Thứ ba, 25/10/2016, 21h22

Cho con một khoảng trời riêng

Cha mẹ cần dành cho con một khoảng trời riêng (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Cùng với sự phát triển và cạnh tranh ngày càng gay gắt của xã hội, trẻ em ngày càng có ít thời gian dành riêng cho mình. Trẻ em ngày càng bị cha mẹ quản lý, gò ép theo ý muốn của người lớn, dần dần mất đi cơ hội và khả năng lựa chọn của mình. Điều này rất có hại cho sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ.

Kiểm soát, quản lý con quá chặt có thể làm thui chột tiềm năng phát triển của trẻ. Trẻ càng lớn thì trách nhiệm học tập của chúng ngày càng nặng nề hơn, thời gian rảnh rỗi đương nhiên vì cũng ít đi. Nếu thấu hiểu nỗi lòng của trẻ, các bậc cha mẹ nên tạo điều kiện cho con được thả mình trong khoảng không gian tự do để lấy lại năng lượng cho những hoạt động tiếp theo. Nhưng thực tế, không ít bậc cha mẹ cho rằng con càng lớn thì cần quản lý con chặt chẽ hơn, nếu không thả lỏng một chút cũng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, trẻ tự do quá sẽ sinh ra tùy tiện khó mà giáo dục, quản lý được. Vì thế, ở bậc tiểu học thì quản lý vừa phải, lên bậc phổ thông trung học thì càng quản lý nghiêm ngặt hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, cùng với sự trưởng thành của trẻ, những vấn đề mà chúng cần tự giải quyết sẽ ngày càng nhiều hơn. Do đó, thời gian tự do cần thiết cũng cần nhiều hơn, cha mẹ không nên quá soi xét. Chỉ có giúp trẻ tự làm chủ thời gian của bản thân, có kế hoạch học tập, hoạt động cụ thể thì trẻ mới không cảm thấy bị áp lực, gò ép, mới thể hiện bản thân theo đúng  những suy nghĩ của mình.

Cha mẹ cần lắng nghe nhiều hơn tâm sự, nỗi niềm của con, dành cho chúng thêm một khoảng trời riêng. Bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình sau này sẽ tài giỏi hơn người, thành công trong cuộc sống, nhưng nên chăng cũng cần suy nghĩ xem thực sự con mình muốn gì? Chúng nghĩ gì về tương lai của mình? Cho dù xuất phát điểm của cha mẹ là tốt, là vì yêu thương con, nhưng nếu tất cả đều được xây dựng trên cơ sở trái với tâm nguyện của con trẻ thì khó có thể đạt được kết quả như mong muốn.

Cần tôn trọng nhu cầu của trẻ, thấu hiểu được suy nghĩ của chúng. Những việc mà cha mẹ nghĩ rằng sẽ tốt cho con như học thêm tiếng Anh, học đàn, học bơi, học võ… cần đưa ra bàn bạc, nói chuyện nghiêm túc với trẻ để chúng có quyền lựa chọn và quyết định. Để trẻ nói lên những điều mình thích và không thích. Sau đó, cha mẹ phân tích những điều hay lẽ phải, giúp trẻ nhận thức rõ và cảm thấy hứng thú với những lĩnh vực mà con quan tâm. Đồng thời quy định rõ sau khi làm xong những việc cần thiết như học bài thời gian còn lại con có thể tự mình sử dụng tùy ý. Điều này sẽ khích lệ được tính tích cực, tự giác, chủ động của trẻ. Trong quá trình giáo dục trẻ, cha mẹ đừng vì quá coi trọng kết quả việc học tập mà gò ép con chỉ biết học với học. Quan trọng hơn cả là chú ý đến những cảm nhận của trẻ, hiểu được những gì mà con mình thật sự cần. Dựa vào những nhu cầu hợp lý của con để đáp ứng và giáo dục một cách hiệu quả.

Cha mẹ cần quan tâm hơn nữa việc nghỉ ngơi, thư giãn của trẻ. Các bậc cha mẹ đều thừa hiểu rằng kiến thức không chỉ có trong sách vở, mà có thể đến với trẻ từ nhiều nguồn khác nhau. Chẳng hạn như khi trẻ đọc truyện cổ tích, trẻ không những có được niềm vui vì được thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của bản thân, mà trẻ còn hiểu được những đạo lý làm người. Do đó, cha mẹ đừng nên quá lo lắng đến thành tích học tập của con, nhất là trong những ngày nghỉ, kỳ nghỉ lễ, Tết nên cho trẻ có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để lấy lại sức cho quá trình học tập lâu dài. Cha mẹ nếu muốn con mình học tập có hiệu quả hãy dành cho chúng một khoảng trời riêng có thể.

Lê Phạm Phương Lan (Giảng viên tâm lý)