Thứ hai, 17/3/2014, 15h03

Chọn ngành dễ tìm việc làm

Một trong những điểm nổi bật của mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 là “trình độ” chọn ngành của đông đảo học sinh đồng bằng sông Cửu Long được nâng cao khá nhiều so với các năm trước. Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2014 tổ chức ở Trường ĐH Cần Thơ vừa qua,học sinh ở nhiều tỉnh/thành đặt rất ít câu hỏi về điểm chuẩn những ngành học mà các em dự định thi vào, thay vào đó, vấn đề được nhiều em quan tâm là cơ hội việc làm sau khi ra trường. Em Huỳnh Minh Hòa (học sinh Trường THPT Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh), hỏi: “Em muốn học ngành ngôn ngữ Nhật hoặc Nhật Bản học. Chương trình đào tạo gồm những gì và ra trường em sẽ làm việc ở lĩnh vực nào?”. TS. Phạm Tấn Hạ (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) trả lời: “Em sẽ học ngôn ngữ, kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của nước Nhật. Thời gian học 4 năm, ra trường em sẽ sử dụng thành thạo tiếng Nhật; có thể làm phiên dịch và những ngành liên quan đến các công ty Nhật, nếu học thêm chứng chỉ sư phạm thì được giảng dạy tiếng Nhật”. Trong khi đó, em Trần Phúc Mãi (học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) bày tỏ: “Em muốn học khoa cơ khí, chuyên ngành động lực ô tô. Xin các thầy cho em biết quá trình học và cơ hội việc làm ra sao?”. PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), sau khi khái quát về điểm sàn, chương trình đào tạo, đã nhấn mạnh về cơ hội việc làm: “Các em có thể làm việc tại các công ty lắp ráp, bảo trì bảo dưỡng, các trường dạy lái xe, hải quan, các lĩnh vực cơ khí tàu thuyền… Ngoài ra, các em có thể làm việc ở Thái Lan, Indonesia - là các nước sử dụng rất nhiều xe ô tô, trong đó Indonesia đang tuyển lao động của Việt Nam”. Còn em Nguyễn Ngọc Thảo Ngân (học sinh Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP.Cần Thơ) nêu vấn đề đang là “tâm trạng chung” của nhiều học sinh khác: “Em và nhiều bạn rất thích ngành công nghệ thông tin, thị trường cũng rất cần nhân lực ngành này nhưng ra trường cơ hội việc làm không cao vì người học thiếu kinh nghiệm. Em xin các thầy lời khuyên?”. Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Kim Quang (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM), ân cần nói: “Vấn đề đúng như em nói. Để giúp sinh viên, các trường luôn tạo điều kiện cho sinh viên đi thực tập, thực tế. Bản thân sinh viên cũng phải cố gắng và tham gia các nhóm nghiên cứu để phát huy tính ứng dụng, học hỏi kinh nghiệm và phải trang bị những kỹ năng mềm. Muốn vậy người học phải thật sự đam mê công việc. Hiện một số em chọn ngành này vì là ngành “hot”, tuy nhiên do không có niềm đam mê nên học không sâu. Tôi khuyên các em: Phải thật sự yêu thích ngành đó và dành nhiều đầu tư trong quá trình học để có chuyên môn cao, và chọn những lĩnh vực chuyên sâu phù hợp sở trường như mạng máy tính, an toàn dữ liệu… Ra trường, nếu các em có năng lực và các kỹ năng thì chắc chắn sẽ được tuyển chọn khi xin việc”.
Chung quanh vấn đề cơ hội việc làm, TS. Phạm Tấn Hạ cũng khuyên học sinh: “Các em cần nhớ: Trong xã hội có sự giao thoa giữa các ngành về cơ hội việc làm, do vậy sinh viên tốt nghiệp cử nhân văn hay sư phạm văn có thể đi dạy hoặc công tác ở ngành báo chí. Học ngành ngôn ngữ Anh có thể làm ở Sở Ngoại vụ, các doanh nghiệp có yếu tố hoặc liên quan đến nước ngoài, làm biên tập cho các báo đài, hoặc đi dạy nếu học thêm chứng chỉ sư phạm. Vì vậy, để có cơ hội việc làm cao các em hãy chọn ngành phù hợp năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình và phải nỗ lực trong quá trình học tập”…
Đ.Phượng