Thứ sáu, 2/7/2010, 16h07

Chợ đặc sản ở Sài Gòn: Kỳ 2: Hương sắc miền Tây

Xe ba gác lấy trái cây để chuyển đến các chợ

Chợ nổi là một trong những nét văn hóa độc đáo của vùng sông nước Nam bộ. Những cái chợ nổi na ná như thế đã ra đời trên sông, rạch vùng ven TP.HCM. Ở đó ta sẽ cảm nhận được hương sắc miền Tây với đặc sản trái cây các loại…
Chợ nổi miền Tây đến Sài Gòn
Không biết từ bao giờ, cư dân thành phố đã quen thuộc với cái tên chợ nổi Kênh Tẻ (nối quận 4 và quận 7). Tiểu thương của chợ phần lớn là dân miệt vườn thứ thiệt đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu. Chợ nổi Kênh Tẻ được xem là chợ đầu mối trái cây vận chuyển bằng đường thủy lớn nhất TP.HCM với đủ các loại trái cây như đu đủ, chuối, dừa, mận, nhãn, xoài, măng cụt, bưởi, ổi… Khoảng 4 giờ 30 sáng, chợ bắt đầu nhộn nhịp người và phương tiện ra vào lấy hàng. Từng đoàn xe ba gác, xích lô, xe tải, xe đạp đến lấy hàng để chuyển đến các chợ lớn nhỏ trên địa bàn thành phố. Đây còn là địa chỉ để người bán trái cây dạo đến lấy hàng với giá rẻ nhất.
Anh Nguyễn Tấn Mười, chủ ghe Mười cũng là một trong số ít người “lập” nên chợ nổi Kênh Tẻ. Nhà anh Mười có đến 3 chiếc ghe trọng tải lớn chuyên vận chuyển trái cây từ miền Tây lên TP.HCM. Ban đầu anh Mười chỉ chuyển trái cây lên tiêu thụ theo kiểu bỏ công lấy lời (vì trái cây bán tại vườn có giá quá thấp). Mỗi chuyến đi thành phố bằng đường thủy kéo dài trong một tuần. Lúc bấy giờ chân ướt chân ráo, khách chưa biết, các con anh phải mang trái cây đến các chợ chào mời. Thời gian sau, có được vài mối lấy hàng với số lượng lớn, việc chuyển hàng đến các chợ đều có xe ba gác, xích lô. Số tiền thu được sau mỗi chuyến vượt sông cũng kha khá, khách hàng ngày một đông hơn. Anh Mười quyết định mở đại lý thu mua trái cây tại nhà, cam kết tiêu thụ trái cây cho bà con dù giá thị trường có biến động thế nào.
Anh Mười cười tít mắt, nói như khoe: “Sau nhiều chuyến đi thành công ngoài mong đợi, tôi rủ thêm nhiều người cùng lấy trái cây đi. Mỗi ghe bán một loại trái cây khác nhau tạo nên thị trường trái cây phong phú với nhiều chủng loại. Nhờ có cái chợ nổi này mà bà con có hứng thú, có điều kiện chăm sóc và mở rộng diện tích trồng mới cây ăn trái”. Người bán trái cây nhỏ lẻ, không có điều kiện thanh toán tiền trước, tiểu thương ở chợ nổi sẵn sàng cho lấy hàng gối đầu.
Bên bờ sông Trần Xuân Soạn, đoạn tiếp giáp với địa phận cầu Tân Thuận, quận 7 từ nhiều năm nay cũng đã hình thành một chợ nổi trái cây nhưng quy mô nhỏ hơn. Chợ có khoảng 30 tiểu thương, đa phần là những gia đình không có đất đai trồng trọt, mua trái cây của nhà vườn chuyển lên bán lại kiếm lời.
Phận đời trên kênh nước đen
Vác 30 buồng chuối lên xe ba gác xong, anh Thanh (làm công cho anh Mười) vén vạt áo quệt mồ hôi và đon đả mời tôi xuống ghe để chuyện trò. Chúng tôi đi từ bờ ra đến ghe duy nhất một con đường. Tiểu thương chợ nổi gọi đó là chiếc cầu. Bề ngang cầu chưa đến hai gang tay của em bé lại yếu ớt, nhịp nhịp lắc lư, oằn sát mặt nước khi tôi đặt bước chân thứ hai xuống. Đứng trên ghe, anh Thanh cứ giục: “Cứ nín thở, bước thật nhanh chứ lê từng bước không khéo lại uống nước kênh”. Vừa bước lên ghe, tôi lại nghĩ đến cảnh chốc nữa phải quay trở lại. Tim tôi như muốn rớt ra khỏi lồng ngực. Ngồi xuống sàn chất đầy lá chuối khô, mùi hôi xộc thẳng vào mũi khiến tôi buồn nôn. Thấy tôi có vẻ ái ngại, anh Thanh bước ra phía sau túm lấy túi ni lông màu đen. Anh liếc dọc, liếc ngang rồi ném túi đen ấy xuống kênh. Anh Thanh nói: “Sống trên ghe nên việc đại tiện khó khăn lắm. Để đảm bảo môi trường chợ, tất cả các tiểu thương đều phải “đi” vào đó rồi mang lên bờ cho vào thùng rác. Kẹt lắm mới quăng xuống kênh như thế”.
Anh Thanh làm thuê cho ghe anh Mười được bốn năm. Anh rít thuốc lá liên hồi, mắt nhìn xa xăm. Im lặng hồi lâu, anh bộc bạch: “Lương tháng cũng được ngoài 3 triệu nhưng phải thức khuya, dậy sớm khổ lắm. Nhiều khi đang ngủ nhưng có khách đến lấy hàng cũng phải dậy, nếu không sẽ mất khách. Khách mà bỏ đi cũng đồng nghĩa mình bị mất việc”. Từ bên này, nghe tiếng la hét, chửi bới nhau ở ghe bên cạnh. Anh Thanh giải thích: “Lại giành khách nữa rồi”.
Chợ nổi gần bến xếp dỡ Tân Quy, càng trưa khách đến lấy hàng càng đông. Mặt hàng trái cây chủ yếu ở chợ này là dừa và chuối. Khách hàng của chợ nổi này chủ yếu là người bán dạo bằng xe đẩy. Tại đây, tôi bắt gặp một chiếc ghe không có trái cây cũng chẳng có người. Hỏi mới biết, chủ ghe ấy là vợ chồng anh Giang và chị Mùi (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long). Anh Giang bị sốt xuất huyết đã nhập viện hơn tuần nay. Sống trên kênh rạch ô nhiễm, mùi hôi và muỗi là nỗi ám ảnh của thương hồ chợ nổi. Anh Đoàn Văn Bính, tiểu thương ở đây nói hài hước: “Muỗi con nào con nấy như con gà mái, còn ruồi thì to như con bọ. Hôm nào ăn cơm trễ là phải vào mùng mà ăn, ngồi ở ngoài không chừng muỗi tha luôn nồi cơm đi là mất ăn”. Đối mặt với bao bất trắc, hiểm nguy nhưng họ đã sống ở đó biết bao mùa dông bão.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
“Ban ngày, các ghe trái cây đậu cách xa nhau để tiện việc chuyển hàng. Còn đêm về, phải neo đậu san sát nhau để dễ bề bảo vệ hàng cũng như con người. “Gần đây, đêm lại là bọn “ken” (xì ke - PV) đến xin tiền hoài. Không cho thì bị chúng chửi bới, thậm chí đập phá trái cây. Cũng đã xảy ra nhiều vụ hỗn chiến giữa thương hồ và bọn chúng nên anh em cũng hết sức cảnh giác. Đêm đến là rút hết cầu, neo ghe cách xa bờ để tránh phiền phức” - anh Bính cho biết.