Thứ năm, 12/1/2017, 21h37

Chợ gia cầm di động

Sáng 12-1, chúng tôi có mặt tại chợ gia cầm lớn và lâu đời nhất của huyện Cần Giuộc (Long An) - địa bàn giáp ranh TP.HCM. Hàng chục điểm bán gia cầm sống với hàng ngàn con gà, vịt nhốt trong những chiếc lồng sắt lớn bày la liệt dưới lòng đường. Khách hàng chủ yếu của chợ này là các quán ăn, nhà hàng mua sỉ với số lượng hàng chục, thậm chí hàng trăm con...

Gà vịt bán tại chợ thuộc xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ảnh: T.A

Ông Nguyễn Văn Hải, người bán gia cầm ởđây cho biết, ngày nào cũng phải thức từ 4 giờ sáng làm lông cả con gà, vịt để kịp giao vào 6 giờ sáng cho mối.

Gia cầm không qua kiểm dịch, tuy nhiên người bán luôn miệng cam kết là sạch. Hỏi về nguồn gốc gà vịt, ông Hải cho biết lấy từ các trang trại trong tỉnh, dịp Tết này hút hàng thì lấy thêm gà Bình Phước, Đồng Nai.

Ông Hải không chút giấu giếm: “Tui bán gia cầm ở đây hơn chục năm nay. Thi thoảng có đoàn đi kiểm tra, nhắc nhở về việc chọn mua gà, vịt không mắc bệnh, hạn chế giết mổ tại chỗ chứ chưa bao giờ bị phạt”.

Tại đây, hầu như điểm bán gia cầm nào cũng giết mổ theo yêu cầu của khách. Theo quan sát của chúng tôi, khu vực giết mổ rất tạm bợ và nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh. Một số người còn giết mổ tại bờ kênh ô nhiễm. Được biết đây còn là địa chỉ cung cấp số lượng lớn huyết và nội tạng gia cầm các loại.

Cứ đến mùa này, người dân ấp 3, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An lại lo lắng không yên, bởi đây chính là thời điểm xuất hiện dịch cúm gia cầm. “2-3 giờ sáng, xe tải, xe máy chở gà, vịt từ nhiều nơi đổ về đây gây ồn ào không ai ngủ được. Đáng nói là gia cầm không được kiểm dịch, nguy cơ dịch bệnh lây lan sang người là khó tránh khỏi. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương có biện pháp quản lý tình trạng mua bán gia cầm không nguồn gốc nhưng không những không dẹp được chợ mà ngược lại quy mô ngày một lớn hơn”, bà Tám Hồng, người dân ở đây bức xúc...

Trên đường Phạm Hùng (Q.8), Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Bùi Văn Ba (Q.7), Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh)… những ngày này xuất hiện nhiều điểm mua bán gia cầm hơn bình thường. Để tránh cơ quan chức năng, người bán đặt chiếc lồng cố định trên xe máy, trong đó có một, hai con gà, vịt, còn lại giấu ở bụi rậm hoặc gửi đâu đó, khi cần thì mang ra. Sở dĩ nhiều người chọn mua gia cầm ở các điểm này bởi giá rẻ hơn so với thị trường từ 35.000 đồng - 50.000 đồng/con. Tại các địa chỉ này, người bán còn cung cấp số điện thoại để khi cần gọi đặt hàng trước khỏi mất thời gian chờ giết mổ.

Người bán gia cầm di động thường chọn địa bàn giáp ranh giữa hai địa phương để bên này ra quân xử lý thì chạy sang địa bàn bên kia “tránh đạn”. Điểm bán dưới chân cầu Ông Lớn (Q.7) là một ví dụ. Khi lực lượng dân phòng P.Tân Phong xuất hiện thì người bán lại phóng xe sang bên kia cầu thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Tương tự, tại xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), nhiều điểm bán gia cầm mọc lên trong dịp Tết này. Phía đầu đường Nguyễn Văn Tạo, một người phụ nữ cột cả chục con gà thành chùm, đeo khẩu trang kín mít xuống đường chào khách. Miệng người bán ra rả, nào là gà nhà nuôi thả vườn, giống tốt, cho ăn thức ăn sạch… Cách đó không xa là một xe gà di động, chủ nhân của nó là một thanh niên tên Tuấn, người địa phương. Chúng tôi cho xe chạy chậm lại, Tuấn liền ào tới tiếp thị. Tuấn kéo tay chúng tôi vào bên trong khoảng đất trống chọn gà. Anh ta tiếp: “Thịt gà ở đây thì yên tâm, khỏi sợ bệnh hoạn gì hết. Các quán cơm, quán nhậu quanh KCN Hiệp Phước này đều lấy gà, vịt của tôi”.

Ngoài gà, vịt, ở các chợ gia cầm di động còn có cả các loại le le, ốc cao, cúm núm, chim trời… có nguy cơ mang mầm bệnh cao.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, nhiều năm nay thành phố tích cực ra quân xóa các điểm bán và giết mổ gia cầm trái phép. Tuy nhiên, tại một số địa phương, tình trạng người dân lén lút mua bán vẫn diễn ra. Nhiều điểm bán gia cầm di động ở một số trục, tuyến đường rất tinh vi với đủ chiêu trò để đối phó các cơ quan chức năng. Từ nay đến Tết Nguyên đán, chi cục tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ gia cầm tại các cửa ngõ vào thành phố để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguồn gia cầm không rõ nguồn gốc và mang mầm bệnh.

T.Anh