Thứ bảy, 3/2/2018, 20h52

Chuyện dạy liên môn và tập huấn

Đúng là có sự lo ngại về việc dạy tích hợp một số môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong một thời gian ngắn, các giáo viên trước đây chuyên dạy đơn môn theo ngành đã học thì nay bỗng dạy thêm một số môn cùng “hệ” khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.

Trường ĐH, CĐ đào tạo sinh viên dạy một môn (nguyện vọng, sự chọn lựa…) suốt thời gian ba, bốn năm. Ra trường các em phải có thời gian tập sự là một năm mới được công nhận dạy chính thức. Chưa hết, các em còn phải trải qua một thời gian đáng kể mới có kinh nghiệm giảng dạy, truyền thụ kiến thức. Nhưng nay, theo dự kiến, trên cơ sở một môn, giáo viên còn phải tích hợp kiến thức các môn khác trong bài dạy để học sinh khắc sâu kiến thức. Nếu thực hiện tốt khi giáo viên hội đủ các điều kiện thì đây là một bước đột phá trong phương pháp giảng dạy. Chỉ sợ trong một khoảng thời gian ngắn, với chương trình tập huấn kiểu “giải ngân” thì không thể đáp ứng được những yêu cầu đề ra. Đó là những lớp tập huấn “làm cho có” chứ không mang lại những kết quả nào đáng kể. Vì vậy, một số giáo viên “biết chuyện” gọi vui là “tập huấn giải ngân”.

Tôi đã từng dự nhiều lớp, nhiều khóa tập huấn trong những lần thay sách trước đây. Phải công nhận cấp trên cũng khéo chọn các điểm tập huấn: khi thì Hà Nội, khi thì Hải Phòng; sau đó là Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang… Có thể đây là dịp vừa đi tập huấn vừa kết hợp du lịch chăng?

Để các lớp tập huấn có hiệu quả, tôi xin đề xuất như sau: Thứ nhất, Bộ GD-ĐT gửi nội dung, chương trình cho các trường trước ba, bốn tháng để có sự nghiên cứu, chuẩn bị. Thứ hai, phân công cụ thể, rõ ràng các chuyên đề cho các tỉnh/thành; yêu cầu về mục đích, về nội dung báo cáo và sẽ trình bày tại lớp tập huấn. Thứ ba, có thảo luận, có phản biện và có lớp học thực hành dạy liên môn, tích hợp để giáo viên theo dõi, rút kinh nghiệm từ bài giảng cụ thể… Thứ tư, cán bộ phụ trách tập huấn phải ghi nhận hoặc trả lời, trân trọng những thắc mắc, những ý kiến trái chiều trong quá trình tập huấn. Thứ năm, giáo viên đi dự tập huấn không mang theo con nhỏ, người nhà để tranh thủ du lịch (nhất là những dịp hè), làm ảnh hưởng tới sự tập trung cho chuyên môn.

Có thể nói đào tạo giáo viên dạy đơn môn đã khó, nay bổ sung kiến thức các môn khác để giáo viên dạy được liên môn lại càng khó khăn hơn. Ba, bốn năm học một môn, ra trường dạy có khi còn vất vả; đừng nói đến dạy nhiều môn trong một giờ trên lớp chỉ có 45 phút. Nắm được điều đó để chúng ta nhìn thẳng vào thực trạng giáo viên hiện nay để cùng tìm cách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; tìm ra hướng đi đúng nhằm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới.

Lam Hồng