Thứ ba, 18/7/2017, 21h04

Chọn ngành nghề theo nhu cầu lao động

Xu hướng chọn nghề của giới trẻ đang thay đổi tích cực, phản ánh được nhu cầu nguồn nhân lực và ra trường không lo thất nghiệp.

Học sinh - sinh viên các trường TC, CĐ tìm việc làm tại một ngày hội tuyển dụng. Ảnh: M.Tâm

Theo chuyên gia lao động Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Khoa học lao động - Xã hội), trong những năm gần đây, lao động có tay nghề phục vụ thị trường lao động trong nước và xuất khẩu có chất lượng hơn, doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian cũng như kinh phí để đào tạo lại.

Nhóm ngành công nghệ kỹ thuật lên ngôi

Bà Hương khẳng định, sự thay đổi tích cực này chính là ở người học có sự lựa chọn thấu đáo về ngành nghề đúng năng lực và sở thích, đặc biệt là chọn nghề theo xu hướng của thị trường lao động. Mặt khác, việc định hướng nghề nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo của các trường cũng dần đi vào thực chất, hiệu quả.

Tại Ngày hội việc làm dành cho lao động xuất khẩu Hàn Quốc trở về do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức mới đây, đại diện các công ty tuyển dụng và môi giới lao động khẳng định nguồn lao động kỹ thuật Việt Nam ngày càng có chất lượng. Đại diện Trung tâm Lao động ngoài nước khẳng định, với lao động được đào tạo bài bản trình độ CĐ-TC các nhóm ngành kỹ thuật thì không lo thất nghiệp. Theo đó, với mức lương trung bình từ 8-15 triệu đồng, lao động còn có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, làm việc ở môi trường chuyên nghiệp và nhanh chóng trở thành một chuyên gia kỹ thuật bậc cao.

Trong nhóm ngành kỹ thuật, chuyên ngành hẹp như vận hành dây chuyền, quản lý chất lượng cũng đang “khát” lao động. Ông Ngô Văn Hòa (đại diện Công ty CP Nam Phong, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) thông tin: Hiện nay, tuyển kỹ thuật vận hành dây chuyền hoặc quản lý chất lượng không hề đơn giản. Người có kinh nghiệm làm việc ở các công ty, xí nghiệp lớn thì đòi mức lương quá cao. Hơn nữa, với lao động này làm việc dựa trên kinh nghiệm là chính chứ chưa có trường lớp đào tạo. “Các trường nghề cần khảo sát nhu cầu lao động của doanh nghiệp, của thị trường để xây dựng chương trình đào tạo, cung cấp nguồn lao động có chuyên môn, tránh đào tạo tràn lan vừa gây lãng phí vừa là gánh nặng cho xã hội”, ông Hòa đề nghị.

Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết với sự phát triển của cơ cấu ngành nghề như hiện nay, thị trường đang rất cần lao động kỹ thuật thương mại, quản trị viên các ngành kỹ thuật… Các ngành nghề khuyến khích tự do dịch chuyển trong cộng đồng kinh tế ASEAN, dự kiến xu hướng trong những năm tới có nhu cầu lao động cao. Dễ xin việc nhất hiện nay và lương cao ở nhóm ngành này, theo Phòng Việc làm (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) là các ngành hóa chất, hóa dầu, sinh học trình độ CĐ-TC; nhóm ngành công nghệ và kỹ thuật có ngành điện toán đám mây, công nghệ nano…

Nhận thức về học nghề đã thay đổi

Bộ phận tuyển sinh của các trường CĐ-TC tại TP.HCM cho biết, trước đây số lượng người đăng ký học các ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh… rất đông thì nay nhóm ngành này lại khó tuyển sinh. Thay vào đó, các ngành nghề hút người học thiên về kỹ thuật, công nghệ và cơ khí. Đơn cử,  năm học 2016-2017, Khoa Công nghệ kỹ thuật cơ khí của Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM có đến 1.225 học sinh - sinh viên, trong đó bậc CĐ có 467 sinh viên và bậc TCCN có 758 học sinh.

“Những năm gần đây xu hướng chọn nghề của học sinh phổ thông, thanh niên đã thay đổi rõ rệt. Theo đó, trước khi chọn ngành nghề, người học quan tâm đến năng lực tài chính của gia đình, sở thích của bản thân và có thời gian tìm hiểu về thông tin thị trường lao động”, TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) nói.

TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) cho biết những năm gần đây xu hướng chọn nghề của học sinh phổ thông, thanh niên đã thay đổi rõ rệt. Theo đó, trước khi chọn ngành nghề, người học quan tâm đến năng lực tài chính của gia đình, sở thích của bản thân và có thời gian tìm hiểu về thông tin thị trường lao động. “Có bước chuẩn bị như vậy đảm bảo người học sẽ toàn tâm toàn ý học tập và cơ hội tìm một công việc ổn định, thăng tiến dễ dàng hơn”, bà Hằng khẳng định.

Về mặt quản lý Nhà nước, để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho thành phố nói riêng và thị trường lao động cả nước nói chung, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) đề nghị các trường CĐ-TC tập trung đào tạo 9 ngành dịch vụ như chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất - cao su, cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin… và 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Đây là các ngành nghề mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao khi tham gia thị trường lao động khu vực và ASEAN. “Xu hướng chọn nghề của người học có sự chuyển biến rõ nét, đây là tín hiệu vui cho giáo dục nghề nghiệp. Điều này cho thấy nhận thức về học nghề trong người dân đã có sự thay đổi, không còn tâm lý thầy - thợ. Nhiệm vụ của các trường là cung cấp cho được chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thị trường lao động”, ông Lâm nhấn mạnh.

T.Anh