Thứ ba, 27/9/2016, 10h07

Chuyển mình ở vùng đất thiên nhiên bạc đãi

Trong khi chính quyền địa phương đang triển khai học tập các mô hình tưới tiêu tiết kiệm nước như công nghệ tưới nhỏ giọt của Isarel thì người nông dân vùng đất hạn Ninh Thuận cũng bắt đầu thay đổi tư duy “giữ” nước. Họ chủ động áp dụng các mô hình tưới tiêu tiết kiệm nước, hồi sinh những cánh đồng khô cằn, giúp cải thiện thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Thay đổi để tồn tại
Cây trồng chủ lực ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải là nho, táo, hành, tỏi, ớt…, trong đó, nho vẫn “chiếm lĩnh” với 154 ha, tập trung chủ yếu thôn Thái An. Từ năm 2013, nông dân nơi này chủ yếu sử dụng phương pháp tưới tràn (tưới theo lãnh). Cũng thời điểm này, trên địa bàn xảy ra hạn hán thiếu nước trầm trọng. Nhiều khu vực bị xâm nhập mặn nước phun lên làm hoa màu cháy lá, gây thiệt hại lớn. Phương pháp tưới tràn truyền thống không còn đủ nước để tưới, cho dù người dân hì hục đào ao, khoan giếng.

Ông Phạm Văn Hùng (thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) bên vườn nho xanh tươi của mình.

Giữa lúc khó khăn, Hội Nông dân xã Vĩnh Hải được tập huấn mô hình tưới nước tiết kiệm do tổ chức phi Chính phủ IDE tập huấn về tuyên truyền và vận động nông dân áp dụng và được người dân mạnh dạn hưởng ứng. 
Đến nay, khoảng 80% hộ nông dân của xã đã áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây nho. Nhờ đó, trên địa bàn xã hiện nay, những cánh đồng nho không còn đối mặt với thảm cảnh khô héo triền miên, không lo hạn hán hay thiếu nước. 
Ông Lê Văn Cảnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hải - chia sẻ, nếu áp dụng phương pháp tưới tràn dùng mô tơ 2 ngựa bơm tưới cho 1.000 m2 đất nho phải mất 2 giờ, còn áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước chỉ mất khoảng 1 giờ, nên giảm được 50% thời gian, đồng nghĩa giảm 50% lượng nước tưới và giảm 50% tiền điện. Bên cạnh đó, nếu áp dụng phương pháp tưới tràn thì người lao động phải mất 2 giờ để kéo ống nước theo từng luống, còn áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm chỉ cần mở van 1 giờ sau nước đầy là đóng van, vậy 2 giờ đó nông dân có thể làm việc khác như cột cành nho, nhổ cỏ,… tưới nước tiết kiệm còn hạn chế được cỏ dại, giảm công lao động nhổ cỏ.
Ông Phạm Văn Hùng (trú thôn Thái An, xã Vĩnh Hải) cho biết: “Trước đây, chưa hạn hán thì tôi cũng như nhiều hộ dân trong xã sử dụng phương pháp tưới tràn, những lúc đủ nước thì tưới đủ cho 9 sào nho, còn lúc nước thiếu chỉ tưới khoảng 4 - 5 sao là hết nước, lúc đó chỉ biết đứng nhìn mà xót xa cho diện tích còn lại. Những năm gần đây hạn hán xảy ra liên tục và ngày càng gay gắt, nước thiếu trầm trọng nên phương pháp tưới tràn lại càng không đủ nước. Thấy trong xã nhiều hộ tưới theo phương pháp phun mưa đỡ tốn công, giảm được lượng nước và điện mà lại đảm bảo đủ nước cho cả vườn nho nên tôi đến học hỏi về áp dụng”.
Để thực hiện mô hình này, ông Hùng đầu tư đường ống dẫn nước và béc phun mưa, van với chi phí khoảng 4 triệu đồng/sào đất, tổng cộng 9 sào thì mất khoảng gần 40 triệu đồng. Phương thức tưới cách nhật, thời gian tưới hợp lý nên không cần nhiều nước nhưng cây trồng vẫn ướt đẫm và đủ độ ẩm cho gốc. 
Ông Hùng chia sẻ thêm: “Gia đình canh tác 9 sào nho, sử dụng hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm đến hơn 50% lượng nước, 50% cùng thời gian và 90% công lao động. Nhờ hệ thống tự động, tôi chỉ mở van tổng rồi đi làm chuyện khác mà không lo thiếu nước. Mỗi năm tôi trồng 3 vụ nho với phương pháp tưới phun sương thì mỗi sào tôi lãi hơn 18 triệu đồng và mỗi vụ sau khi trừ chi phí tôi cũng lãi được hơn 150 triệu đồng (hơn 450 triệu/năm)”.
Nhân rộng mô hình cho đồng bào dân tộc
Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã có hơn 700 hộ dân lắp đặt sử dụng với các hệ thống tưới phun mưa, nhỏ giọt và phun tia trên diện tích 154,45 ha trong đó 45 ha được mở rộng sản xuất nhờ cung cấp được nước tưới.
Ông Nguyễn Văn Tính - Trưởng Ban kinh tế Hội ND tỉnh Ninh Thuận cho biết, mô hình tưới nước tiết kiệm trên đã mang lại hiệu quả đáng kể, công nghệ đã tiết kiệm được 30% công lao động, tiết kiệm từ 40 - 45% lượng nước tưới cho cây trồng, tiết kiệm 30% điện năng và hạn chế được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, năng suất tăng hơn 20% so với trước đây.
Theo ông Kiều Như Bổn - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, người dân dần dần khôi phục được nhiều vùng đất bị bỏ hoang, mở rộng diện tích canh tác trên mọi địa hình, không tốn đất để làm mương dãn nước. “Thời gian tới, Hội ND tỉnh mong muốn UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm cho vùng đồng bào dân tộc, miền núi” - ông Bổn cho hay.
Ngoài mô hình nói trên, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai học tập các mô hình tưới tiêu tiết kiệm nước khác, trong đó có mô hình tưới nhỏ giọt của Isarel. “Ninh Thuận là có điều kiện khí hậu tương tự như Israel, là cơ sở để Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ các dự án tương tự cho Ninh Thuận, cho vay vốn, chuyển giao công nghệ. Vì vậy, các ngành địa phương cần có báo cáo đánh giá cụ thể thuyết phục, làm cơ sở để UBND tỉnh tổng hợp báo cáo với WB và Chính phủ Israel xem xét hợp tác, hỗ trợ triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh” - ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay. 
Theo ông Vĩnh, để có thể áp dụng mô hình quản lý tưới và công nghệ tưới tiết kiệm của Isarel và các công nghệ mới, mô hình quản lý tiết kiệm nước khác để triển khai sử dụng trên địa bàn tỉnh, trước hết cần nâng cao nhận thức của người dân, người lao động trực tiếp sản xuất sử dụng nước tiết kiệm, biết rõ ưu điểm, nhược điểm của từng công nghệ tưới tiêu tiết kiệm, tưới phun… cũng như các mô hình quản lý tưới hiệu quả, ít nước. Bên cạnh đó, ông Vĩnh cho rằng, cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể từng loại công nghệ tưới tiết kiệm, đối với từng vùng, khi vực thổ nhưỡng đất, điều kiện địa hình, khí hậu… để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài và ảnh: Nguyên Kim/ Tin tức