Thứ sáu, 29/3/2013, 14h03

Chuyện chưa biết về anh hùng Năm Dừa: Kỳ 3: Căn nhà lá của mẹ Nhu

Ban Chấp hành Tỉnh ủy Quảng Đà trước Mậu Thân 1968 (Năm Dừa ngồi hàng đầu, thứ 2 từ trái sang)

“Cả cuộc đời chiến đấu, vào sinh ra tử, lằn ranh giữa cái chết và sự sống mong manh nhưng dù bất cứ ở đâu, vào hoàn cảnh nào bên tai ba vẫn vang lên câu nói của mẹ Nhu - một người mẹ đã che giấu, chăm sóc ba trong những ngày kháng chiến: “Lên đánh đi chớ con”! Giây phút đối mặt với cái chết mẹ vẫn bình tĩnh, kiên cường đã là động lực giúp ba vượt qua bao gian khổ đi đến thắng lợi...”. Đó là những dòng tâm tư của Anh hùng Nguyễn Thanh Năm kể lại cho các con qua hồi kí cuộc đời mình.
Cơ sở trong lòng địch
Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, Nguyễn Thanh Năm có quyết định được điều về làm Bí thư Khu 1 và trực tiếp là Bí thư Quận nhì Đà Nẵng (bây giờ là quận Thanh Khê). Sau thời gian dài chiến đấu ở chốn rừng thiêng nước độc, trở về thành phố sống và hoạt động hợp pháp trong lòng địch nhưng Năm phải luôn đối mặt hiểm nguy trước hàng ngàn con mắt gián điệp ngày đêm dò la, để ý. Lúc bấy giờ chưa thông thạo địa bàn nên Năm được anh Phạm Phú Long, con ruột của mẹ Nhu đưa về nhà hoạt động. Trong vai một cậu thanh niên trốn lính, Năm sống trong căn nhà lá của mẹ Nhu vừa nắm bắt thời cơ hoạt động, gây dựng cơ sở. Ở nhà mẹ được một thời gian thì chồng mẹ Nhu đi biển trở về. Quá đột ngột, lại sợ bị lộ nên mẹ Nhu liền cản chân chồng bằng cách nhờ chồng ra sân phơi hộ sắn mì. Một lúc sau, ông Hai Nhu ra biển, thấy không khí yên ắng tưởng mẹ Nhu cũng đi theo nên Năm ôm hai khẩu súng ra lau chùi. Không ngờ mẹ Nhu xuất hiện. Trước sự sửng sốt của mẹ, Năm đành nói thật anh không phải là thanh niên trốn lính mà là cán bộ cách mạng. Im lặng một lúc, những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo nắng gió của người mẹ miệt biển. Cũng từ hôm đó, Năm được mẹ Nhu chăm sóc nhiều hơn. Ngay hôm đó, Năm  đã xin mẹ cho đào hầm bí mật. Thấy mẹ không hiểu về hầm bí mật, Năm giải thích cặn kẽ. Một căn hầm bí mật được đào dưới bụi tre sát góc vườn làm nơi ẩn náu an toàn. Mỗi khi có địch đến, mẹ Nhu làm tín hiệu đuổi gà để Năm kịp tránh. Nhưng rồi thấy Năm ở mãi trong hầm tối ngột ngạt, thương anh, mẹ Nhu cứ tranh thủ khi không có địch lùng sục lại kêu anh lên, xoa đầu anh bảo khi nào có địch hẵng xuống. Nhận thấy vậy cũng không an toàn, mẹ đồng ý luôn cho Năm đào hầm ngay trong nhà mình, dưới những chum mắm cá.
Bắt đầu từ căn hầm bí mật của mẹ Nhu, Năm móc nối với các gia đình khác cùng hoạt động và tình nguyện đào hầm bí mật. Một mạng lưới cơ sở vững chãi được Năm xây dựng trong lòng địch với sự đồng tình ủng hộ của đa phần bà con miệt biển Quận nhì. Khi mạng lưới cơ sở đã khá vững chắc, Năm cùng đồng đội phối hợp với biệt động thành tổ chức nhiều trận đánh thắng vang dội, gây dựng niềm tin trong dân.
Người mẹ kiên cường
Trong kí ức về những ngày chiến trận của Anh hùng Nguyễn Thanh Năm, hình ảnh về mẹ Nhu bao giờ cũng hiện rõ mồn một về tinh thần quả cảm, chí kiên cường. Ở đâu đó người ta thường xây dựng nhân vật anh hùng bằng những vẻ uy nghiêm từ tinh thần lẫn vóc dáng, nhưng trong tâm khảm của người chiến sĩ đầu trần, chân đất chiến đấu bảo vệ quê hương như Nguyễn Thanh Năm, hình ảnh mẹ Nhu - một người con miệt biển, cuộc sống mong manh nhờ vào sản vật từ biển cả lại là một người mẹ chân chất quê mùa, chỉ có tình thương lớn hơn hết thảy.
Cuốn băng ghi lại lời kể của Nguyễn Thanh Năm cứ quay chầm chậm, đôi lúc ngắt quãng mệt nhọc do bệnh tật và tuổi tác, và có cả những giọt nước mắt nghèn nghẹn nơi cổ họng khi nhớ về những năm tháng sống trong tình thương yêu đùm bọc của mẹ Nhu. “Hôm đó Tỉnh ủy gọi ba về căn cứ Hòn Tàu. Ba điện cho Quận đội phó Lữ Hùng xuống thay trong lúc ba đi họp. Lúc bấy giờ, Lữ Hùng ở nhà mẹ Nhu cùng bốn anh em, ba người còn lại bên nhà mẹ Hiền. Các anh tổ chức đánh địch tại cầu Phú Lộc nhưng không thành công. Lữ Hùng khiếp sợ nói dối mọi người qua nhà mẹ Hiền để phối hợp tác chiến. Nhưng thực chất là đi đầu hàng giặc…”. Khoảng 5 giờ sáng hôm sau (26-12-1968), địch dẫn một tiểu đoàn cảnh sát dã chiến ập vào Thanh Khê, xông thẳng vào nhà mẹ Nhu. Thấy động, anh Phạm Phú Long vừa dỡ miệng hầm cho anh em nhảy xuống thì bị mấy tên địch đánh nhừ tử. Tên tiểu đoàn trưởng trừng mắt quát mẹ Nhu: Cộng sản ở trong nhà này”. Mẹ bình tĩnh đáp: “Tụibay là cảnh sát đi đầy ngoài đường, không biết Cộng sản ở đâu làm sao tao biết Cộng sản ở trong nhà tao”. “Con mẹ già này ngoan cố! Cộng sản ở trong nhà mày ngay mấy chum mắm”, giọng tên tiểu đoàn trưởng gầm rít lên. Biết đã bị lộ, không còn cách nào khác ngoài việc đối mặt sinh tử với kẻ thù, mẹ Nhu cất giọng: Thôi lên đánh đi chớ con!”. Nghe mệnh lệnh của mẹ, bốn đồng chí bật nắp hầm tung lên. Giây phút ấy, địch quay súng nhắm thẳng vào mẹ Nhu. Người mẹ tảo tần giàu lòng yêu người, yêu quê hương ngã xuống kiên cường, không chút e ngại. “Nghe tin địch đánh vào nhà mẹ Nhu, ba chiến sĩ đang ở một căn nhà khác tức tốc đến đánh trả địch, giải vây đồng đội. Tất thảy, bảy dũng sĩ Thanh Khê đánh nhau với một tiểu đoàn địch suốt ngày hôm đó. Ba nghe tin nhưng không về kịp”, giọng Năm Dừa nghèn nghẹn.
Sau trận đó, hơn 100 tên địch bị tiêu diệt. Nguyễn Thanh Năm tiếp tục ở lại Quận nhì để củng cố phong trào, liên lạc với Quận nhất. Trong khi đó, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị, Nguyễn Thanh Năm được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được điều về Ban cán sự Đà Nẵng và làm Bí thư Quận nhất (bây giờ là quận Hải Châu). Từ đây, anh bắt đầu xa người vợ hiền Nguyễn Thị Hạnh - một đồng đội “chia lửa” trên chiến trường suốt 5 năm trời ròng rã bặt tin tức…
Phan Vĩnh Yên
Kỳ 4: Cáo thị tầm nã một triệu đô la