Thứ năm, 25/5/2017, 22h28

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: “Giải quyết vỉa hè cần những cán bộ nói được làm được”

Chiều 24-5, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP chủ trì buổi họp sơ kết về công tác đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP sau khi có Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 10-3-2017 của Thành ủy về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP và Chỉ thị 22/CT- UBND ngày 29-12-2016 của UBND TP về thực hiện công tác quản lý, sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè…

Đường Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12), bị lấn chiếm hết vỉa hè hai bên đường (ảnh chụp trưa 24-5)

Có hay không tình trạng “bao che, bảo kê”?

Về kết quả thực hiện, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP Nguyễn Ngọc Tường cho biết, khi đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra đợt 1 trên 186 tuyến đường trọng điểm thuộc 24 quận - huyện, có 85 tuyến đường chuyển biến tốt (các tuyến đường có vỉa hè thông thoáng); có 86 tuyến đường có chuyển biến (các tuyến đường kinh doanh theo giới hạn vạch sơn trên vỉa hè hoặc lối đi cho người đi bộ); có 15 tuyến đường ít chuyển biến, còn tình trạng buôn bán phức tạp…

Ông Tường khẳng định, nhiều tuyến đường thông thoáng, một số nơi có sự sắp xếp gọn, thuận lợi cho người kinh doanh và người lưu hành trên đường trên vỉa hè. Nhiều quận - huyện đã tập trung chỉ đạo, ra quân thường xuyên nên đã tạo được sự chuyển biến bước đầu như quận 1, 2, 3, 4, 6, 7, Tân Phú, Thủ Đức, huyện Củ Chi… trong công tác lập lại trật tự lòng, lề đường, vỉa hè. Nhất là sau các cuộc ra quân quyết liệt của quận 1, đã tạo sức lan tỏa tới các quận - huyện khác trên địa bàn TP.

Ông Tường nêu thực trạng, qua công tác giám sát, kiểm tra vẫn còn tình trạng mua bán, lấn chiếm lòng lề đường, các chợ tự phát. Còn nhiều tuyến đường, xe đậu dưới lòng đường như nơi có bảng cấm dừng, cấm đậu chưa được xử lý nghiêm túc. Đặc biệt, các siêu thị, trung tâm tiệc cưới, nhà hàng, bệnh viện… còn tình trạng xe gắn máy chạy trên vỉa hè, ảnh hưởng tới người đi bộ.

Ông Tường đặt vấn đề: “Có hay không tình trạng “bao che, bảo kê”, tại một số tuyến đường trên một số quận - huyện? Vì nếu không có tình trạng này, thì không có chuyện người kinh doanh dám lấn chiếm, buôn bán nhất là vào ban đêm như tại các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, Phạm Văn Đồng…”.

Ông Trần Thế Thuận - Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, toàn quận 1 có 134 tuyến đường. Trong đó, có 116 tuyến đường cơ bản đảm bảo thông thoáng trong giờ cao điểm. “Hiện còn 8 tuyến đường bị lấn chiếm nhiều lần như đường Trường Sa, Hoàng Sa, Nguyễn Thái Học…” - ông Thuận nói.

Ông Thuận cũng thừa nhận, bên cạnh những mặt tích cực, quận 1 vẫn còn hạn chế là việc một số tuyến đường bị lấn chiếm do một số bà con nghèo (256 hộ nghèo của quận) lấn chiếm để buôn bán. Công tác vận động rất khó khăn, vì họ buôn bán (3-5 tiếng) đã kiếm được khoảng 500 ngàn đồng/ngày. Còn vận động họ đi học nghề, chuyển đổi công việc để kiếm từ 5-6 triệu đồng/tháng, họ cho rằng mức thu nhập đó, không ổn định được cuộc sống…

Đừng “cao hứng” quá rồi đâu lại vào đó

Nhấn mạnh tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cho rằng, các quận - huyện dù đã quyết tâm, thực hiện nghiêm các chỉ thị và chỉ đạo của TP, tuy có chuyển biến nhưng tại sao, thời gian qua có chuyện tái lấn chiếm đường và vỉa hè?

Ông Khoa đề nghị: “Từ nay đến cuối năm 2017, các quận - huyện phải rà soát lại việc này. Làm sao để những chợ tự phát phải thành tự giác. Sở GTVT phải rà soát lại hai QĐ (QĐ 74 và QĐ 699), cái gì phù hợp thì triển khai tiếp. Cái gì không còn phù hợp thực tiễn, lạc hậu, kìm hãm sự phát triển thì phải thay đổi. Tiếp đó là công tác chấn chỉnh xe dù, bến cóc vì hiện tượng này lại bắt đầu tiếp diễn trở lại…”. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong lưu ý: “Chúng ta nói cái gì thì phải làm đến nơi đến chốn, không thể nói cho qua, cho có làm người dân mất niềm tin. Vì vậy, đừng nói những gì to tát, mà nguyên tắc phải từ cái nhỏ - cái nhỏ mà không làm được thì làm cái lớn sao nổi. Đừng “cao hứng” quá rồi đâu lại vào đó”.

Trước việc nhiều tuyến đường trên địa bàn TP bị tái chiếm, Chủ tịch UBND TP đặt vấn đề: “Việc tái chiếm này, nguyên nhân do đâu, công tác vận động, kiểm tra, giám sát như thế nào, đã có quận - huyện nào kỷ luật cán bộ địa phương buông lỏng chuyện này hay chưa?”.

Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP Nguyễn Ngọc Tường đề xuất: “Qua kiểm tra, kiên quyết đề xuất (nếu thuộc thẩm quyền TP), không cấp và rút giấy phép sử dụng hè phố làm cản trở giao thông; kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm sử dụng lòng đường, vỉa hè không đúng quy định. Bên cạnh đó, các quận - huyện nhanh chóng nghiên cứu, đề xuất TP xem xét quy hoạch, xây dựng thêm một số chợ để đưa vào hoạt động để hạn chế chợ tự phát. Đồng thời, rà soát quỹ đất hiện có của địa phương bố trí tạm thời để di dời các chợ tự phát, nhằm giải quyết tình trạng buôn bán lấn, chiếm lòng, lề đường. Sớm có chủ trương thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với các đối tượng, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, dân nhập cư hiện đang mưu sinh bằng chiếm dụng lòng, lề đường để mua bán hàng rong, xe đẩy tay… như giúp đỡ, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề…”.

Liên quan đến sai phạm trong việc chấn chỉnh trật tự đô thị, ông Trần Thế Thuận cho hay đang xem xét khuyết điểm Đội Quản lý trật tự đô thị, kiểm điểm một phó chủ tịch phường.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong lưu ý: “Những tồn tại, tuy có nhiều nguyên nhân kể cả khách quan và chủ quan các quận - huyện phải đưa ra những giải pháp phù hợp. Trên tinh thần làm thông thoáng lòng, lề đường, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP. Quyết tâm chấn chỉnh lại những gì còn buông lỏng. Đưa ra những giải pháp căn cơ, đồng bộ nhưng phải hết sức kiên trì”.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo: “Tôi và các đồng chí phải cam kết với nhau: cùng chung tay, kiên trì, quyết liệt làm bằng được việc này. Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm, những cán bộ để tình trạng lấn chiếm lòng lề đường trên địa bàn phường mình phụ trách và có sai phạm trong thực thi công vụ”.

Bài, ảnh: Lê Quang Huy