Thứ ba, 14/2/2017, 22h42

Chớ đùa với việc học!

Việc học tập, rèn luyện và vui chơi, đùa cợt cho khuây khỏa, giảm bớt căng thẳng là hai khía cạnh khác nhau. Thế mà nhiều học sinh hiện nay không ý thức phân biệt, nên đã lấy việc học ra để đùa nghịch, nhất là khi các trang mạng xã hội tràn lan như hiện nay thì nhiều học sinh lạm dụng nó để câu “like”, để gây sự chú ý. Việc làm này ảnh hưởng đến tác phong, ý thức, thái độ học tập, ảnh hưởng đến kết quả rèn luyện, và lâu ngày sẽ làm thui chột phẩm chất đạo đức bản thân.

Trước đây, trên facebook đăng tải và được rất nhiều người tỏ vẻ thích thú chia sẻ những bức ảnh của các học sinh tinh nghịch đã “sáng tạo” bằng cách vẽ thêm bằng rất nhiều chi tiết biến tấu vào hình của những tác giả văn học, các nhà khoa học ở sách ngữ văn và một số sách giáo khoa khác. Ngoài những nét vẽ ngô nghê, hài hước, có rất nhiều chân dung bị “chế” lại một cách mỉa mai, lố bịch. Điều đáng nói là các hình ảnh ấy đều là những người rất uyên bác, đáng ngưỡng mộ, trong đó nhiều người đã quá cố!

Nhớ thời tiểu học, thầy chủ nhiệm lớp 4 của tôi rất thích vẽ. Mỗi lần vào phòng thầy ở khu tập thể trong trường, tôi đều thấy những bức chân dung mới về các danh nhân tự tay thầy vẽ treo trên vách. Chính thầy đã truyền cảm hứng cho tôi. Sau này mỗi lần học xong bài học, thi thoảng tôi vẫn vẽ lại các nhân vật mà mình yêu quý. Ngày nay, cũng có nhiều người thể hiện sự ngưỡng mộ họ, coi họ như những thần tượng đáng quý bằng cách tích cực như dùng làm ảnh đại diện trên trang mạng xã hội, treo ảnh của họ ở các góc học tập của mình. Vì vậy việc vẽ bậy như đã nói ở trên là không nên, cần phê phán.

Vừa rồi, trên facebook cũng đã đưa một hình ảnh được nhiều người “like” và chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Đó là một bài kiểm tra học kỳ môn văn của một học sinh lớp 10. Em này không làm bài gì cả, mà chỉ trả lời một cách rất sốc cho phần đọc hiểu: “Đã đọc nhưng chưa hiểu”. Còn ở phần làm văn, khi đề yêu cầu cảm nhận về một bài thơ rất ý nghĩa, thì em này chỉ viết thế này: “...Bài thơ hay đến nỗi em không phân tích được”. Rõ ràng với cách trả lời như thế, mục đích của học sinh này là muốn gây sự chú ý, muốn làm thú vui ít nhất là cho bạn bè trong lớp.

Đúng ra với bài làm này của học sinh, giáo viên và nhà trường phải có biện pháp mạnh tay về thái độ học tập. Nhưng do sơ suất, khi giáo viên chia sẻ kín với nhau trên trang mạng, bài kiểm tra đã bị lọt ra ngoài. Thế là đã trở thành đề tài “hot” cho cư dân mạng, nhất là thú vui cho lứa tuổi “nhất quỷ, nhì ma...”.

Trong các kỳ thi tốt nghiệp trước đây, thi thoảng giám khảo vẫn bắt gặp những bài làm với những câu trả lời rất lạ của thí sinh khi các em bị bí không làm bài được. Nhưng những cách trả lời như thế có thể chấp nhận được, và không vi phạm thuần phong mỹ tục cũng như pháp luật. Nhiều học sinh khi không làm được bài kiểm tra ở lớp cũng đã ghi ở dưới bài làm của mình những câu rất tế nhị, đại loại như: “Em bị đau đầu không làm được bài”, “Phần này em chưa ôn bài kịp nên không làm bài được, mong cô thông cảm”...

Thế thì việc học sinh lấy việc học ra để đùa như trên là không phải cách. Vui thì vui đấy nhưng ít ai chịu suy ngẫm tới hậu quả lâu dài của nó. Vì vậy, các em chớ nên đem việc học ra để mà... đùa!

Trần Ngọc Tuấn