Thứ năm, 4/2/2016, 17h59

Chuyện nhà

Mẹ
19 tuổi, học hết trung cấp thương nghiệp mẹ theo cha về miệt quê (ngôi làng ở bìa rừng) làm dâu nhà nội. Con gái thành thị da trắng, tóc dài. 19 tuổi mẹ chưa một lần rời khỏi vòng tay của ngoại. Giận mẹ, ngoại chỉ làm mấy mâm sơ sơ báo cáo họ hàng. Không được mặc áo cưới, ôm hoa, nhưng mẹ trong ngập tràn hạnh phúc trên đường sang nhà chồng. 
Sau lễ cưới ba ngày cha trở lại đơn vị. Cuộc sống của mẹ sang trang mới. Những chuyến đi rừng dài ngày cùng những đêm dài mong ngóng tin chồng đã dần rút tuổi xuân của mẹ. Ngày chị Hai chào đời, mẹ ôm con nước mắt tràn mi. Nội đã già, thương dâu vò võ, nội bao lần khuyên mẹ trở về với ngoại. Nội lo lắng “chẳng biết rồi con trai nội có ngày quay lại”. Mẹ đã khóc xin được ở vậy nuôi con và chăm sóc nội - vì mẹ tin vào tình yêu của cha, tin có ngày đoàn tụ. 8 năm biền biệt, không tin tức, cha bất ngờ về. Đó là một đêm tranh thủ đơn vị hành quân qua làng. Giữa khuya, chị Hai được mẹ đánh thức, dưới ánh đèn dầu leo lét, cha con nhận nhau. Cha lại vội vã ra đi. Mẹ phát hiện mình cấn thai, là chuỗi ngày cơ cực mẹ phải sống trong sự ghẻ lạnh của xóm làng. Những lời thanh minh của nội cùng những lời con trẻ rằng mình đã gặp ba cũng không ngăn được những câu chuyện thêu dệt và lời đồn thổi ác ý về sự đoan trang của mẹ.
Nội mất, lo tang lễ xong, mẹ dẫn chị Hai ẩn sâu hơn vào rừng chờ ngày sinh nở. Tôi và em gái chào đời, mẹ vượt cạn sinh đôi chỉ có chị Hai trợ giúp. Để có được sự no ấm cho ba chị em tôi mẹ đã phải đánh đổi nước da trắng ngần, mái tóc sóng dài cùng cặp mắt to đen lóng - một thời thiếu nữ xinh tươi của mẹ - thành cơm gạo, áo quần. Bằng bàn tay mẹ chai sạn sần sùi, những nếp nhăn hằn trên trán. Ngày giải phóng, bộ đội tràn ngập đường, nhà nhà đoàn tụ. Chiều chiều, mẹ lại thẫn thờ ra hàng gạo đầu làng mong ngóng tin cha. Chiều, mây trôi bàng bạc che dần những khoảng xanh thăm thẳm, hoa gạo rải đầy đỏ rực cả con đường. Mẹ lầm lũi quay về, nhưng ý chí mẹ vẫn kiên định rằng “cha các con còn sống”. 
Cha về nhà, niềm tin của mẹ đã thành hiện thực. Cũng là năm tôi và em gái lên 7 tuổi, chị Hai 15 tuổi đã thành thiếu nữ. Bà con chòm xóm đến chung vui mừng cha trở về nguyên vẹn chật cả sân. Tôi và em gái mừng vui khôn xiết, chẳng phải vì cảm giác sung sướng được gặp cha mà vì lần đầu tiên nhà tôi có nhiều người lạ đến chơi. Chị Hai, không nói cũng chẳng cười, chỉ lẳng lặng giúp mẹ tiếp khách. Mẹ líu ríu, hết cười nói huyên thuyên, rồi lại khóc. Cha không có thời gian quan tâm đến sự hiện diện của chị em tôi. Đã qua giờ cơm tối rất lâu, nhà vẫn còn khách ra vô, không chịu nổi cơn buồn ngủ chị em tôi thiếp đi lúc nào không hay. Tỉnh dậy nghe tiếng mẹ khóc thút thít rồi nức nở, giọng cha to, rõ ràng: “Tôi xin cô, đừng níu kéo vì mình xa nhau quá lâu nên tôi không còn tình cảm nữa. Với lại tôi đã sống với người ta có con trai 6 tuổi rồi. Con trai tôi làm sao tôi bỏ được”. Giọng mẹ van nài: “Xin anh nghĩ tới mấy đứa nhỏ, từ khi chào đời, giờ mới biết mặt cha”. Cha gằn giọng: “Ba đứa con gái nó sẽ đi lấy chồng, ai là người giữ chân nhang cho dòng họ nhà tôi. Cô cố hiểu mà thông cảm cho. Tôi quay về là vì còn nghĩ tới cái tình để cô biết, cô không phải chờ đợi”. Chị choàng dậy đấm tay lên tường một tiếng rầm khô khốc, máu loang lổ bàn tay. Tôi thấy cổ họng mình khô ngắt. Cha lại ra đi. Mẹ lại những ngày dài lê thê lặng lẽ.
Ngôi làng bìa rừng giờ đã là khu thị tứ vùng biên sầm uất. Trên nền nhà tranh vách đất nơi tôi sinh, nhờ sự khéo léo của mẹ và tài sắc của chị Hai giờ biến thành khách sạn và nhà hàng cao cấp. 
Chị
Chị học văn, ra trường được mẹ lo vào làm ở sở giáo dục tỉnh nhà. Lương thấp, nhưng với mẹ, chị đi làm chỉ để cho vui, để thêm tiếng tăm kinh doanh của mẹ. Mẹ cân đo vài mối con nhà quan nơi phố huyện để kén chồng cho chị. 
Chị gặp anh qua những lần tiếp nhà báo của sở. Tiếng đàn guitar réo rắt đã mê hoặc chị. Bỏ mặc những lời can ngăn của mẹ và sự thương nhớ hai đứa em, chị quyết khăn gói theo anh về Sài Gòn. Chị thông minh xinh đẹp nên nhanh chóng hòa nhập và cũng tập tành theo chồng viết báo. Việc ở tòa soạn chiếm nhiều thời gian, nhưng chị vẫn luôn lo chu toàn bổn phận làm dâu. Khác với tính cách nhẹ nhàng của chị, gia đình anh buôn bán, những lời chị nói ra luôn bị gia đình coi là lên lớp, dạy đời. Không biết bao nhiêu lần chị nuốt nước mắt chịu những câu mỉa mai, hành hạ của mẹ chồng. Điều chị đau đớn hơn là anh, luôn thờ ơ với mối quan hệ không thuận hòa của mẹ chồng nàng dâu. Anh đã có gia đình nhưng thường xuyên vắng nhà, lấy cớ đi công tác để bù khú bạn bè và thỏa mãn bàn chân vốn quen rong ruổi. Ngày chị sinh bé gái đầu lòng, tòa soạn anh làm việc ngay đầu con phố, tới ngày thứ ba anh mới ghé qua. Chị nhẹ nhàng, “anh bận chi mà giờ mới tới nhìn con”. Anh buông thõng: “Đẻ thôi mà, có gì quan trọng”. Chị nghẹn lòng, u uất những ngày dài. Ngày chị sinh bé thứ hai, anh tuyên bố: “Cô đẻ thì cô nuôi, đừng làm phiền vì tôi không thích trẻ con”. Anh như con ngựa bất kham, không người giữ dây cương, triền miên trong những bữa nhậu, hát ca và luôn về nhà giữa đêm khuya. Con đau bệnh chị ngược xuôi một mình. Chẳng phải vì anh ghét chị, ghét con mà vì anh thích tự do. Tôi hay nói vui với chị, chắc tại chị giống mẹ sinh con một bề nên không giữ được trai trong nhà. Chị tới kiếm tôi, trong căn gác trọ, chị ôm gối khóc ròng ba ngày rồi quyết định nộp đơn ra tòa. Chị nói: Chị chấp nhận anh lạnh nhạt với chị nhưng không thể như thế với con. Thường xuyên chị chứng kiến cảnh hai bé lon ton chạy lại ôm chân khoe phiếu bé ngoan. Không một lần ân cần, anh luôn quát chúng tránh xa cho anh ngủ… Chia tay anh, chị bán nhà vì muốn đoạn tuyệt với những ngày tháng u buồn, nhưng tôi biết chị còn nặng lòng với anh. Chị khư khư ôm cây đàn guitar, nâng niu hơn cả báu vật. Chị cười buồn: Tình yêu của chị chỉ còn nhiêu đó.
Một mình chị lại tất tả ngược xuôi giữa thành phố không người quen (ngoài đứa em gái đang là sinh viên là tôi). Bé lớn hơn ba tuổi, bé nhỏ hai tuổi, sáng sớm chị chở con đến trường, chiều hai chị em tự chơi trong trường, tối mịt chị mới kịp về rước. Thương cháu, tôi có nhã ý về ở chung phụ giúp chị, chị gạt phăng nói tôi cứ lo tập trung học, chỉ cuối tuần mới cho tôi tới để chị nấu món ngon bồi dưỡng. Tính “sĩ diện” chị là thế, không muốn phiền đến ai, chị từ chối mọi sự giúp đỡ kể cả của mẹ. Nhưng mỗi chiều đón con khi nào chị cũng mang theo bọc quà nói là của ba chúng gửi. 
Một buổi, chị đưa con đi coi phim Vua sư tử. Trước cảnh cảm động, bé nhỏ khóc nói thương nhớ ba, giá như có ba cùng coi. Gần 10 năm, lúc đầu chị né tránh, rồi cố tình tìm kiếm nhưng chưa một lần chạm anh, trái đất tròn nhưng lại không tròn với chị. Chị bắt đầu “truy lùng” ba cho hai đứa nhỏ. Hẹn mãi anh cũng nhận lời gặp con. Qua cả giờ cơm trưa, chiều buông cũng không thấy bóng anh, lần một rồi lần hai, đến lần thứ ba thì con chị tuyên bố: Chúng con không cần gặp ba nữa, mẹ cũng đừng tốn tiền mua quà cho tụi con rồi lại nói dối của ba. Chị ôm con mà không ngăn được dòng nước mắt…
Bé lớn nhận học bổng du học toàn phần. Nó mới 16 tuổi chị chưa muốn nó xa vòng tay của chị nhưng vì tương lai con, chị đành dằn lòng để con đi mở mang kiến thức. Căn nhà 30m2 quen có tiếng cười của nó. Nó đi chị sốc nặng, vật vờ hơn cả những ngày chia tay anh. Rồi bé thứ hai cũng nhận học bổng, nó rụt rè hỏi ý chị thế nào. Chị suy sụp nhưng không vì giữ riêng cho mình để đánh mất tương lai của con. Chị đành buông tay. Hai đứa đi rồi, căn nhà vốn thường ngày chật chội giờ rộng thênh, vắng lặng. Chị lao vào làm việc, sợ những ngày cuối tuần và những ngày lễ tết. Nước Mỹ không là thiên đường của chị. Muốn qua thăm con cũng khó vì “tiền đâu?”. Chị lại những ngày lấy công việc làm vui.
Em gái
Nó là một đứa con gái thông minh, xinh đẹp nhưng ngỗ nghịch. Nó luôn sống đơn giản vì “cuộc sống có bi nhiêu mà hững hờ” nên không lưu lại thứ gì lâu quá 5 phút trong đầu. Hòa nhập nhanh với cuộc sống đô thị hóa, nó thuộc nằm lòng những vũ trường của phố huyện, theo đám bạn đua xe, biết bao trận mẹ khóc ròng trước đồn công an. Mặt nó ráo hoảnh, hứa rồi lại tái phạm. Có lẽ do lúc mang bầu mẹ mong con trai nên chào đời nó đã khóc vang cả vạt rừng. Lớn lên chưa một lần mặc váy hay cột nơ. Trèo cây, bắn bi, mẹ sử dụng nó như một thằng con trai trong gia đình từ lợp lại mái nhà dột đến cả xây chuồng nuôi heo. Chưa hết lớp 10 nó tuyên bố nghỉ học coi xe, “bảo kê” cho nhà hàng của mẹ. Đúng ngày sinh nhật lần thứ 18, nó dẫn về người đàn ông cao ngồng, mắt xanh biếc - kết quả cuộc tình chớp nhoáng của những lần quay cuồng trong vũ trường. Nó hùng hồn tuyên bố kết hôn với người này và tếch về trời Tây sinh sống. Mẹ quyết liệt phản đối vì lo nó chưa hiểu về “gia cảnh” của người ta, lại bất đồng ngôn ngữ. Nó tặc lưỡi mẹ khéo lo tới đâu hay tới đó. Không hợp thì alê hấp - lên đường. Từ ngày có “bồ Tây” nó siêng hẳn, tối nào cũng cắp cặp tới trung tâm ngoại ngữ. Những bữa cơm gia đình nhờ có con rể Tây tương lai cũng vui hơn, như sân khấu tấu hài, hết hét lại ra dấu. Đám cưới nó to và khác biệt nhất làng vì có cả cha mẹ chồng và bạn bè bên Tây qua dự. Mẹ vui vẻ tiễn nó ra phi trường và cầu chúc cho nó hạnh phúc.
Và tôi
Tôi là đứa con gái luôn khiến mẹ hãnh diện, 12 năm liền là học sinh giỏi, tốt nghiệp đại học cầm tấm bằng đỏ trong tay tôi quyết ở lại thành phố, long đong kiếm tìm việc. Đằng đẵng 2 năm thất nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp. Tôi quyết định lấy chồng bỏ thành phố về quê anh lập nghiệp. Gia cảnh chồng tôi tốt, có mối quan hệ rộng nên tôi được dạy ở trường cao đẳng của tỉnh. Chúng tôi học chung đại học nhưng ra trường anh không đi dạy mà về mở công ty. Mẹ hài lòng mãn nguyện về tôi. 
Yêu nhau bốn năm đại học, ra trường hai năm mới kết hôn. Tôi cứ tưởng rằng đã hiểu hết anh vì cùng trải qua những ngày khốn khó thời sinh viên. Về chung sống, chồng tôi hoàn toàn lột xác. Anh gia trưởng, luôn áp đặt tôi nhất nhất theo anh mọi thứ. Thờ ơ với tất cả ý kiến của tôi. Lúc yêu nhau chỉ cần đưa mắt anh đã hiểu tôi muốn gì. Những ngày tôi đau nằm trong gác trọ, anh bón cho tôi từng muỗng cháo. Giờ anh làm việc ngày đêm nhưng kiếm tiền chỉ để thỏa mãn niềm đam mê riêng. Nhà biệt thự vườn, những vật dụng toàn là đồ gỗ cao cấp, nhưng mẹ con tôi chưa một lần được sử dụng đồng tiền anh làm ra. Mọi sinh hoạt chi phí hằng ngày với đồng lương giáo viên ít ỏi tôi phải ráng chi tiêu cho đủ. 
Cuộc sống của tôi là vậy, không chỉ là niềm tự hào của mẹ, tôi còn luôn bị đồng nghiệp ganh tỵ hoặc ước ao có được cuộc sống như tôi đang sống. Anh không thích những mối quan hệ của vợ, kể cả những người bạn học. Những lúc công việc không thuận lợi anh lại trút lên tôi những lời mạt sát và trận đòn vô cớ. Tôi quyết định chia tay, anh có điều kiện kinh tế hơn nên được quyền nuôi con. Tôi về lại thành phố học cao học và kiếm việc làm thêm. Cuối tuần tôi về thăm con, gặp ngày anh vui tôi mới được chơi với con, còn không chỉ biết đứng từ ngõ nhìn trộm vào nhà trong vô vọng...
Hoàn thành cao học, phần vì nhớ thương con, phần vì muốn xây dựng lại cuộc sống trên sự thất bại của chính mình nên khi anh đặt vấn đề quay lại, tôi đồng ý. Bản chất con người không dễ gì thay đổi, tôi và anh lại sống những ngày tháng cũ. Còn hơn một ô-sin, ngoài chăm sóc con tôi còn phải phục vụ chồng và nuôi anh bằng chính đồng tiền tôi kiếm được. Hiểu được bản chất yếu mềm và sự nhu nhược của tôi nên anh đã chà đạp lên sự thành ý muốn xây dựng lại cuộc sống gia đình, anh thường xuyên đưa các cô nhân tình về và thị uy tôi trước sự chứng kiến của họ. Tôi chua chát nhận ra rằng, anh cần tôi không phải vì anh còn tình cảm hay đã thay đổi mà anh cần tôi về chăm con để anh rảnh rang vui thú bên ngoài. Chấp nhận sự thất bại lần hai, tôi nhanh chóng trốn chạy khỏi ngôi nhà hạnh phúc ảo.
Đoạn kết
Sau ngày em gái theo chồng, mẹ đã bán nhà hàng, khách sạn và mua một khu vườn. Hằng ngày mẹ vui tuổi già với vườn hoa, cây trái. Mai trong vườn Tết này rực rỡ hơn vì năm nay là Tết sau 15 năm đại gia đình của mẹ được sum vầy. Hai bé con của chị gái dẫn người yêu về ra mắt ngoại. Con trai tôi mới nhận học bổng du học tại New Zealand và quan trọng hơn Tết này là Tết thứ 15 mẹ gặp lại con gái Út và cháu ngoại chỉ mới biết mặt qua internet.
Song Nguyên Đức