Thứ năm, 27/4/2017, 22h05

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Giảm tiết có... tăng tải?

Thời gian triển khai chương trình mới quá gấp nên đội ngũ giáo viên khó đáp ứng; môn học còn chồng chéo, chắp vá; giảm tiết có tăng tải?... Đây là những ý kiến được đưa ra tại buổi Hội thảo Góp ý cho dự thảo chương trình (CT) giáo dục phổ thông tổng thể do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức chiều 26-4.

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TP.HCM) góp ý tại hội thảo

Môn học chồng chéo

Nhiều đại biểu khẳng định, CT mới đã ý thức được tầm quan trọng của việc giúp HS có định hướng phát triển bản thân, chú trọng phát triển kỹ năng toàn diện của HS, HS được tự chọn môn học… Tuy nhiên, số lượng môn học còn khá nhiều, cấp THCS và tiểu học (TH) chưa cụ thể trong chọn môn như ở cấp THPT, CT còn chắp vá, chồng chéo…

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, cho rằng một số vấn đề còn mơ hồ, một số môn học còn chồng chéo. Cụ thể, phần kế hoạch giáo dục có giáo dục cơ bản ở cấp TH nhưng cấp này có một số môn học trùng lắp. Đơn cử như tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu xã hội nằm trong môn cuộc sống quanh ta; tìm hiểu công nghệ nằm trong môn thế giới công nghệ; trải nghiệm sáng tạo được đưa vào một bộ môn nhưng lâu nay giáo viên đã lồng ghép vào từng bộ môn để giúp HS vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, bây giờ tách riêng thì thực hiện như thế nào?

Hiệu trưởng một trường THPT cũng thắc mắc: Trong CT mới, bậc THPT tích hợp rất rõ ở lớp 10, phân hóa nhiều ở lớp 11 và 12. Vậy có sự lặp lại nội dung ở từng bậc học, khối học hay không? CT mới cần phải phân hóa như thế nào cho rõ để tránh sự lặp lại, mất thời gian...

Cũng nói về nội dung CT, một số đại biểu băn khoăn giảm tiết dạy nhưng liệu có tăng tải? Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó Trưởng phòng Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, nêu: CT mới có 12 môn bắt buộc, trong đó có môn lịch sử - địa lý. Tuy nhiên, trước đó Quốc hội đã không đồng ý ghép môn lịch sử vào chung với môn địa lý nên tính đúng thì CT có đến 13 môn bắt buộc. Môn văn hiện xếp 5 tiết/tuần trong khi CT mới có 4 tiết/tuần; các môn lý, hóa, sinh đang xếp 5-6 tiết/tuần, CT mới quy định tổ hợp môn KHTN chỉ còn 4 tiết.

“Nhìn vào thấy được số tiết giảm nhưng nội dung có giảm không? Nếu đã giảm tiết mà nội dung không thay đổi thì lại trở thành tăng tải chứ không giảm tải”, ông Thanh tỏ ra lo lắng.

Cũng theo ông Thanh, có một nghịch lý là thông thường tuổi nhỏ sẽ học ít tiết hơn tuổi lớn nhưng dự thảo CT thì ngược lại. Trong CT mới, lớp 10 tổng cộng tới 1.110 tiết/năm nhưng ở lớp 11 và 12 thì giảm xuống còn hơn 900 tiết/năm. Muốn giảm tải thì tại sao HS vừa chuyển từ THCS sang THPT với cách học tập mới lại bị “dội” quá nhiều tiết. Chưa kể, bậc TH cũng học nhiều tiết hơn so với khối trên, chẳng hạn như lớp 5 có đến 1.184 tiết…

Nói về giảm tải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Bộ đang xây dựng nội dung CT, khi có CT cụ thể chúng ta mới biết được quá tải hay không. Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT thì sẽ giảm tải qua cách tích hợp các bộ môn như lý, hóa, sinh…

Sợ giáo viên bắt nhịp không kịp

Với CT mới, giáo viên dạy như thế nào, sinh viên trường sư phạm đã được đào tạo đáp ứng CT mới hay chưa... là băn khoăn của nhiều nhà giáo.

“Theo CT mới thì bậc THPT có một số môn mới như mỹ thuật, âm nhạc… Hiện tuyển dụng giáo viên ở bộ môn này rất khó, chúng ta không thể tuyển diễn viên, ca sĩ về dạy vì ngoài chuyên môn còn phải có kỹ năng sư phạm”, ông Huỳnh Tấn Thanh, Giám đốc TT GDTX Chu Văn An thẳng thắn.

Ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.11 nêu ý kiến: “Người thực hiện sứ mệnh CT mới có thành công hay không là đội ngũ giáo viên thì chúng tôi lại lo họ không bắt nhịp kịp. Chẳng hạn, ít nhất các giáo viên dạy chung nhóm lý, hóa, sinh cũng phải được đào tạo kiến thức liên thông, phối hợp hài hòa”.

Sở GD-ĐT không đứng một mình trong xây dựng SGK

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: Sở GD-ĐT TP.HCM không thể làm SGK riêng biệt. Văn bản trước đó của Bộ GD-ĐT đã cho phép Sở GD-ĐT TP phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục xây dựng bộ SGK, Sở GD-ĐT không đứng một mình trong việc thực hiện này. Hiện sở đang chờ CT chi tiết của Bộ GD-ĐT để phối hợp cùng Nhà Xuất bản Giáo dục thực hiện.

Nói về vấn đề này, cô Cúc khẳng định: “Điều quan trọng nhất để quyết định thành công của CT mới là nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trong CT mới có một số môn chưa đào tạo giáo viên và giáo viên đang giảng dạy cũng chưa được bồi dưỡng. Nếu thực hiện trong năm học 2018-2019 sẽ dẫn tới chắp vá vì không thể chuyển đổi giáo viên như chuyển giáo viên tin học sang dạy công nghệ, muốn tạo nền tảng kiến thức cho HS thì giáo viên phải được đào tạo bài bản”.

Từ thực trạng trên, ông Thanh cho rằng không nên để tình trạng giáo viên vừa đọc sách vừa dạy mà không có thời gian nghiên cứu. “Hiện SGK của CT mới còn chưa ra mà năm học 2018-2019 đã áp dụng đại trà thì giai đoạn nào là thí điểm. Nếu chưa có sự chuẩn bị cẩn thận thì nên dời lại thời gian áp dụng đại trà, đừng để HS trở thành “chuột bạch”, ông Thanh đề nghị.

Dương Bình