Thứ bảy, 15/7/2017, 20h09

Chương trình đào tạo cán bộ: Cần thay đổi để nâng cao chất lượng

Ngày 15-7, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức Hội thảo chuyên gia về nội dung chương trình và hình thức đào tạo cán bộ chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ (ĐTThS,TS) và chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi (TNQHCBLĐ,QLTT) của TP.

Đến dự có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy; Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP…

Báo cáo tại hội thảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Hữu Hiệp, cho biết những năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tạo nguồn cán bộ trẻ, đặc biệt là 2 chương trình: Chương trình TNQHCBLĐ,QLTT và Chương trình ĐTThS,TS.

Trong đó, Chương trình TNQHCBLĐ,QLTT có đối tượng tham gia là sinh viên (SV), cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) trẻ tuổi có triển vọng phát triển tốt, tạo nguồn quy hoạch, đào tạo, rèn luyện qua thực tiễn để trở thành CB lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần bổ sung đội ngũ CB chủ chốt cho các tổ chức trong hệ thống chính trị TP. Từ năm 2001 đến nay, chương trình đã xét tuyển và bố trí công tác cho 1.524 CB trẻ. Hiện chương trình có 1.087 CB dưới 35 tuổi và đang công tác, trong đó có 562 nữ (chiếm tỷ lệ 51,7%); 893 đảng viên (chiếm tỷ lệ 82,15%); 417 CB có trình độ thạc sĩ… Kết quả đánh giá CB hàng năm có hơn 99% hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có 40% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; 81,23% CB được bổ nhiệm và quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý.

Riêng Chương trình ĐTThS,TS có đối tượng tuyển chọn là CB,CC trẻ có triển vọng, thuộc diện quy hoạch đào tạo của các đơn vị trong hệ thống chính trị TP, CB chuyên trách Đoàn Thanh niên, hội SV tại các trường học và SV giỏi là con em gia đình chính sách, gia đình có truyền thống cách mạng. Đến nay đã tuyển chọn và cử đi đào tạo là 842 học viên, trong đó có 443 nữ; 593 CB,CC,VC; 249 SV và khối ngoài Nhà nước. Theo đó đã đào tạo 87 tiến sĩ, 755 thạc sĩ. Chương trình được đào tạo theo 3 phương thức: đào tạo trong nước kết hợp đi nghiên cứu, thực tập nước ngoài có 432 CB; đào tạo toàn phần ở nước ngoài (có 338 CB); đào tạo liên kết giữa trong nước và nước ngoài (72 CB). Kết quả đánh giá CB,CC thuộc chương trình này năm 2016 có 97,92% hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các chương trình vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế. Một trong những hạn chế hiện nay là việc xét chọn CC,VC vào Chương trình TNQHCBLĐ,QLTT tại một số đơn vị chưa đáp ứng đúng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy chế; số đơn vị đăng ký tiếp nhận SV chủ yếu tập trung vào những ngành quản lý văn hóa, quản lý giáo dục, môi trường, luật… trong khi SV tham gia chương trình trên rất ít, chủ yếu là các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng. Đối với công tác đào tạo, việc chọn chương trình đào tạo trong nước hoặc chương trình liên kết còn hạn chế vì không có nhiều ngành đào tạo thạc sĩ phù hợp nhu cầu hoặc đáp ứng thời gian để chọn đào tạo.

Bên cạnh đó, việc bố trí công tác cho CB trẻ kéo dài vì nhiều trường hợp phải giới thiệu bố trí nhiều lần đến nhiều cơ quan, đơn vị.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, cần có những bước đi mới để ngày càng nâng cao chất lượng của các chương trình đào tạo CB TP, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

T.Linh