Thứ tư, 29/12/2010, 11h12

Chớ xem thường chứng mất trí nhớ tạm thời

Cần tham gia vào những buổi chuyên đề như thế này để giảm áp lực, phòng tránh chứng MTNTT (ảnh minh họa). Ảnh. M.H
Công việc bận rộn, áp lực học hành đã khiến chứng mất trí nhớ tạm thời (MTNTT) không còn là “độc quyền” của người có tuổi hay các bệnh nhân tâm thần mà đang lây lan rất nhanh trong những người trẻ.
Không nên xem thường
Trong cuộc sống hằng ngày, chuyện quên số điện thoại người thân hay gặp người quen nhưng bỗng dưng không nhớ ra tên… là bình thường. Đó có thể là thời điểm trí não không tập trung hoặc do sự kiện nào đó lâu không được nhắc lại nên không thể nhớ ra ngay. Nhưng khi sự việc trên được lặp đi lặp lại thì đó là dấu hiệu của chứng MTNTT. Mới 27 tuổi nhưng Thanh S. (kỹ sư công nghệ thông tin) thường xuyên quên trước quên sau. Nhiều lần ăn trưa với bạn, anh quên cả xe máy ở quán, lững thững đi bộ về cơ quan. Bản thân anh gặp không ít phiền phức khi thường xuyên phải đi tìm giấy tờ, tài liệu. Thậm chí nhiều lần, đồng nghiệp cùng phòng được dịp cười vỡ bụng khi thấy anh hớt hải đi tìm kính, trong khi vẫn đang đeo nó trên mũi. Nguy hiểm hơn, có lần khi đang đấu nối dây điện, người ngứa ngáy, anh cứ cầm dây điện lên… gãi. Sau lần hút chết vì điện giật, Thanh S. đến bệnh viện khám và được bác sĩ cho biết bị MTNTT. Còn Kim A. (làm nghề kế toán) thì quên không tắt đèn khi đi làm, quên đến lớp đón con, quên sinh nhật ông xã, con cái, ngày cưới…
 Trên thực tế, nhiều người có biểu hiện như anh Thanh S. hoặc chị Kim A. lại không hề biết mình mắc bệnh và thường không để ý đến do hoạt động xã hội chưa bị ảnh hưởng nhiều. Chỉ một số ít khi thấy các triệu chứng khác xuất hiện như lo lắng, mất ngủ mới đi khám và biết mình bị bệnh MTNTT. Nhưng, có tới 90% những người phát hiện ra mình hay quên thường không đủ can đảm đến gặp bác sĩ tư vấn hoặc đi khám mong tìm ra gốc bệnh MTNTT có thể gây nguy hiểm tính mạng cho những người làm nghề thợ xây, thợ điện, lái xe, bác sĩ… Nguyên nhân của căn bệnh này có thể là trầm cảm, giai đoạn khởi phát của bệnh tâm thần, sau stress… Không khó khăn để điều trị bệnh nếu biết kết hợp dùng thuốc (tùy theo bệnh) và liệu pháp tâm lý. Thế nhưng, nếu không được khám và điều trị đúng hướng, lâu ngày các hậu quả nặng nề sẽ xuất hiện như bệnh lý thần kinh, trầm cảm nặng hơn, thậm chí có thể dẫn đến tự sát.
Để phòng bệnh, cần phải thay đổi lối sống, dẹp bỏ các áp lực, tạo điều kiện nghỉ ngơi, thư giãn, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và chăm tập thể dục thể thao. Còn khi đã bị bệnh, cách tốt nhất là đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị đúng cách.
Để có một trí óc minh mẫn
Để trí óc minh mẫn và sắc sảo, bạn hãy thực hiện những lời khuyên dưới đây: Thường xuyên luyện tập trí não(những cơ bắp không được sử dụng thường xuyên sẽ bị teo tóp lại. Não cũng không ngoại lệ. Nếu bạn muốn cải thiện sức khỏe trí não, bạn phải luyện tập bằng cách đọc sách. Bạn có thể thực hiện các bài tập luyện trí não như giải ô chữ và các câu đố, hoặc làm tính nhẩm các phép toán cộng, trừ, nhân, chia mà không cần sử dụng tới máy tính); duy trì sự tập trung (trí óc của bạn khó lưu giữ một cách hiệu quả các thông tin mới mà bạn vừa học. Vì thế, khi học, bạn phải tập trung cao độ. Để giúp trí nhớ bền lâu, khi học bài, bạn nên đọc to những bài học của mình lên. Trong trường hợp bạn muốn ghi nhớ tên của một người mới gặp, cố gắng gọi lớn tên người đó vài lần); ăn các loại thực phẩm bổ não(theo các chuyên gia, có những loại thực phẩm nhất định có thể giúp bạn tăng cường sức khỏe của trí não).
NGUYỄN MINH TUẤN
(Bác sĩ chuyên khoa thần kinh)