Thứ sáu, 19/10/2012, 14h10

Chống đua xe đã đạt hiệu quả

CSGT được bố trí ở 52 tuyến đường, các điểm “nóng” mà giới quái xế thường tụ tập. Ảnh: I.T

Từ đầu năm 2012, Công an TP.HCM xác định được 52 tuyến đường, khu vực là những “điểm đen” có khả năng xảy ra tình trạng đua xe, gây rối trật tự. Từ đó Phòng CSGT đường bộ đã phối hợp với lực lượng CSGT 24 quận, huyện xây dựng 46 cơ sở, mạng lưới bí mật, phối hợp với lực lượng cảnh sát hình sự (CSHS) tại cơ sở, lập kế hoạch tổ chức tăng cường kiểm soát hành chính tại các tụ điểm công cộng, nơi tụ tập đông người, chủ động phát hiện ngăn ngừa hành vi vi phạm. Lực lượng CSHS TP.HCM và các quận huyện luôn được tăng cường tuần tra, khép kín địa bàn.
Mạnh tay với đối tượng vi phạm
Sau một thời gian bố trí lực lượng trinh sát hóa trang, trà trộn vào đoàn đua xe để xác định đối tượng chủ chốt, cầm đầu, kích động, lạng lách, đánh võng, biểu diễn, công an 24 quận, huyện đã lên danh sách rà soát 259 tiệm sửa xe có biểu hiện nghi vấn “độ” xe, thay đổi kiểu dáng, kết cấu xe; lập hồ sơ theo dõi thêm 466 đối tượng nghi vấn thường xuyên tụ tập đua xe trái phép. Bố trí CSGT ở 52 tuyến đường, các “điểm nóng” mà giới quái xế thường tụ tập. Lực lượng CSHS thì liên tục di chuyển trên các tuyến đường này, để phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu những quái xế có ý định “nhen nhóm”, làm nóng, kêu gọi thêm lực lượng để “bão”. Sau khi xác định hàng loạt các biểu hiện cụ thể của hành vi đua xe trái phép, lực lượng chức năng tiến hành xử phạt mạnh tay ngay từ lần đầu tiên. Trong đó có 8 biểu hiện hành vi vi phạm là: Chạy xe dàn hàng ngang từ 3 xe trở lên; bấm còi, rú ga liên tục trong khu đô thị, đông dân cư; điều khiển xe chạy thành đoàn gây cản trở giao thông; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; thay người điều khiển xe khi xe đang chạy; lạng lách, đánh võng; điều khiển xe chạy bằng 1 bánh đối với xe 2 bánh và chạy bằng 2 bánh đối với xe 3 bánh; điều khiển xe chạy thành nhóm từ 2 xe trở lên và chạy quá tốc độ quy định. Từ đó áp dụng mức phí tạm giữ xe 500.000 đồng/ngày cũng bắt đầu phát huy tác dụng răn đe, đến nay có 41 trường hợp bị áp dụng mức phí này. Kết quả, làm chuyển biến 52 tuyến đường phức tạp là “điểm đen” về trật tự ATGT.
Tăng cường tuyên truyền đến từng hộ dân
Quận 6, quận 8 và Bình Thạnh được UBND TP.HCM và Công an TP chọn làm 3 quận điểm triển khai công tác vận động nhân dân phòng chống đua xe trái phép. Ý thức rõ trọng trách, Công an quận 6 chủ động thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ trong phòng chống đua xe. Dù quân số hạn chế nhưng Công an quận vẫn bố trí 183 chiến sĩ thường xuyên tuần tra trên các tuyến đường từ 0 giờ đến 5 giờ sáng mỗi ngày. Công an 14 phường cùng lực lượng dân phòng, dân quân tổ chức chốt chặn tại 18 chốt cố định vào các ngày cao điểm thứ năm, sáu, bảy và chủ nhật hàng tuần. Một số chốt được Công an quận 6 sáng chế phương thức chống đua xe bằng barie (rào chắn), cách làm này được đánh giá hiệu quả và đã nhân rộng trên toàn địa bàn từ đầu năm 2012 đến nay. Công an quận còn lập danh sách kiểm tra 49 điểm sửa xe nghi vấn “độ” xe và quản lý 197 thanh thiếu niên thường xuyên tụ tập chơi khuya có sử dụng xe phân khối lớn, 249 đối tượng có tiền sự vi phạm Luật Giao thông để phối hợp cùng gia đình quản lý... Nhờ vậy, tình trạng đua xe, tai nạn giao thông trên địa bàn quận 6 trong thời gian qua giảm rõ rệt. Còn ở quận 8 thì Ban Dân vận Quận ủy và Công an phối hợp thực hiện. Cụ thể, Ban Dân vận tham mưu cho UBND quận ban hành nhiều công văn chỉ đạo Quận đoàn, Trung tâm Văn hóa, Phòng Giáo dục và Đảng ủy - UBND 16 phường sát cánh cùng Công an triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, vận động có bề rộng, chiều sâu, tập trung vào một số trọng điểm cụ thể. Qua đó, Đảng ủy - UBND 16 phường đã tổ chức 114 cuộc họp tổ dân phố để phổ biến Luật Giao thông, tác hại của đua xe cho 12.095 người dân nắm bắt, đóng góp ý kiến, có giải pháp quản lý giáo dục con em. 65 đối tượng chạy xe lạng lách, đánh võng bị đưa ra kiểm điểm trước dân. Ngoài ra, Trung tâm Văn hóa quận còn kẻ, vẽ 218 băng rôn, panô tuyên truyền, tổ chức phát thanh trên hệ thống loa cố định và di động được 640 giờ. Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tụ tập đua xe trái phép được tăng cường, nên tình trạng tụ tập, cổ vũ, chạy xe gây rối trật tự công cộng được giải quyết triệt để.
Theo chỉ đạo của Công an TP.HCM, Công an quận Bình Thạnh tổ chức kế hoạch rất chặt chẽ để chặn bắt các nhóm đua xe và thanh thiếu niên tham gia kích động cổ vũ, với số lượng xe bị tạm giữ lên đến hàng ngàn chiếc. Những đợt ra quân rầm rộ, truy bắt có số lượng lớn bọn quái xế, với sự tham gia của toàn bộ lực lượng công an quận, phường, CSGT, dân phòng... khi bị chặn tại hai đầu đường (những cung đường bọn quái xế hay đua), các đối tượng đã phải chạy vào trong các con hẻm, nhưng cũng bị các lực lượng mật phục truy bắt, nhiều đối tượng phải bỏ xe để chạy thoát thân. Có thể nói việc truy bắt số đối tượng tham gia đua xe trên địa bàn quận Bình Thạnh là một “tiếng chuông” cảnh báo cho bọn quái xế chùn bước. Với những đợt ra quân truy bắt thường xuyên, thể hiện tinh thần quyết liệt đấu tranh với loại tệ nạn đua xe, đã làm cho “tinh thần thép” của các quái xế bị đè bẹp. Trung tá Phan Linh Trung, Phó trưởng Công an quận Bình Thạnh khẳng định, một trong số những biện pháp được đưa ra đã phát huy hiệu quả nhất, đạt được sự ủng hộ trong quần chúng nhân dân, đó là đưa các đối tượng thường xuyên tham gia tụ tập, biểu diễn xe máy, đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng vào ban đêm ra kiểm điểm trước tổ dân phố, nơi cư ngụ và đã đưa hơn 100 đối tượng thường xuyên vi phạm Luật Giao thông ra kiểm điểm, tiến hành gần 80 hộ dân cam kết không bán hàng quá giờ quy định. Việc xử lý đối tượng đua xe bằng các biện pháp mạnh, kiên quyết có tác dụng răn đe cho các đối tượng khác.
Thượng tá Trần Thanh Trà, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP.HCM) cho rằng: Việc đưa đối tượng bị xử phạt đua xe, lạng lách, đánh võng ra kiểm điểm trước tổ dân phố nơi cư trú của TP.HCM trong những tháng gần đây có thể được coi là biện pháp khá mạnh tay. Chúng ta đang cần sức mạnh từ cơ sở, từ chính từng tổ dân phố để thực hiện công tác ngăn ngừa vấn nạn này cho hiệu quả. Tôi hy vọng rằng biện pháp này sẽ vẫn tiếp tục phát huy sức mạnh. Ngoài ra nếu đã xác định rõ đối tượng có hành vi gây rối trật tự công cộng, CSGT sẽ lập hồ sơ đưa đi trường giáo dưỡng theo nghị định 163 của Chính phủ. Nếu trong biên bản xử phạt vi phạm có ghi rõ đối tượng vi phạm tội này thì chắc chắn sẽ đưa đi trường để giáo dục thêm. Đây có thể được coi là một hành vi góp phần làm giảm tệ nạn đua xe, tụ tập thành đoàn trái phép, biểu diễn và lạng lách trên đường phố.
Hà Anh