Thứ bảy, 9/1/2016, 22h49

Chuyện gã “gàn” trên đỉnh Hải Vân

Đang yên ấm với khoảnh đất rộng thênh thang ở dưới chân đèo Hải Vân, đùng một cái gã bán nhà, bán đất, khăn gói lên đỉnh đèo để làm bạn với mây ngàn gió núi, để… làm thơ.

Từ giã cuộc sống sung túc, suốt 30 năm nay, Lại Thanh Hà ở lại đỉnh đèo với mây núi và thơ

Gã nghĩ ra cách dịch vụ nhà vệ sinh - công việc “lấy lỗ làm lãi” đầu tiên trên đỉnh đèo. Thời du lịch phát triển, các dịch vụ được mở ra nhằm mục đích thu tiền thì gã lại xây dựng vườn hoa cho du khách tham quan miễn phí!

1.Gã có cái tên đọc lên có cảm giác an nhàn, thảnh thơi: Lại Thanh Hà. Nhưng nhiều người biết gã bởi một cái tên khác, do chính gã tự khai sinh: Lại Phiền Hà! Ngót 30 năm, trên đỉnh đèo vời vợi, khách đến rồi đi, gã bám trụ lại cùng những vần thơ và người vợ mà gã tự phong biệt danh là “mắm đại ca”.

Lại Thanh Hà quê gốc ở Hà Nam. Thời thanh niên, gã làm tài xế lái xe “quá cảnh” của Cục 6 (Cục Vận tải ô tô số 6), chuyên vận chuyển hàng đi Lào. Năm 1979, gã gặp và nên duyên với cô gái gốc Huế tên Lê Thị Năm Phượng. Năm 1982, vợ chồng dành dụm xây dựng một ngôi nhà phía Nam chân đèo Hải Vân. Cuộc sống không giàu sang nhưng yên ả. Năm 1987, gã nghỉ ngang công việc lái xe vì… mê thơ. Rồi đùng một cái, gã bán nhà, bán đất lên đỉnh Hải Vân sinh sống! Sự ra đi ấy của gã cũng đồng nghĩa với việc gia đình li tán. Gia sản bán được ba cây vàng, gã chia phần hơn cho vợ con. Vợ gã ôm con trở về quê, một mình gã làm cuộc chinh phục đỉnh Hải Vân bằng niềm tin với những vần thơ rặt nỗi đời. Giữa mây ngàn gió núi, gã một mình phát một vạt núi, dựng cái lều nhỏ để ở và… làm thơ. Ngẫm đời mình không yên ả như tên gọi, một hôm trong chếnh choáng hơi men, gã làm một con gà đặt giữa thanh thiên trời đất, vái thần núi xin đổi tên thành: Lại Phiền Hà!

Ở vào tuổi xế chiều như mây sà đỉnh núi, Lại Thanh Hà vẫn ôm giấc mơ tạo ra một không gian đẹp với vườn cây cảnh để du khách mỗi lần ghé qua có ấn tượng đẹp với Hải Vân. Ngót 30 năm ở thắng tích Hải Vân, gã làm những công việc để cho người đời một lần ngang qua, ghé lại đều nhớ về khu di tích từng được mệnh danh là “Đệ nhất hùng quan”.

2.Vào thời điểm đó, khi chưa có hầm đường bộ Hải Vân, việc ngược Bắc xuôi Nam đều phải qua đỉnh đèo, gã nghĩ ra cách làm mà trước và ngay cả trong thời điểm đó chưa ai nghĩ đến. Đó là xây dựng nhà vệ sinh dịch vụ. Gã bảo, cái công việc “lấy lỗ làm lãi” đó phần nào giúp gã trụ lại được với Hải Vân. Mỗi ngày có hàng trăm lượt khách ghé chân. Khách Tây gã lấy 1.000 đồng/lượt, khách Việt giảm một nửa. Du khách mỗi khi dừng chân “giải quyết nỗi buồn” còn được chủ nhân cao hứng ngâm tặng vài bài thơ trước lúc rời đi. Nhiều người nhớ gã vì điều ấy. Gã bảo: “Năm 1990, “mắm đại ca” hiểu ra về lại với mình. Hôm bà ấy cùng các con trở về, câu đầu tiên sau khi ngắm công trình của mình, bà ấy vỗ đùi đánh đét: “Tưởng ông lên núi làm thơ điên, ai dè cũng biết đi tắt đón đầu!”. Gã bảo, những năm ấy, đỉnh đèo này có nhiều kẻ tứ chiếng vãng lai hành nghề móc túi, cướp giật của du khách. Không thể khoanh tay đứng nhìn, gã nhiều lần nhắc nhở, cảnh báo du khách khiến bọn chúng không thể bám nghề. Căm gã, chúng tìm cách phá hỏng nhà vệ sinh của gã. Nhiều lần phá đi thì gã dựng lại. Cứ lặng lẽ và kiên trì như thế, cái xấu dần bị đẩy lùi. Gã nói, ở đỉnh đèo thừa mà thiếu nước. Gã nghĩ ra cách đầu tư xây dựng hệ thống dẫn nước, hồ chứa mini, bắt ống dẫn nước từ khe núi về dùng chung cho mọi người. Chưa hết, sống ở lưng chừng núi, nửa đêm mưa bất chợt, nước ào ạt đổ từ trên cao xuống cũng có thể cuốn trôi cả nhà cửa bất cứ lúc nào. Gã lại nghĩ ra cách vạt đá, tạo thành dòng thác cho nước thoát xuống biển. Cái công trình để đời của gã dù chưa được công nhận bằng văn bản giấy tờ nhưng những hộ dân sống xung quanh đỉnh đèo mừng cái bụng vì từ ngày đó không còn cảnh sạt núi, lở đất mỗi khi mưa.

3. Chuyện đời của gã gàn càng lúc càng thú vị. Năm 2008, hầm Hải Vân thông quan, khách qua đèo thưa thớt, những tưởng gã cùng gia đình khó bám trụ lại chốn này. Nhưng gã không bỏ núi mà đi. Gã nói, chừng ấy năm kinh doanh dịch vụ vệ sinh đã đem đến cho gã một chút vốn liếng đủ để không phải rời đi. Không chỉ thế, bây giờ gã không còn thu phí dịch vụ vệ sinh nữa. Gã lại xoay trần ra tạo cảnh quan bên đỉnh đèo và đặt tên là “Không gian đẹp”. Du khách qua đỉnh đèo bây giờ có thể thỏa thích ngắm cảnh ở không gian đẹp và nghe gã đọc thơ. Tất cả đều miễn phí.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên