Chủ nhật, 17/12/2017, 00h42

Chính sách miễn học phí cần được điều chỉnh

Sau bài viết Miễn học phí sinh viên sư phạm: Nên không? (ngày 15-12), nhiều ý kiến phản hồi cho rằng chính sách miễn học phí cho sinh viên (SV) sư phạm tại Việt Nam đã không còn thu hút được người giỏi như trước đây, cần phải điều chỉnh phù hợp.

PGS.TS Nguyễn Thám (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế): Nên tăng suất đầu tư trên từng SV

Từ khi có chế độ miễn học phí cho SV sư phạm, cũng là thời kỳ mà SV sư phạm ra trường hầu hết có việc làm đúng nghề. Nếu không phục vụ nghề đã chọn, SV phải đền bù học phí. Với chính sách đó, nhiều học sinh khá, giỏi chọn “đầu quân” vào các trường sư phạm; nhiều trường/ngành có điểm chuẩn cao, tỷ lệ chọi lớn.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tuyển sinh vào sư phạm nhìn chung mặt bằng thấp, học sinh giỏi ít mặn mà. Việc cấp bù học phí vẫn có tác động, nhất là với học sinh gia đình khó khăn. Nhưng trong điều kiện kinh tế hiện nay, mức học phí bình quân 7-8 triệu đồng/năm không còn là điều kiện quyết định chọn ngành sư phạm của nhiều học sinh. Nguyên nhân chính nằm ở việc tốt nghiệp sư phạm khó kiếm việc làm, nhiều người học sư phạm ra thất nghiệp, vị trí người thầy giảm sút… Nếu nhìn bức tranh SV sư phạm ra trường khó kiếm việc làm, nhiều SV sư phạm thất nghiệp và nguồn ngân sách cho cấp bù sư phạm thì chúng ta không khỏi băn khoăn về sự lãng phí ngân sách.

Để tránh lãng phí, giảm dần sự mất cân đối cung - cầu giữa đào tạo sư phạm và nhu cầu tuyển dụng giáo viên, nên tính toán tăng suất đầu tư trên từng SV sư phạm để các trường giảm hẳn chỉ tiêu, có điều kiện nâng cao năng lực đào tạo giáo viên. Đây là sự điều chỉnh cần thiết của chính sách này cũng như các chiến lược giáo dục có liên quan… Trong điều kiện khó khăn tuyển sinh sư phạm như hiện nay, nếu bỏ chính sách miễn học phí SV thì đầu vào còn khó khăn hơn nữa.

ThS. Trần Thị Hồng Thắm (Sở GD-ĐT Cần Thơ): Duy trì nhưng phải điều chỉnh phù hợp

Muốn có đội ngũ nhà giáo tài năng trong tương lai rất cần những chính sách thu hút SV giỏi cho ngành sư phạm. Một trong các chính sách này là miễn học phí đào tạo cho các em. Sau gần 20 năm thực hiện chính sách này, cần có những đánh giá vì đó là những thao tác cần thiết, khoa học để nâng cao hiệu ứng của chính sách cũng như đảm bảo công bằng trong xã hội.

Việc miễn giảm học phí SV sư phạm để thu hút người giỏi vào ngành giáo dục có thể duy trì nhưng phải có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp với đời sống xã hội hiện nay. Những đề xuất cần được phân tích trên cứ liệu phù hợp, khách quan, thuyết phục từ các minh chứng số liệu cụ thể, định tính bằng luận cứ khách quan như: mức sống hiện tại; việc bù học phí cho các trường để đảm bảo tự chủ; xem xét tuyển dụng đảm bảo khách quan, công bằng…

ThS. Nguyễn Thị Yến Nam (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Nhiều nước không hỗ trợ tài chính cho SV sư phạm

Rất nhiều nước không có chính sách tài chính riêng cho SV sư phạm. Theo đó, tất cả SV đều được tham gia tín dụng SV với lãi suất thấp và một số được cấp học bổng tùy điều kiện của mỗi chương trình hỗ trợ. Để thu hút người giỏi vào nghề giáo viên, các nước như Hàn Quốc, Phần Lan, Singapore… tuyển sinh đầu vào gắt gao và trả lương cao cho giáo viên đương chức. Những kinh nghiệm này thể hiện tính khả thi ở Việt Nam khi SV sư phạm có thể được ưu tiên nhiều hơn, hưởng chế độ đặc biệt hơn SV khác ngay cả khi chính sách miễn học phí có thể thay đổi. Quan trọng là lộ trình chuẩn bị, công tác tuyên truyền có trọng điểm, hiệu quả, bền vững.

“Chương trình hỗ trợ tài chính dành riêng cho SV sư phạm không được xem là biệt lệ tại các quốc gia phát triển. Điều này tạo sức cạnh tranh và đánh giá cao nghề giáo viên. Điều này cũng định hướng các giải pháp cơ bản để duy trì đội ngũ giáo viên có chất lượng gồm: trả lương cao, tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm yêu cầu chuẩn mực cao; đảm bảo việc làm”, ThS. Nguyễn Thị Yến Nam (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận định.

Chính sách miễn học phí cho SV sư phạm tại Việt Nam đã thể hiện vai trò lịch sử trong một giai đoạn phát triển then chốt của đất nước. Trong viễn cảnh tốc độ, sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, ngành sư phạm nói riêng trong tương lai rất lớn thì chính sách miễn học phí cần được điều chỉnh phù hợp. Lược sử bối cảnh, nhu cầu và kinh nghiệm quốc tế cho thấy tổng thể các điều chỉnh về chính sách, giải pháp gồm: trao quyền tự chủ tài chính cho các cơ sở giáo dục ĐH; thu học phí và định mức học phí tương xứng chất lượng cao trong đào tạo sư phạm; ưu đãi tín dụng kèm đảm bảo công việc đầu ra cho SV sư phạm…

Mê Tâm (ghi)