Thứ hai, 1/4/2013, 13h04

Chuyện chưa biết về anh hùng Năm Dừa: Kỳ 4: Cáo thị tầm nã một triệu đô la

Trùm CIA Mỹ Janetl E Bell (thứ ba từ phải sang) đã nhiều lần trở lại Đà Nẵng để được tận mắt nhìn thấy Anh hùng Năm Dừa

“Nếu ai bắt được hoặc bắn chết Trung tá Cộng sản Nguyễn Thanh Năm sẽ được trọng thưởng một triệu đô la”, tiếng loa phóng thanh quân địch phát vang cùng hình ảnh của anh được dán khắp hang cùng ngõ hẻm Đà Nẵng…
Hiên ngang trong mọi hoàn cảnh
Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, Nguyễn Thanh Năm được điều làm Bí thư Quận nhất. Bằng kinh nghiệm nhiều năm chiến đấu, Năm Dừa trong thời gian này đặc biệt chú ý đến việc xây dựng, củng cố các chi bộ thật vững mạnh như: Chi bộ khu phố Thạc Gián, Hải Châu, Tổng đoàn học sinh, sinh viên Đà Nẵng… làm điểm tựa cho phong trào cách mạng phát triển. Với phương châm đánh đâu thắng đó, nhanh, gọn, ẩn hiện vô lường… người dân khắp trong ngoài mảnh đất Đà Nẵng, Quảng Nam nghe nhắc đến tên Năm Dừa với cả niềm khâm phục dù chưa một lần gặp mặt. Còn riêng với kẻ địch, những chiếc loa phóng thanh không ngừng rêu rao bản cáo thị tầm nã người chiến sĩ Cộng sản này trị giá cả triệu đô la… Nỗi kinh hoàng khi nhắc đến tên Năm Dừa đối với chúng cũng có sức “nặng” bằng từng ấy. Trùm CIA Mỹ Janetl E Bell từng phụ trách mạng lưới tình báo CIA tại Đà Nẵng đã tổ chức lực lượng nhiều lần quyết tâm tóm gọn người Cộng sản Năm Dừa, treo giải thưởng trên để xem cho rõ mặt mũi tên Năm Dừa có khả năng tàng hình, thường đi trên ngọn cây, ngọn dừa như lời đồn nhưng chưa một lần thành công.
Mỗi lần nhắc nhớ về cha, chị Nguyễn Thị Thu Thủy - con gái đầu lòng của Anh hùng Nguyễn Thanh Năm rưng rưng lẫn tự hào. “Ngày cha còn sống, cứ mỗi cuối tuần cha lại kể cho chị em chúng tôi nghe về những năm tháng chiến đấu của cha. Gian khổ mà oai hùng. Bao giờ kết thúc câu chuyện, cha cũng nhắc chúng tôi rằng: “Ngày đó thế hệ của cha ông đặt Tổ quốc lên trên hạnh phúc riêng tư để hôm nay thế hệ các con được hưởng yên ấm hòa bình. Và mai này cha cũng mong các con đặt lợi ích quê hương lên trên hết trong công việc của mình”. Trong kí ức của chị Thủy, kỉ niệm về cha luôn đong đầy, đặc biệt là câu chuyện về bản cáo thị tầm nã giá trị một triệu đô la từng được địch treo thưởng chỉ với mục đích lấy được đầu Nguyễn Thanh Năm. Có lần địch lùng sục phát hiện Năm Dừa trong nhà một cơ sở cách mạng liền tập trung cảnh sát dã chiến đến vây bắt. Biết không còn cách nào thoát được, Năm Dừa bình tĩnh quan sát mọi cử động của quân địch từ gác của hai căn nhà và bất ngờ tung lựu đạn, tên Long - tiểu đoàn trưởng chết ngay tại chỗ. Bằng phán đoán nhanh, nhạy, anh thoát ra khỏi vòng vây. Một người dân tốt bụng đã cho anh bộ quần áo thay và đưa anh đi. Lọt qua nhiều trạm kiểm soát gắt gao của kẻ địch, đến bờ rào Sân bay Đà Nẵng thì trời hửng sáng, nếu đi tiếp sẽ bị lộ nên anh cùng người dân đành đội bèo ẩn nấp dưới bàu Thạc Gián, nước ngập ngang cổ, mưa rét thấu xương. Như thế, anh nhịn đói suốt một ngày cho đến đêm mới bắt đầu lên bờ tiếp tục đi, đến cơ sở cách mạng khi anh còn làm Bí thư Quận nhì thì trời hửng sáng. Lúc này tiếng loa truyền thanh của kẻ địch vẫn ra rả đọc thông báo: “Nếu ai bắt được hoặc bắn chết Trung tá Cộng sản Nguyễn Thanh Năm thì sẽ được trọng thưởng”…
Nghĩa tình của người dân
Lần khác, vào trước lúc chuẩn bị kí kết hiệp định Paris, Năm Dừa cùng một người bảo vệ ra Đà Nẵng gặp các cơ sở mật triển khai nhiệm vụ. Vừa gặp cơ sở thì bọn mật vụ lảng vảng khắp đường. Biết bị lộ, anh cùng người bảo vệ phóng xe máy đi. Địch cùng lực lượng quân trang, xe cộ ào ạt rượt theo. Biết không thể cắt đuôi, anh quyết định tông thẳng vào chiếc ô tô đón đầu của địch, lúc đó đồng đội của anh nhanh chóng thoát vào đường hẻm còn anh lao qua đường tàu. Địch vẫn bám sát, anh chạy vào quán bún ven đường, rút khẩu súng để vào rổ bún. Người bán bún biết anh là Cộng sản nên lặng lẽ cầm khẩu súng cho vào nồi nước bún. Đang phân vân chưa biết đi đường nào thì những tiểu thương chợ Cồn dắt anh vào quầy vải, mua dép mới cho anh và đưa anh lược chải tóc rồi bảo anh ngồi ôm cọc vải, ai hỏi thì báo giá bán… Mãi đến chiều tối, mật vụ vẫn không giãn vòng vây khỏi chợ Cồn. Các tiểu thương tính kế đưa anh ra ngoài chợ và chị Nghĩa (một cơ sở cách mạng) đưa anh về nhà trốn trong buồng kín. Biết anh là Cộng sản, chồng chị khẳng khái tiếp chuyện và nhường luôn cái phản giữa nhà cho anh ngủ, còn họ tình nguyện nằm ngoài sân canh cho anh. Cảm động trước tấm lòng chân tình của người dân, anh bảo, “để tôi nằm trong buồng, nếu nó đến tôi sẽ ra khỏi nhà bác, nếu tôi có việc gì cũng không liên lụy đến gia đình bác, cách mạng còn có người làm”. Vợ chồng chị Nghĩa nghe vậy ôm anh khóc. Nhờ sự che chở của các tiểu thương tốt bụng, hôm sau anh trở về cơ sở ở Điện Nam (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) an toàn. Từ sau vụ này, địch treo ảnh của anh khắp thành phố và lại treo thưởng cao nếu ai bắt được “tên Cộng sản đầu sỏ Nguyễn Thanh Năm”.
Giữa thành phố biển nhỏ bé, phần lớn đất đai đều bị địch biến thành vành đai trắng nhằm tóm gọn Năm Dừa. Thế nhưng, với sự đùm bọc của nhân dân, sự thông minh, anh không chỉ thoát tầm kiểm soát của địch mà còn tiếp tục lập nhiều chiến công khác. Có trận một mình anh mưu trí dũng cảm làm điêu đứng cả tiểu đoàn địch với nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại.
Phan Vĩnh Yên
Sau giải phóng, trùm CIA Mỹ Janetl E Bell đã nhiều lần trở lại Việt Nam và thốt lên khi được bắt tay Anh hùng Nguyễn Thanh Năm: “Ngày xưa tôi đóng ở Đà Nẵng, nhiều lần truy bắt anh, tìm anh để diệt nhưng không lần nào thành công. Vì vậy tôi rất ngưỡng mộ, rất muốn gặp để nhìn tận mắt con người anh có gì đặc biệt mà tài giỏi như thế…”.
 
Kỳ cuối: “Cổ tích” tình yêu giữa bom đạn