Thứ ba, 29/1/2013, 14h01

Chọn ngành: Loay hoay giữa ngã ba đường

HS Trường THPT Đức Trí tại buổi tư vấn hướng nghiệp do Báo Giáo Dục tổ chức

Chưa đầy 2 tháng nữa, học sinh (HS) lớp 12 sẽ làm hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ 2013. Nhưng đến thời điểm này, nhiều em vẫn còn loay hoay vì không biết nên chọn khối nào, ngành gì phù hợp với mình.
“Lệch” đường thi…
Trong số những nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên, năng lực học tập là nguyên nhân cốt lõi khiến nhiều HS không xác định được phương hướng chính xác. Có những em học khá tất cả các môn nhưng không thật sự bứt phá ở một số môn nhất định, khối nào cũng có thể thi nhưng lại không chắc chắn ở kiến thức mình đang có. Lê Tùng Lâm (HS lớp 12A3 Trường THPT Đức Trí, TP.HCM) là một trong số đó. Nếu cách đây khoảng nửa năm, Lâm tự hào có một bảng điểm khá “đẹp” vì không có môn nào “lẹt đẹt” dưới 6 điểm. Năm học nào em cũng được xếp loại học lực khá và được coi là một trong số ít thành viên có thành tích học đều nhất lớp. “Cứ tưởng thế là hay vì mình không bị môn nào làm “lệch tủ”. Nhưng bây giờ điều đó lại là trở ngại vì em thấy mình không thực sự nổi trội hay ưa thích môn nào”, Lâm cho biết.
Tâm sự của Lâm cũng là dịp để nhiều HS khác “cởi bỏ” những nỗi lòng bấy lâu nay về chuyện học tập. Học “lệch” là một trong những vấn đề được một số em đề cập tới. Minh Ly (HS lớp 12A4 Trường THPT Đức Trí) cho hay em chọn khối A cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. “Trong số ba môn thi khối A, em học khá môn toán, lý nhưng lại “lẹt đẹt” môn hóa. Em cũng có bạn chọn khối D, kiến thức văn, Anh văn khá vững nhưng lại “gà mờ” môn toán. Thật sự là chúng em rất hoang mang về kiến thức cũng như sự lựa chọn của mình”. Hay như Trần Nguyên Khôi (HS 12C1 Trường THPT Nguyễn Khuyến TP.HCM) lại rơi vào một tình huống khá oái oăm khi những môn em học nổi trội lại chẳng hề có “họ hàng” với nhau. “Em vốn học tốt môn sinh, tiếng Anh, toán và hóa trong khi Bộ GD-ĐT lại chưa hề có khối thi cho những môn này”, Khôi nói.
…Nhưng chưa muộn
Quả thật, những trường hợp vừa nêu trên năm nào sĩ tử cũng mắc phải. Nhiều em đến thời điểm đăng ký hồ sơ vẫn lúng túng như… gà mắc tóc vì không biết phải chọn lựa thế nào. ThS. Hồ Thị Ánh Tuyết (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho rằng lẽ ra ngay từ lớp 10 hay ít nhất là từ năm lớp 11, các em phải tự xác định mục tiêu cụ thể cho mình là thi khối nào để sớm có sự lựa chọn.
Riêng với những trường hợp học “lệch” các môn trong khối thi, ThS. Lê Dũng (Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM) cho rằng các em HS vẫn còn thời gian để tập trung cho việc rèn luyện kiến thức các môn thi bởi kiến thức thi ĐH chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12.
“Ngoài việc tiếp tục phát huy những môn học tốt trong khối thi, các em cũng cần dành nhiều thời gian cho những môn học yếu. Cụ thể, các em nên bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề, xem mình hổng kiến thức ở đâu để kịp thời bù đắp lại “lỗ hổng” đó. Trong quá trình học các môn này, HS không nên nóng vội hay tạo áp lực quá lớn cho mình mà phải từ từ, đi từng bước nhỏ và phải bắt đầu từ những kiến thức đơn giản nhất. Mỗi ngày, các em hãy mặc định cho mình là ôn tập một lượng kiến thức nhất định và nhất quyết phải hoàn thành nó. Các em có thể tận dụng các mối quan hệ xung quanh mình để hỗ trợ cho việc ôn tập như bạn bè, thầy cô, người thân… hoặc các nguồn tài liệu phong phú từ internet, sách tham khảo, thư viện… Nếu kiên trì và có quyết tâm, các em sẽ thực hiện được điều đó”, ThS.  Lê Dũng khẳng định.
Bài, ảnh: Tường Vy
“Tuy không còn sớm nhưng xác định mục tiêu vào thời điểm này vẫn chưa phải là quá muộn. Ngay từ bây giờ, những em học đều các môn nhưng chưa xác định được khối thi nên suy nghĩ xem mình thích ngành gì, ngành đó có phù hợp với năng lực của mình không và nó tương ứng với khối thi nào để tập trung nhiều hơn cho ba môn thi trong ngành nghề đó”, ThS. Hồ Thị Ánh Tuyết phân tích.