Thứ năm, 26/11/2015, 22h01

Chuyện người “ươm nắng” trên rừng

Một tiết học của cô Hà và học trò theo mô hình mới

“Ngày đầu tiên nhận lớp là một ngày núi rừng ào ạt mưa. Lớp học chỉ có một học sinh, các em còn lại do nước suối dâng cao không thể đến trường. Đôi mắt cậu học trò trong veo nhìn ra màn mưa trắng xóa, trong lòng mình dâng lên niềm thương cảm, thấm thía nỗi gian truân trên hành trình tìm con chữ của con em đồng bào. Mình ở lại vì lẽ đó…”, cô giáo Nguyễn Thị Hải Hà, giáo viên bản Bù (xã Pa Nang, huyện Đakrông, Quảng Trị) - một trong 64 giáo viên tiêu biểu cắm bản tại 64 huyện nghèo cả nước bộc bạch.

1.Sinh ra và lớn lên ở làng quê Lập Thạch, thành phố Đông Hà. Tuổi thơ của Hà trải qua nhiều vất vả với nghề nông của bố mẹ. Tốt nghiệp ĐHSP Huế, năm 2008, Hà đỗ công chức tại Đakrông - một trong 64 huyện miền núi nghèo nhất nước. Quãng đường từ thành phố Đông Hà đến trung tâm xã Pa Nang 70 cây số. Đó không phải là lần đầu tiên Hà đi xa nhưng là đoạn đường đầu tiên vào nghề. Hà kể: “Những ngày đầu ở núi rừng, các gì cũng xa lạ. Đêm nằm nghe tiếng chim vọng lại thấy run”. Sau thời gian dạy học ở điểm trường chính, năm 2012, cô nhận nhiệm vụ vào bản Ngược - bản xa nhất xã với hơn 15 cây số đường rừng. “Gian nan kể răng cho hết được. Đường sá đèo dốc, trơn trượt, lại thêm những trận mưa rừng bất chợt, mình có thể bị mắc kẹt lũ rừng bất cứ lúc nào”. Chị Hà kể: “Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những ngày đầu lên nhận công tác là hôm đó cùng với sáu thầy cô giáo khác phải lên đến một con dốc cao, những bánh xe cứ quay tròn trong bùn đất nhão nhoẹt. Sáu thầy giáo vừa kéo nhích từng chiếc xe một. Khi đưa được sáu chiếc xe lên đến tận dốc thì đã nửa đêm”. “Chưa hết, ngày đầu tiên nhận lớp thì chỉ có một học sinh. Những em khác do mưa to, nước suối lên cao nên không đi học được. Tôi ngồi cùng cậu học trò trong căn phòng trống lắng nghe tiếng mưa, bần thần hiểu rằng, những gian truân, vất vả đó thường trực với các em học sinh nơi đây”.

Đêm bản Ngược là nỗi ám ảnh khó quên trong kí ức của bất kì ai từng đặt chân đến đây. “Trước khi lên Ngược, em đã từng nghe một đồng nghiệp tả về đêm ở đây nhưng khi vào đó, em mới thấm thía thế nào là đêm. Ngửa lòng bàn tay, cố căng mắt nhìn vẫn không thấy gì. Tiếng mưa lộp độp bên hiên phòng tập thể xoáy vào đêm đặc quánh. Căn phòng tập thể dựng tạm, lợp bằng những tấm tôn rách tả tơi qua mưa nắng. Một tấm rèm ngăn đôi, bên không bị mưa dột dành cho hai cô giáo, phía bên kia là giường của hai thầy giáo. Những đêm mưa to, cả bốn người lục đục tìm những mảnh tôn rách, mảnh ván để che chỗ dột. Có khi trời sáng, mưa ngớt mới bắt đầu chợp mắt”, giọng cô Hà chùng xuống. “Những ngày ấy mình càng thấm thía hơn cuộc sống khó khăn của cả giáo viên và học trò ở bản lẻ. Nhưng mình nhận ra rằng, chính trong gian khó, tình người gắn bó với nhau hơn. Những người dân dù nghèo nhưng tấm lòng thảo thơm. Hiểu được khó khăn của giáo viên cắm bản, bà con mỗi ngày đi nương rẫy về đều dừng lại ngang trường, tặng cho cô giáo bó rau dại, quả quýt rừng cùng lời hỏi thăm chân tình rất cảm động”.

2.Ở bản Ngược một năm, Hà nhận nhiệm vụ về làm Điểm trưởng bản Bù. Quãng đường rút ngắn vài cây số nhưng vất vả ngang nhau. Bù có 4 giáo viên, duy nhất thầy Nguyễn Đình Cường là nam. “Ở bản, thường xuyên đi vận động học trò tới lớp nhưng đa phần là nữ nên nhọc nhằn nhân đôi. Đến nhà dân, trước hết phải vận động phụ huynh rồi mới đến học trò. Có phụ huynh vui vẻ hợp tác nhưng cũng có không ít người buông tiếng thở dài: Mẹ chịu! Với những trường hợp như thế mình cùng đồng nghiệp phải kiên trì thuyết phục nhiều lần”, Hà nói. Với sự kiên trì và tấm lòng dành cho con trẻ, điểm trường Bù là một trong những điểm trường hoàn thành tốt công tác dạy học của Pa Nang. Hà chia sẻ: “Dù khó khăn đến đâu mình cũng luôn tâm niệm, công việc chưa hoàn thành tốt là do mình chưa xem nơi ấy là nhà. Một năm có 365 ngày thì mình có đến hơn 200 ngày cắm bản. Nếu mình xem nơi ấy là nhà của mình thì các hoạt động sẽ hoàn thành tốt”.

Hà bảo, tám năm bám bản dạy học của chị so ra chẳng thấm gì với sự hy sinh thầm lặng của những đồng nghiệp đi trước. “Cách nay hơn chục năm, con đường mòn từ trung tâm Pa Nang đi đến các bản làng như Tà Mên, Bù, Ngược… còn khó khăn hơn bây giờ nhiều. Các đồng nghiệp phải đi bộ, gùi cõng thực phẩm, giáo án trên lưng, dùng xăm lốp ô tô vượt suối… hiểm nguy luôn rình rập. Dịp giao lưu với các đồng nghiệp ở 64 huyện nghèo trên cả nước, được nghe các anh chị tâm sự về hành trình thầm lặng gieo chữ của họ, mình thấy cảm phục và tự nhủ cần phải cố gắng nhiều hơn”.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Chia tay cô trò Hà giữa buổi xế chiều, tôi thấy một vạt nắng vàng rực neo lại bản Bù, nơi lũ học trò đầu trần chân đất đang tung tăng về nhà sau buổi học ở trường - Vạt nắng tình người, vạt nắng niềm tin của người giáo viên thầm lặng ươm lên giữa chốn núi rừng trập trùng gian khó!