Thứ sáu, 10/2/2012, 15h02

Chuyện dạy thêm… ở quê

Bạn tôi, một giáo viên tiếng Anh ở vùng nông thôn, mở lớp dạy thêm không giống ai. Thông thường, ở những lớp dạy thêm, người ta cần có nhiều học viên để tăng thu nhập. Bạn tôi lại khác - chỉ cần học viên đáp ứng tiêu chí của mình. Thứ nhất, học là để tiếp thu và tích lũy kiến thức chứ không phải học để lấy điểm 10. Thứ hai, học tiếng Anh là phải biết cách giao tiếp chứ không phải chỉ thể hiện mình qua những bài kiểm tra viết. Chúng tôi đùa: “Chỉ những phụ huynh có tầm nhìn xa mới cho con vào lớp học thêm của anh!”. Quả thật, lớp học thêm của bạn tôi có rất ít học sinh bởi vì đâu phải ai cũng có quan điểm như bạn.
“Tôi muốn học trò mình biết ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế chứ không phải chăm chút vào thành tích ảo ở trường. Hơn nữa, các em cần làm quen dần với những cách đánh giá theo chuẩn quốc tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”, bạn tôi tâm sự. Bằng những phương pháp sinh động và kinh nghiệm thực tế, bạn luôn giúp người học làm thế nào vận dụng kiến thức để trau dồi kĩ năng một cách đạt hiệu quả. Tuy trình độ của học sinh khác nhau nhưng các em có chung một đặc điểm là tự tin sử dụng vốn tiếng Anh của mình trong giao tiếp. Cụ thể: Một cô bé lớp 8, khi đi du lịch ở Singapore đã có thể trao đổi với dân địa phương trong lúc đi dạo cùng mẹ trên đảo quốc Sư tử này; một học sinh lớp 11 mạnh dạn chỉ đường cho nhóm khách du lịch khi họ tình cờ đi ngang qua vùng quê An Giang chúng tôi...
Với tiêu chí giúp học trò làm quen dần với những cách đánh giá năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế, bạn tôi đã hướng dẫn các em tiếp cận những kì thi phù hợp năng lực của mình. Sau một thời gian học, một số học sinh được thầy khuyến khích dự các kì thi chứng chỉ tiếng Anh của Đại học Cambridge như: KET (Key English Test) hay PET (Preliminary). Hầu hết các em đều thành công và có những chứng chỉ tiếng Anh được thế giới công nhận. Đây là bước khởi đầu thuận lợi để họ có được sự tự tin trong việc học và trau dồi tiếng Anh sau này.
Ở góc độ kinh tế, bạn tôi không có thu nhập nhiều với việc dạy thêm. Nhưng ở góc nhìn sư phạm, bạn đã có được những hướng đi mới mẻ cho việc dạy tiếng Anh của mình. Với việc cải tiến phương pháp giảng dạy, dù là ở lớp học thêm, bạn đã tự làm mới mình chứ không đi theo lối mòn đã có từ bấy lâu nay. Mặc dù những hiệu ứng tích cực của việc giảng dạy tiếng Anh như thế chưa lan tỏa được nhiều trong cộng đồng nhưng những gì bạn làm được thật đáng trân trọng.
Lê Tấn Thời