Chủ nhật, 23/2/2014, 16h02

Chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 2014

Thí sinh TP.HCM làm thủ tục vào phòng thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: N.Anh

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhiều vấn đề về đổi mới thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã được thông qua…
Theo thông báo kết luận, tại cuộc họp ngày 17-2, sau khi nghe Bộ GD-ĐT báo cáo, ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng kết luận: Năm 2014, Bộ GD-ĐT triển khai phương án tổ chức các kỳ thi như đã nêu trong báo cáo ngày 17-2, bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả, tiết kiệm, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ GD-ĐT theo tinh thần nghị quyết số 29-NQ/T.Ư của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Sáng 22-2, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định đến nay, bộ đã chốt phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Trong đó, năm 2014 sẽ thi tốt nghiệp 4 môn gồm: 2 môn bắt buộc (ngữ văn và toán) và 2 môn tự chọn. Môn ngoại ngữ thay vì là môn thi lấy điểm khuyến khích như dự kiến trước đây sẽ được chuyển thành môn thi tự chọn. Như vậy, thí sinh sẽ dự thi 2 môn tự chọn trong số 6 môn thay vì 5 môn như dự kiến trước đây gồm: Vật lý, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử và ngoại ngữ.
Đáng chú ý, một trong những vấn đề trong dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp THPT nhận được nhiều ý kiến trái chiều là các địa phương xác định miễn thi không quá 20% đã được thay đổi. Theo đó, sẽ không thực hiện tỷ lệ miễn thi chung cho các địa phương tối đa 20% như dự kiến trước đây. Điểm xét tốt nghiệp của thí sinh sẽ được tính bằng điểm trung bình 4 bài thi tốt nghiệp là 50% và điểm trung bình năm học lớp 12 là 50%.
Cũng theo thông báo kết luận của Thủ tướng, Bộ GD-ĐT khẩn trương xây dựng phương án tổ chức thi từ năm 2015 và công bố công khai vào đầu quý 3 năm 2014 theo hướng: Nội dung thi nhằm tạo động lực để học sinh học, phát triển toàn diện, đồng thời có tính hướng nghiệp, tạo thước đo khách quan, khoa học để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong việc tự chủ tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục ĐH và hướng tới có một kỳ thi quốc gia, đáp ứng yêu cầu cung cấp căn cứ tin cậy cho việc xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Nghiêm Huê