Thứ ba, 2/2/2016, 09h26

Chọn ngành học phù hợp: dễ hay khó?

Từ năm ngoái, Bộ GD-ĐT đã tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Sau đó, thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ khi có điểm tốt nghiệp THPT. 

Chọn ngành học phù hợp: dễ hay khó?
Phụ huynh và thí sinh sau khi nghe tư vấn xét tuyển đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp tại gian tư vấn ở Ngày hội tư vấn xét tuyển 2015 do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức - Ảnh: Như Hùng

Điều này đã giúp thí sinh biết tự lượng sức mình để chọn được ngành học phù hợp với sở thích nghề nghiệp.

Để làm được điều đó, học sinh phải có sự chuẩn bị trước về những ngành học phù hợp. Dễ hay khó đều tùy thuộc vào sự chú tâm và quá trình tự hướng nghiệp của học sinh.

1. Tự nhận diện bản thân

Tự nhận diện bản thân nhằm xác định được bạn thích gì, nghề nghiệp nào phù hợp với bạn bằng cách tự trả lời các câu hỏi theo những bước sau:

- Những vấn đề xung quanh được bạn quan tâm nhất là gì?

Hãy quan tâm đến những việc đang diễn ra xung quanh, xem báo đài để bắt đầu bằng việc tự trả lời câu hỏi về những công việc mình yêu thích hay lĩnh vực nghề nghiệp mà bạn thích làm, hoặc thậm chí những ngành học được bạn để ý nhất. Và tiếp theo, bạn cần giải đáp được vì sao bạn thích. Nếu chưa giải đáp được, bạn phải dành thời gian tìm hiểu thêm về vấn đề bạn quan tâm.

- Nhận dạng tính cách, sở thích, kỹ năng và giá trị của bạn

Mỗi cá nhân đều có thể thành công hoặc phát huy lợi thế của mình nếu được làm trong môi trường phù hợp với tính cách và giá trị của mình. Nếu làm việc mình thích nhưng lại không thuộc sở trường thì đâu là điểm yếu mà mình cần phải khắc phục?

Để nhận dạng tính cách, sở thích, kỹ năng và giá trị của mình, bạn hoàn toàn có thể sử dụng công cụ tự hướng nghiệp để ghi nhận điểm mạnh, điểm yếu của bản thân trong từng lĩnh vực.

Nếu chọn lĩnh vực mình thích nhưng điểm yếu nhiều thì bạn phải có kế hoạch tự cải thiện. Nếu không tự cải thiện được thì nên chọn lĩnh vực mà mình có ưu thế cao nhất.

Như vậy, đầu tiên phải xác định được trong những nghề bạn yêu thích thì nghề nào bạn có khả năng thực hiện tốt nhất.

2. Tự nhận diện ngành - trường tương ứng

Sau khi tự nhận diện bản thân, xác định nghề phù hợp nhất, bước tiếp theo bạn sẽ tìm trường có ngành học tương ứng thông qua việc thu thập thông tin về các trường ĐH, CĐ, TCCN, CĐN, TCN và thiết lập mục tiêu cá nhân.

Đây là giai đoạn rất quan trọng, bởi nếu đủ thông tin sẽ giúp bạn có cơ sở xác định chính xác hơn những nghề mà bạn đã chấm ở phần 1.

Để thực hiện việc này, các bạn có thể tham khảo lần lượt trên website của các trường, hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam (với 642 ngành kinh tế cấp 5), danh mục giáo dục - đào tạo cấp IV - trình độ CĐ, ĐH (với khoảng 500 ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ và trên 130 ngành TCCN).

3. Tự nhận diện sức học

Đây là bước mà nhiều học sinh thường “nhắm mắt” bỏ qua, hoặc đại khái để tự hài lòng hoặc hi vọng vào sự may mắn.

Thực tế tuyển sinh “3 chung” đã chứng minh cơ hội trúng tuyển tùy thuộc vào sức học của mỗi học sinh, dẫn đến sự tự phân luồng trong đại bộ phận thí sinh.

Với sự kế thừa những ưu điểm của phương thức tuyển sinh “3 chung”, kết quả tuyển sinh năm 2015 trên cơ sở căn cứ kết quả tổ hợp các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia đã khẳng định sự tự phân luồng của học sinh theo sức học.

Vì vậy nếu đại khái, xuê xoa, bỏ qua tự đánh giá năng lực hoặc sức học của bản thân thì làm tăng nguy cơ giảm khả năng trúng tuyển vào ngành học mình yêu thích.

Để nhận diện sức học của mình, học sinh làm theo mẫu, lưu giữ, đối chiếu với từng học kỳ, so sánh điểm chuẩn năm 2015. Việc xác định năng lực sớm nhằm giúp học sinh có kế hoạch tự điều chỉnh việc học để quyết tâm thực hiện được mơ ước của mình.

Nếu sức học quá chênh lệch với ước mơ thì nên học ở một trường khác, bậc học phù hợp để có nghề nghiệp mà mình yêu thích và đủ sức vào theo các tiêu chí tuyển 
sinh của trường đó.

4. Tự nhận diện về nhu cầu nhân lực

“Trong vài năm tới ngành nào thu hút nhân lực? Ngành nào lương cao?...” là những câu hỏi thường gặp trong các buổi hướng nghiệp - tư vấn tuyển sinh.

Năm 2015, bình quân có hơn 72% thí sinh thi tại cụm thi do trường ĐH chủ trì - nghĩa là có hơn 72% thí sinh có nguyện vọng học tiếp ĐH, CĐ.

Trong khi đó cơ cấu nguồn nhân lực tính đến năm 2020 lần lượt là 54,2% sơ cấp nghề - TCCN 27,1% - CĐ 6,8% - ĐH 11,3% - sau ĐH 0,7%.

Như vậy nhìn tổng thể có thể thấy học sinh chọn ngành học ở trình độ nghề, TCCN, CĐ nghề có nhiều cơ hội việc làm hơn, ít bị cạnh tranh hơn như 
người tốt nghiệp ĐH.

Mặt khác, ngành nghề khác nhau, địa phương khác nhau thì nhu cầu nhân lực theo cơ cấu đào tạo tất yếu khác nhau.

Ví dụ nhu cầu nguồn nhân lực trình độ CĐ, ĐH ngành CNTT là 65%, ngành GTVT là 36,5%, ngành du lịch 28,5%, ngành năng lượng hạt nhân 83%, ngành ngân hàng 83%, ngành tài chính 50%... và tùy địa phương, tỉ lệ quy hoạch sẽ khác nhau.

Việt Nam hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, mở ra cơ hội dịch chuyển lao động. Vì vậy tham khảo nhu cầu nhân lực là việc tốt, nhưng người học cần quan tâm hơn xu thế tuyển dụng để từ đó có sự chuẩn bị toàn diện hơn trong bậc học tiếp theo sau THPT.

5. Lập sổ tay hướng nghiệp

Lập sổ tay hướng nghiệp chính là quá trình tự hướng nghiệp bản thân, kiểm soát, điều chỉnh hành vi để đạt mục tiêu cao nhất.

Việc nhận diện tính cách, kỹ năng, giá trị và sức học sẽ giúp học sinh vừa tự khám phá mặt mạnh, vừa xác định chính xác những hạn chế của bản thân để có những điều chỉnh phù hợp, không làm triệt tiêu ước mơ của mình.

Nếu quyết tâm, nên bắt đầu sớm bài hướng dẫn này, có thể ngay từ học kỳ đầu tiên của lớp 10 và tự thực hiện theo từng học kỳ, bắt đầu bằng những mơ ước của mình về nghề nghiệp đến thực tế của bản thân.

Bí quyết tự hướng nghiệp thành công

1. Biết ước mơ

2. Biết lập kế hoạch học tập

3. Biết chọn lọc thông tin

4. Biết điểm mạnh, điểm yếu

5. Biết thay đổi (để phát triển)

 

TS LÊ THỊ THANH MAI (ĐH Quốc gia TP.HCM)/TTO