Chủ nhật, 11/2/2018, 11h44

Chợ phiên tháng Chạp

Còn hai cái phiên na là đến Tết! Ngưi dân quê tôi tính thi gian qua tng phiên ch. Có l t khi bt đu biết lo chuyn bếp núc thay má tôi mới biết ch phiên quê mình đưc din ra vào các ngày ba, tám, mưi ba, mưi tám, hăm ba và hăm tám âm lch trong tháng.

Thị trấn Bình Định nhỏ như lòng bàn tay! Chỉ có bốn con đường chính giữa các ô bàn cờ, này là Trần Phú, Ngô Gia Tự, này là Quang Trung, Lê Hồng Phong... Chợ nằm giữa 3 con đường chính gồm Trần Phú, Quang Trung và Ngô Gia Tự. Địa thế đẹp và theo lời kể của các cụ thì từ xưa đất này là nơi đóng đô của vua Nguyễn Nhạc là trung tâm kinh tế, chính trị của nhà Tây Sơn nên rất sầm uất (xưa có tên là chợ Gò Chàm, cũng có lúc gọi là chợ Bò). Dân cư từ các ngả quê Đập Đá, Nhơn Phong, Tuy Phước, Tây Sơn, Nhơn Phúc... đổ về giao thương, hội họp đông vui...

Năm ngày nhóm một phiên chợ. Hàng hóa từ thượng vàng cho đến hạ cám đều được bày bán trong ngày chợ phiên. Do vậy, người mua cũng đông hơn chợ thường vì đến đây mua cái gì cũng có từ con heo con gà đến cuốc xẻng, thúng mủng, rổ rá, chổi, đũa... toàn sản vật của người ở quê. Người mua kẻ bán í ới, rộn rịp...

Với tôi, chợ phiên là niềm vui nhưng cũng là nỗi lo khó quên trong ký ức tuổi thơ “dữ dội”. Chưa là người lớn mà tự dưng tôi ghét Tết kinh khủng! Tết là bao vất vả, lo toan đè lên đôi vai gầy guộc của đứa con gái chỉ mới mười bốn, mười lăm tuổi. Nhà neo người, tôi phải ngược xuôi chợ búa cả chục lần để lo sắm Tết, cúng giỗ các kiểu, phải chen chân trong cái biển người của phiên chợ Tết, tay xách nách mang, mệt đứt cả hơi... Lo Tết, có năm tôi ngất xỉu trước giao thừa vì đuối sức. Nhưng cứ đến chợ phiên thì cái cảm giác lâng lâng khó tả lại đến trong tôi. Người ngược xuôi gồng gánh, hàng họ rộn rịp từ mờ sáng... không khí rất khác ngày thường. Dường như nhịp sống của thị trấn mới thực sự náo nức, hân hoan vào những ngày chợ phiên.

Nhà tôi nằm trên đoạn đường Ngô Gia Tự - con đường liên xã với chợ - nên dân cư từ các ngả Nhơn Khánh, An Thái, Nhơn Phúc đổ về rất đông. Từ gà gáy, đã nghe tiếng chân bước loạt xoạt ngoài đường cùng thanh âm kĩu kịt của những đôi thúng hàng trên vai các bà các chị, tiếng cười nói, chuyện trò râm ran, hết tốp này đến tốp khác. Tôi nhớ nhất tiếng lóc cóc của những chuyến xe ngựa thồ gõ đều đều trên mặt đường. Chỉ chợ phiên mới có xe ngựa thồ! Người đi chợ, người đem hàng đi bán ngồi chen chúc trong chiếc xe ngựa thồ mặt mày hớn hở cùng tung vó với chú ngựa mong mau xuống thị trấn cho kịp phiên chợ sớm mai. Tôi đã từng được ngồi trên chiếc xe ngựa khi xin chú nài ngựa cho đi nhờ về nhà rồi tò mò hỏi thứ nước mang theo cho ngựa uống là thứ gì. Sướng không thể tả! vừa như ông hoàng bà chúa vừa như kẻ thị dân chân đất ngồi chễm chệ trên chiếc xe được chạm trổ con lăn, con tiện khá tỉ mỉ nơi ghế ngồi, tứ bề gió thổi mát lộng.

Thị trấn giờ đã lên thị xã, đường ngang ngõ dọc, phố xá đông vui. Chợ khang trang hơn và vẫn họp các phiên đều đặn. Sự đổi thay nơi đây lắm lúc tôi thấy mình như là khách trên chính vùng đất mình đã từng lớn lên. Xa quê quá lâu những năm về quê ăn Tết, tôi cũng chen chân đi chợ phiên cuối năm vào hăm tám Tết. Cảm xúc về tuổi thiếu thời về phiên chợ vẫn vẹn nguyên, đong đầy… Nhưng tiếng lóc cóc của những chuyến xe ngựa thồ tôi không còn được nghe nữa vì nhà chuyển vào Sài Gòn. Phần có thêm tụi nhỏ nên thời gian đâu thư thả để mà thỏa mãn những riêng tư cho mình, nhất là lúc thả hồn, lắng nghe nhịp đập của những buổi chợ phiên.

Nhớ sao là nhớ! Nhớ quay quắt cái chợ phiên tháng Chạp mỗi khi có bấc non ùa về!

Hoàng Bích Chung