến 6 lần chỉ trong thời gian ngắn. Trước những lần cận kề cái chết, Thùy Dương lại xuất hiện với lời đề nghị: Một chuyến du lịch Canada dài ngày. Hai ta sẽ định cư ở một nơi nào đó anh thích, tài sản là cả trăm ngàn đô la… Trước tình thế này, Hai Thương càng phải khôn khéo, lập trường kiên định. Bản chất rắn rỏi trong con người Hai Thương không dễ bị mua chuộc. Ông đủ sức tỉnh táo trước một cô gái đang cố khai thác tin tức cho CIA bằng cách bông lơn chuyện tình ái rẻ tiền. Quanh mình đều là CIA, nhất cử nhất động, từng cử chỉ, lời nói không khéo có thể làm hỏng tất cả. Ông chán ngán những lời tỉ tê đường mật của cô Thùy Dương, dù cô ta có kiên trì, thông minh và tinh tế đến cỡ nào cũng không khai thác bất kỳ manh mối nào từ ông. Ông cho rằng đó là một cái bẫy êm ái.

Những vòng xe cuộc đời

Để tìm chút manh mối cụm tình báo, chính quyền Việt Nam cộng hòa còn dựng kịch bản về một gia đình hạnh phúc mà trong ông nhớ nhung đến cồn cào. Tuy nhiên với ông đó là một kịch bản tồi và diễn viên rất tệ. Hơn một lần ông nghĩ, đó là những trò hề chán ngắt.

Không bữa cơm nào thiếu nhau

Tuổi xấp xỉ 80, thêm di chứng đang mang, sức khỏe ông cũng đã có nhiều hư hao. Mấy mươi năm rồi, từ ngày về hưu, không bữa cơm nào ông bà thiếu nhau. Con hẻm trên đường Bình Lợi (P.13, Q.Bình Thạnh) sau nhiều năm gia đình chuyển về sinh sống, không sáng thì chiều bà đẩy ông trên chiếc xe lăn đi dạo. Ông chiêm nghiệm: “Cuộc đời là những vòng xe nhưng không phải lúc nào cũng tự mình điều khiển”. 

Bà Tư Em, người con của vùng đất Phú Hòa Đông, Củ Chi kém chồng ba tuổi (sinh 1941) vừa nuôi con vừa làm giao liên binh vận R. Tuổi 13, bà đã đi khắp chiến trường Đông Nam bộ. Đơn vị báo tin chồng bị bắt, bà ôm con khóc nấc. Để không bị lộ thân thế, đặc biệt là mạng lưới tình báo, bà Tư Em vào vai người nhà của một tù binh khác để vào nắm tình hình. Trong trại không hề có tù binh Nguyễn Văn Thương, thay vào đó là cái tên Nguyễn Trường Hân như lời khai của ông trước đó.

Tháng 4-1969, bà Tư Em vào thăm chồng ở trại giam Tam Hiệp (Hố Nai, Biên Hòa). Bà nhớ lại: Đứng xa cách mấy hàng rào kẽm gai, chúng tôi không nhìn thấy nhau. Hồi lâu, tay chân tôi như rụng rời, nghĩ ổng đã… Đến khi các tù binh ẵm tâng anh lên thì loáng thoáng thấy. “Anh chỉ tay vào đôi chân bị cưa gần sát, tôi thật sự choáng váng. Nước mắt tôi lăn dài. Tôi như quỵ xuống trong đau đớn. Dẫu biết chiến tranh mất mát, đau thương là lẽ thường nhưng tinh thần tôi suy sụp hẳn, thương anh nhưng chỉ kịp hỏi vài câu ngớ ngẩn…”, bà Tư Em nhớ lại. 

Bốn năm nơi nhà lao Tam Hiệp, thêm bốn năm lẻ bốn ngày ở nhà tù Phú Quốc, quãng thời gian dài đằng đẵng. Sau này, trong bữa cơm gia đình, bà có đưa ông và các con xem bức thư bà viết nhưng chưa kịp gửi thì ông đã bị đưa ra Phú Quốc. Thư có đoạn: “Trước những chiếc máy cưa rùng rợn, anh vẫn can đảm. Đối diện sự thật, em biết phải làm gì. Em chờ anh. Thằng Liêm nhắc ba hoài đó. Yêu anh”. Bà Tư Em bảo, đó là những lời của người vợ rút ruột tâm sự với chồng qua thư.

Sau ngày giải phóng, với thương tật nặng nhưng ông Hai Thương vẫn gánh gồng mọi thứ. Bà Tư Em chịu thương chịu khó chăm chút cho chồng, cho con. Năm 1978, gia đình đón thành viên mới - cô con gái Nguyễn Thị Phương Lan chào đời.

Bài, ảnh: Trần Tuy An