Thứ năm, 20/4/2017, 21h23

Chống kẹt xe bằng đường một chiều

Theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM, nhiều tuyến đường như: Cộng Hòa, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hai Bà Trưng, Phạm Ngọc Thạch, Trần Quốc Thảo, Phan Văn Trị... sẽ thành đường một chiều.

Điểm đen kẹt xe trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình). Ảnh: I.T

Nhiều đường lớn sẽ thành đường một chiều

Tại cuộc họp mới đây với Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng về tình hình ùn tắc giao thông, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết các giải pháp cấp bách sẽ triển khai trong năm 2017 là công tác tổ chức giao thông.

Cụ thể là ở khu vực cửa ngõ, nghiên cứu tổ chức các cặp đường một chiều: Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình); đường Phan Văn Trị - Lê Quang Định (quận Gò Vấp - Bình Thạnh). 

Đối với khu vực trung tâm cũng sẽ tổ chức cặp đường một chiều Hai Bà Trưng - Phạm Ngọc Thạch; cặp đường Trần Quốc Thảo - Lê Quý Đôn.

Cụ thể phương án dự kiến tổ chức xe lưu thông một chiều như sau:

1. Đường Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ: 

Dự kiến tổ chức làm vòng xoay lớn, lưu thông một chiều theo hướng Trường Chinh → Hoàng Văn Thụ → Cộng Hòa.

2. Đường Phan Văn Trị - Lê Quang Định: 

Dự kiến đường Lê Quang Định lưu thông một chiều từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Phan Văn Trị. Đường Phan Văn Trị lưu thông một chiều từ đường Lê Quang Định đến đường Phạm Văn Đồng.

3. Đường Hai Bà Trưng - Phạm Ngọc Thạch: 

Dự kiến đường Hai Bà Trưng lưu thông một chiều từ Công trường Mê Linh đến đường Võ Thị Sáu. Đường Phạm Ngọc Thạch thành đường một chiều từ đường Võ Thị Sáu đến đường Lê Duẩn.

4. Đường Lê Quý Đôn - Trần Quốc Thảo: 

Dự kiến, đường Trần Quốc Thảo sẽ lưu thông một chiều từ Võ Thị Sáu đến Võ Văn Tần. Đường Lê Quý Đôn một chiều từ Nguyễn Thị Minh Khai đến Võ Thị Sáu.

Theo ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TP.HCM, phần lớn các tuyến đường đề xuất lưu thông một chiều trên có lượng xe đông, thường xuyên xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm, nguy cơ xảy ra ách tắc giao thông bất cứ lúc nào nếu có va quẹt, xe chết máy… Vì vậy, việc tổ chức lưu thông một chiều sẽ làm giảm giao cắt, tăng khả năng thông hành của tuyến đường so với việc tổ chức lưu thông hai chiều (trên cùng mặt cắt ngang đường).

Nhiều ý kiến trái chiều

Trước việc Sở GTVT dự kiến phân luồng một số đường lớn ở trung tâm và cửa ngõ phía Bắc TP.HCM thành đường một chiều để chống kẹt xe, đã có nhiều ý kiến khác nhau về giải pháp này. Một người dân sống ở quận Tân Bình cho biết: “Hiện nay đường Hoàng Hoa Thám đã kẹt xe vào giờ cao điểm ở đoạn ngã tư Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, khi đường Cộng Hòa thành một chiều chắc chắn sẽ kẹt dữ hơn vì dân ở đây phải đi vòng, không có lối ra ở Cộng Hòa. Đây cũng chỉ là một trường hợp. Trên đường Cộng Hòa và Trường Chinh không có nhiều đường nối (Ấp Bắc, Tân Kỳ - Tân Quý, Bình Giã...), các đường nối này lại nhỏ, cũng đông người đi rồi.

Khi chuyển thành đường một chiều thì với lượng xe cộ hiện nay họ không chỉ không có đường đi mà còn đi rất xa, cản trở rất nhiều cho đời sống người dân. Theo tôi thì một chiều là giải pháp giao thông, nhưng với điều kiện là đường lớn và nhiều đường, đặc biệt là phải có hai đường song song gần nhau (như đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Đình Chiểu một chiều là hợp lý). Trong khi đó, đường Trường Chinh và Cộng Hòa không song song mà cùng đường Hoàng Văn Thụ tạo thành tam giác, nếu làm đường một chiều sẽ tạo ra xung đột giao thông cho người dân ở khu vực rộng lớn này”. PGS.TS Nguyễn Lê Ninh (thành viên Hội đồng tư vấn về khoa học kỹ thuật công nghệ MTTQ TP.HCM) nêu ý kiến: “TP.HCM cần có những giải pháp lâu dài mới giải quyết triệt để được vấn đề ùn tắc, kẹt xe. Từ năm 2006, trong các cuộc họp của UBND TP và Sở GTVT, tôi đã nhiều lần đề xuất nên “một chiều hóa”, tổ chức cho xe cộ đi một chiều trên những tuyến đường có đông xe cộ qua lại, hay xảy ra ùn tắc, kẹt xe gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển. Việc xe chạy một chiều sẽ nhanh chóng giải quyết được vấn nạn kẹt xe trên một số tuyến đường đã quá tải. Mặc dù vậy, Sở GTVT phải tổ chức khảo sát cụ thể trên từng tuyến đường để xem xét con đường nào cần thiết phải tổ chức cho xe đi một chiều, nên khảo sát luôn các tuyến đường nhánh xung quanh để tránh gây ảnh hưởng đến giao thông tại những con đường này. Nhiều người dân sẽ phản đối vì cho rằng khi tổ chức đường một chiều sẽ phải đi đường vòng mất thời gian, công sức. Chính vì vậy, Sở GTVT cần có chính sách vận động người dân, hỗ trợ vì lợi ích chung, lợi ích lâu dài”.

T.S (Tổng hợp)