Chủ nhật, 7/9/2014, 21h09

Chương trình - sách giáo khoa mới: Càng bàn càng rối

HS TP.HCM tìm sách đọc thêm tại Ngày hội giáo dục phát triển do Sở GD-ĐT TP tổ chức

Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) của Bộ GD-ĐT sắp tới sẽ được trình Quốc hội. Tuy nhiên, tại Hội nghị tham vấn ý kiến các chuyên gia về CT-SGK do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng (UBVHGDTTN&NĐ) Quốc hội tổ chức vừa qua cho thấy vấn đề này hình như càng bàn càng rối.
Chưa trúng
Theo GS. Hồ Ngọc Đại, chuyện đổi mới CT-SGK phổ thông hiện nay của Việt Nam giống như câu chuyện hai con cá của Pháp cách đây nhiều năm. Một con cá sống, một con cá chết cùng bỏ vào hai ly nước có gì khác nhau không? Câu trả lời đơn giản là không nhưng ngày đó nước Pháp phải mất 2 năm tranh luận nảy lửa mới tìm được câu trả lời. Nó cũng giống như chuyện đổi mới CT-SGK hiện nay của Việt Nam. Chỉ bàn nhưng không ai bắt tay làm, chỉ tranh luận trên cái không có thực. Cũng theo GS. Hồ Ngọc Đại, không bàn những thế kỷ trước, chỉ tính từ thế kỷ 21 thì công dân Việt Nam thế kỷ 21 là sản phẩm của nền giáo dục. Trước đó, đời ông thế nào, đời bố y như thế và đời con cũng vậy. Chính vì vậy, “trứng khôn như vịt”. Còn thế kỷ 21 phải khác, trẻ con được hưởng rất nhiều thứ mà ông bà, bố mẹ chúng không có. Vì vậy, trẻ em thế kỷ 21 phải được hưởng nền giáo dục khác nền giáo dục của thế kỷ trước. GS. Hồ Ngọc Đại cũng đưa ra một thực tế hài hước có trẻ con thì mới có ông thầy, có ông thầy rồi mới có hiệu trưởng, có hiệu trưởng rồi mới có trưởng phòng, có trưởng phòng rồi mới có giám đốc sở, có giám đốc sở rồi mới có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Nhưng tất cả người lớn khi bàn về vấn đề đổi mới thì lại bỏ rơi đứa trẻ con. Do đó, GS. Hồ Ngọc Đại đề nghị, Nhà nước phải nắm chắc hai đầu của giáo dục. Đó là 10 năm giáo dục cơ bản. Nên cho bậc tiểu học học 6 năm, THCS học 4 năm. Nhà nước phải giữ chắc hai bậc này. Còn hai năm phổ thông có thể  thả nổi.
Cũng liên quan đến vấn đề CT-SGK, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội lại đưa ra nhận xét về báo cáo đánh giá tác động đề án này của bộ hầu như là do tưởng tượng của người viết. GS. Thuyết đưa ra ví dụ rất cụ thể như trong báo cáo có nêu với CT-SGK mới sẽ khắc phục hiện tượng quá tải, học sinh không học thêm, giáo viên chủ động, sáng tạo, sĩ số lớp học sẽ giảm. GS. Thuyết đặt câu hỏi ai bảo đảm có CT-SGK mới thì bảo đảm giảm tải được chương trình; giáo viên chủ động - sáng tạo hơn; thi cử sẽ trung thực hơn. Thực tế, hiện nay giáo viên không phải là không muốn sáng tạo, nhưng họ đổi mới thì được gì, hay là cứ cuồng chân ôn luyện cho học sinh thi cử?
SGK ai viết?
Vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm nhất chính là viết SGK và viết như thế nào. GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết mỗi đề án đưa ra, Quốc hội chỉ quan tâm đến hai điều. Thứ nhất là tác động đến ngân sách Nhà nước như thế nào. Thứ hai là có làm phiền dân hay không? Về biên soạn CT-SGK mới, theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, CT mới là phát triển năng lực học sinh, nghe thì hay nhưng ông cảnh báo là đang bị ru ngủ vì câu chữ. Vì CT hiện nay cũng đã đề cập đến vấn đề đó. Điển hình là đối với môn ngữ văn. CT hiện hành cũng hướng đến năng lực HS, nhưng không làm được. Nên đừng vì một chữ năng lực mà làm đảo lộn tất cả. Còn về vấn đề có xã hội hóa toàn bộ SGK không? Nếu bộ làm đồng loạt sẽ xảy ra vấn đề quốc doanh - dân doanh. Nhưng GS. Thuyết ủng hộ bộ nên có bộ SGK nòng cốt, nhưng chỉ làm một số bộ SGK khoa học xã hội (địa lý, lịch sử...), còn các môn khác thì xã hội hóa, hoặc có thể dịch SGK nước ngoài để đỡ tốn tiền. Kinh nghiệm của Hàn Quốc là Nhà nước viết SGK tiểu học và khoa học xã hội. Trong khi đó, PGS. Văn Như Cương cho biết ông tán thành chủ trương một CT nhiều bộ SGK. Nhưng thực hiện không hề đơn giản. Bộ GD-ĐT phải có bộ SGK của mình, vì việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân viết SGK trong những năm đầu là còn khó khăn. Mặt khác, không phải ai cũng làm được SGK vì phải có chuyên môn. Khi đã có CT chắc chắn rồi thì viết SGK. Lộ trình mà Bộ GD-ĐT đề ra là có thể hoàn thành được nếu bắt đầu viết ngay từ đầu năm 2015. Nếu viết theo kiểu cuốn chiếu sẽ rất mất thời gian, trong nhiều năm liền. Nhưng để thực hiện thành công thì bộ phải có hướng dẫn kỹ để anh em làm không bị lúng túng. Ngược lại, GS. Nguyễn Khắc Phi, nguyên Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam lại không tán thành việc Bộ GD-ĐT có một bộ SGK song song cùng với các bộ SGK khác. Vì theo phân tích của GS. Phi, khi bộ biên soạn một bộ SGK dễ có tình trạng con nuôi con đẻ, hơn nữa, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT không phải là biên soạn. Bộ cũng đang có rất nhiều việc phải làm. Bên cạnh đó, GS. Nguyễn Lân Dũng lại đề nghị, khi viết SGK, bộ đừng bỏ quên các hiệp hội chuyên môn. Vì các hiệp hội này, không chỉ có các chuyên gia mà còn có đông đảo đội ngũ giáo viên. GS. Dũng cũng đề nghị, trước khi bắt tay vào viết SGK, Bộ GD-ĐT nên tham khảo bộ SGK của Nepan.
Còn theo GS. Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội), ông ủng hộ chủ trương đa dạng hóa SGK. Đồng thời cũng ủng hộ Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK. Nhưng ông cũng lưu ý vấn đề này, Bộ GD-ĐT phải nắm quyền chủ động. Đồng thời phải quy định rõ ràng ai có quyền lựa chọn bộ SGK nào, nhà trường hay giáo viên, không cần đến giám đốc sở GD-ĐT? Cũng theo người đứng đầu UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội thì đội ngũ giáo viên phải đi trước một bước. Đề án này sẽ còn được chỉnh sửa, hoàn thiện, sau đó sẽ trình Quốc hội. Đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến và đi đến kết luận cuối cùng.
Thiên Lam