Thứ hai, 27/8/2012, 14h08

Chuyện không đáng làm to

Hoan là lớp trưởng lớp 9/1. Cao to, học giỏi, rất có uy tín. Cả lớp ai cũng quý mến, tự hào về lớp trưởng của mình. Một trưa, sau giờ tan học, cô chủ nhiệm Bích Hường bắt gặp Hoan đang thập thò tỉ tê chuyện gì đó với lớp phó Thúy Diễm ở dưới cầu thang. Cô liền gọi ngay cả hai trở vào lớp. Không cần hỏi han, trao đổi gì cô phủ đầu với giọng gay gắt: “Các em có biết lý do vì sao tôi mời cả hai vào đây không? Các em đã có biểu hiện quan hệ không trong sáng!”. Mặt Hoan bừng đỏ. Em phản ứng tức thời: “Thưa cô! Cô nói không đúng! Cô đừng xúc phạm chúng em như vậy!”. Như tiếp thêm dầu vào lửa. Cô Bích Hường đập tay xuống bàn: “Hư quá! Tôi không thể chấp nhận một lớp trưởng như em. Từ sáng mai cho đến hết tuần (ba ngày) tôi cấm em bước chân đến lớp. Hãy ở nhà suy nghĩ viết bản kiểm điểm một cách thật thành khẩn”.
Như hẹn, sáng thứ hai cô Bích Hường tiếp nhận bản kiểm điểm của Hoan với lời lẽ thanh minh hơn là ân hận nhận lỗi. Sự không hài lòng khiến cô đi đến quyết định công khai đưa chuyện của Hoan ra phê bình trước lớp và yêu cầu cả lớp bỏ phiếu tín nhiệm về chức lớp trưởng của em. Thật bất ngờ: 99% đồng ý để Hoan tiếp tục giữ chức lớp trưởng! Trong hoàn cảnh đó, theo bạn, cô Bích Hường sẽ xử lý thế nào?
Gợi ý cách giải quyết  
Cô Bích Hường trong tình huống trên đã thiếu bình tĩnh dẫn đến một loạt những sai lầm đáng tiếc. Hoan nói chuyện riêng với lớp phó Thúy Diễm ở chân cầu thang sau buổi học rất có thể chỉ là chuyện trao đổi công việc của lớp chứ hoàn toàn không thể coi đó là hành vi thiếu trong sáng được. Việc kết luận mang tính áp đặt như vậy chứng tỏ cô chưa nắm được tâm lý tuổi vị thành niên; chưa tin tưởng đội ngũ cán bộ nòng cốt của lớp. Sai lầm lớn hơn: Cô đã buộc em Hoan nghỉ học ở nhà tới ba ngày để viết kiểm điểm. Dù biện minh thế nào thì việc làm này của cô vừa thiếu sự khéo léo sư phạm, ảnh hưởng đến chương trình và kết quả học của trò vừa vi phạm Luật Giáo dục. Không ai có quyền đuổi học bất cứ học sinh nào dù đó là hiệu trưởng nếu chưa có quyết định của Hội đồng kỷ luật nhà trường. Dường như cô vẫn cố tình không chịu nhận ra sai sót lớn này của mình, nên khi tiếp nhận bản kiểm điểm mang tính thanh minh hơn là nhận lỗi của Hoan, cô đã quyết định làm to chuyện, đưa chuyện của Hoan ra phê bình trước lớp. Quyết liệt hơn, cô cho lớp bỏ phiếu tín nhiệm về chức lớp trưởng của Hoan hòng dạy em và cả lớp bài học về lễ độ và sự nghiêm túc trong quan hệ nam nữ. Song thật bất ngờ, cô bị dội gáo nước lạnh khi gần như cả lớp vẫn đứng về phía Hoan. Đến đây cô thật sự lúng túng, khó xử.
Cách xử trí khôn khéo, sư phạm nhất lúc này là cô cho tạm dừng buổi họp lớp tại đây. Điềm tĩnh tôn trọng chủ kiến của lớp với điều kiện cô sẽ về suy nghĩ, tham khảo thêm ý kiến của các thầy cô bộ môn, hứa thứ 6 tới sẽ công bố quyết định. Sau đó cô sẽ nghiêm túc đọc lại Luật Giáo dục rồi tìm đến nhà gặp riêng Hoan và bố mẹ em với tinh thần thân thiện, mềm mỏng chứ không hề gay gắt như trước nữa. Trong buổi gặp này, cùng với việc nhẹ nhàng phân tích để Hoan giữ khoảng cách trong mối quan hệ đầy nhạy cảm ở tuổi mới lớn với bạn gái, ở cách nói năng thiếu lễ phép thì cô Bích Hường phải chân thành đề cao khen ngợi những mặt tốt của Hoan trong học tập và trong vai trò lớp trưởng vừa qua. Đồng thời cô cũng chân thành nhận lỗi với Hoan và bố mẹ em về sự nóng nảy của mình, đặc biệt là việc buộc em thôi học trong mấy ngày qua. Từ đó vui vẻ động viên em tiếp tục làm lớp trưởng theo ý chung của cả lớp…
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký