Thứ sáu, 11/7/2008, 14h20

Chung thủy với nghề

Sau 20 năm làm Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, cô Phạm Thị Triệu nghỉ hưu vào năm 1994. 10 năm qua, cô đã trở về sống với tuổi già của mình bằng niềm vui đọc sách báo, chăm cây, trò chuyện với con cháu trong ngôi nhà nhỏ. Khi Hội Khuyến học phường 13 được thành lập, nhưng thiếu nhân sự, UBND phường lại nhớ đến cô và một lần nữa cô trở lại tham gia công tác xã hội cùng chính quyền.

Về hưu, cô càng hiểu hơn cuộc sống của những người dân lao động nghèo của phường 13, quận 6, nhất là những hộ lao động phổ thông, làm thuê làm mướn. Không chỉ cha mẹ thất học mà nhiều gia đình con cái cũng không biết chữ do không đủ tiền đi học. Cũng có gia đình con đến tuổi đều cho đi học nhưng có tiền mới cho học tiếp, không có tiền thì thôi. Chuyện bỏ học của các cháu có muôn vàn lý do nhưng chủ yếu là kinh tế khó khăn, cha mẹ đau yếu, con cái đông, hoàn cảnh đặc biệt. Cô kể, dù là năm đầu tiên Hội Khuyến học đi vào hoạt động nhưng Ban chấp hành lâm thời đã tập trung vào công tác tuyên truyền vận động, nhắc nhở người dân ý thức đi học, hạn chế tình trạng bỏ giữa chừng. Xét hoàn cảnh gia đình nào quá khó khăn, hội lên danh sách trợ cấp đột xuất để ngăn chặn kịp thời nguy cơ bỏ học của con em họ. Để phong trào khuyến học đi sâu vào từng khu phố, với tư cách là Chủ tịch hội cô tham mưu với phường thành lập 6 chi hội khu phố theo dõi sâu sát tình hình học tập từng hộ gia đình.

Để có kinh phí cho hoạt động và nhất là tiền học bổng cho các học sinh nghèo, Hội Khuyến học đã vận động gây quỹ từ nhiều nguồn như mỗi người đóng góp một ngày lương, kêu gọi sự giúp sức của các nhà hảo tâm như ông Trần Văn Việt, Công ty xây dựng Kiên Thành, Công ty Toyota, chợ Phú Lâm… Riêng cô Triệu lại đi gặp một số phụ huynh, học sinh cũ của mình kêu gọi đóng góp ủng hộ, số tiền cứ thế tăng lên dần từ 15 đến 30 triệu và 35 triệu cho một năm. Nhờ có khoản tiền đó mà hội đã có chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất cho 10 đến 15 học sinh/năm với số tiền từ 300 đến 500 ngàn đồng. Hàng năm phường hội cũng kịp thời trao học bổng cho các học sinh nghèo có thành tích học tập tốt của phường, mặt khác đề nghị lên quận hội xét thêm những em có thành tích xuất sắc như đậu vào đại học, thi tốt nghiệp thủ khoa… Cô Triệu cho biết, để hạn chế tình trạng các cháu nghỉ học vì không có tiền đóng, phường hội đã thành lập quỹ học bổng đầu cấp, giúp học sinh vượt qua áp lực về những khoản tiền đóng năm đầu tiên của cấp học. Huy động mọi nguồn lực cũng không ngoài mục đích giúp những mảnh đời khốn khó nhưng luôn đủ tinh thần và nghị lực bước tiếp trên con đường học vấn. Vậy mà theo cô như thế vẫn chưa đủ vì như cô nói - phường chúng tôi vẫn chưa làm được học bổng khuyến tài. Ước nguyện của cô là các cháu không chỉ là được cắp sách đến trường mà phải học thật giỏi để sau này trở thành người có ích cho xã hội. Bên cạnh đó phong trào gia đình hiếu học cũng được nhân rộng - theo cô - sẽ trở thành động lực lớn giúp tất cả mọi người được đi học trong một môi trường giáo dục tốt.

Đóng góp nhiều như thế nhưng khi hỏi về mình, cô chỉ trả lời: “ Đã hơn 70 tuổi, tôi đã già rồi nên không làm được gì nhiều nữa, chỉ có những đóng góp về phong trào khuyến học cho chính quyền”. Và như cô tâm sự công việc này một lần nữa làm cho cô gắn bó hơn với mọi người và chung thủy với nghề dạy học mà mình đã chọn cách đây 50 năm.

N.H.A