Thứ hai, 18/1/2010, 11h01

Chiếu cói xuất dương

Làng nghề chiếu cói truyền thống Định Yên (Lấp Vò, Đồng Tháp) có từ trăm năm trước, qua nhiều thế hệ sản xuất thủ công nhọc nhằn, lam lũ. Mấy năm nay, khi có máy móc thay thế sức người, chiếu Định Yên xuất dương mang về sự sung túc.
Phơi cói ở làng chiếu Định Yên
Chợ ma làng chiếu
Qua thị xã Sa Đéc vài chục cây số, tới Định Yên là biết ngay làng chiếu. Làng xóm vang tiếng máy dệt chiếu. Tôi vào HTX Thanh Bình, cơ sở sản xuất chiếu cói lớn nhất xã. Mấy chục chiếc máy dệt chiếu đang chạy hết công suất. Chị Nguyễn Thị Thủy, bên chiếc máy dệt, xởi lởi: “Bây giờ làm chiếu khác trước nhiều rồi, có máy dệt nên đỡ vất vả và cũng dễ kiếm cái ăn hơn”.
Chị Thủy 45 tuổi, dệt chiếu từ khi mới 9 tuổi đến giờ, chứng kiến nhiều đổi thay. Chị không biết nghề chiếu Định Yên có từ bao giờ, chỉ biết đời cha mẹ, ông bà nội ngoại đều làm chiếu rồi truyền lại. Nghề chiếu thủ công truyền đời, nên tay người Định Yên không ai là không nhằng nhịt sẹo do đứt dao hoặc sợi cói cắt xước.
Bây giờ khác rồi, cói được chẻ bằng máy. Sợi cói tự nhiên được hấp nhuộm, phơi trở mấy lần cho đạt màu sắc theo yêu cầu, mới đưa vào dệt. Dệt chiếu là công đoạn vất vả nhất. Trước kia làm thủ công, phải có hai người, một người đẩy sợi cói vào và một người dập.
Tỷ mẩn, chậm chạp, lê la trên mặt đất, mỗi ngày làm nhanh chỉ được ba chiếc chiếu đã mệt lả người. Nay chỉ cần một người ngồi ghế đút từng sợi cói vào máy, mỗi ngày cho ra ít nhất chín chiếc chiếu, nhanh và đẹp hơn nhiều.
Trước đây, chiếu dệt xong mang ngay ra chợ cho kịp bán. Xã Định Yên có chợ chiếu họp cả ngày lẫn đêm, vì thế còn gọi là chợ ma vì họp ban đêm trong mập mờ đèn dầu, người mua người bán lọ mọ trao đổi không rõ mặt nhau. Vậy nhưng chợ luôn đông đúc người mua bán.
“Dân sợ chiếu ế, thương lái thì sợ không đủ hàng nên thường xuyên túc trực. Chợ ma vì thế mà không bao giờ vãn người”, chị Tuyết giải thích. Bây giờ thì chợ ma chỉ còn vài hộ nhỏ lẻ vì hệ thống thương lái đã đến từng nhà, đặt hàng trước khi dệt.  
Nghề chiếu Định Yên qua trăm năm, qua chiến tranh loạn lạc, trải nhiều phen thăng trầm và vẫn giữ được nghề.
Khó ló khôn
Ông chủ nhiệm HTX Chiếu cói Thanh Bình Phan Văn Bé Tư cho biết, chiếu Định Yên là thương hiệu chung của bốn làng nghề trải trên địa bàn hai xã Định Yên và Định An (Lấp Vò, Đồng Tháp).
Hai xã có 40.000 hộ dân, trong đó có 18.000 hộ làm chiếu. Đến nay, số hộ làm chiếu thủ công chỉ còn khoảng 20%, còn lại là máy móc. Chiếu Định Yên làm máy đẹp, bền, được tiêu thụ nhiều nơi với tiền lời khá nên người làm chiếu sống khỏe với nghề, không còn lam lũ như trước.Tuy nhiên, giai đoạn công nghiệp hóa không phải suôn sẻ.
“Lúc đầu, dân Định Yên lạ lẫm với cái máy, không ai làm được, thị trường thì không quen sản phẩm mới nên trăm bề khốn khó”, ông Bé Tư nhớ lại.
Nhiệt huyết với chiếu cói càng mãnh liệt, ông kiên trì vận động từng nhà đưa người lên xã học dệt chiếu bằng máy. Chiếu dệt bằng máy, sợi bố thủ công được thay bằng sợi chỉ trắng mềm mại và bền nhưng cũng lạ lẫm với thị trường. Các thành viên trong tổ hợp tác đi khắp nơi ký gởi nhờ bán giùm. Dần dà, nhân công và thị trường cũng quen, chiếu Thanh Bình dệt bằng máy bắt đầu có chỗ đứng.
Năm 2005, Tổ trưởng Bé Tư lại có quyết định táo bạo: Tháo rời hai chiếc máy dệt của Hàn Quốc để nghiên cứu, nhằm chế thêm máy cho rẻ. Ông không biết gì về cơ khí khiến nhiều người lo ngại. Nhưng đã quyết là làm, ông cùng vài người sao chép cẩn thận từng chi tiết máy rồi đặt hàng cho các cơ sở cơ khí sản xuất, mang về lắp ráp.
“Lúc đầu làm được sáu chiếc, cũng ì ạch lắm, phải chỉnh sửa nhiều ngày đêm mới hoạt động được, cải tạo thêm mới chạy trơn tru”, ông Bé Tư tâm sự.
Thành công đó đã khích lệ ông thành lập HTX cơ khí sản xuất và bảo trì máy dệt chiếu. Từ đó máy dệt được phủ khắp toàn vùng.
Và chiếu cói xuất ngoại
Chủ nhiệm HTX Chiếu cói Thanh Bình lăn lộn khắp các hội thảo, tận dụng các mối quan hệ để tiếp thị. Đến đâu ông cũng mời đối tác về HTX Chiếu cói Thanh Bình xem việc sản xuất chiếu. Kết quả là hợp đồng ngày càng nhiều, thương hiệu chiếu Thanh Bình có chỗ đứng trong thị trường.
Đến nay, chiếu Thanh Bình đã được chứng nhận thương hiệu độc quyền, có đại lý lớn ở khắp các tỉnh ĐBSCL, miền Đông Nam Bộ, xuất khẩu đi Hàn Quốc,Thái Lan, Campuchia mỗi năm hàng chục ngàn chiếc.
Ông chủ nhiệm nhỏ người, chia sẻ cùng tôi tham vọng đưa chiếu cói Định Yên vươn xa hơn. “Làm ăn thời hội nhập phải đầu tư lâu dài, bài bản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, mới mong phất lên được”, ông Bé Tư tâm huyết.
Kiến Giang / TPO