Thứ năm, 21/9/2017, 20h55

“Chuyện” trang phục của giáo viên

Nhân đọc bài “Tôn vinh vẻ đẹp áo dài của dân tộc” (ngày 20-9), tôi mạn phép có vài ý kiến đề cập đến chuyện trang phục của giáo viên.

Trong nhà trường, giáo viên (GV) không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là tấm gương cho học sinh (HS) noi theo trên nhiều lĩnh vực, từ cách giao tiếp, ứng xử đến cách ăn mặc… Trong đó, trang phục đến trường của mỗi GV có thể xem như một loại “giáo cụ trực quan” tác động không nhỏ tới suy nghĩ, nhận thức của HS về hình ảnh thầy cô của mình.

Hiện nay, phần lớn GV ở nhiều trường học vẫn còn khá “tự do” trong việc lựa chọn trang phục khi tới trường. Việc mặc đồng phục chỉ thực hiện trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm… Có một số trường đưa ra quy định GV thực hiện đồng phục tới trường vào ngày thứ 2 đầu tuần. Song, do nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc Ban giám hiệu, Công đoàn trường không thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nên hầu như chỉ thực hiện được thời gian đầu rồi đâu lại vào đấy. Do không thực hiện đồng phục thường xuyên, hiên nay, phần lớn GV đến trường với trang phục riêng, mỗi người mỗi vẻ. Đã xuất hiện những lời phàn nàn về sự thiếu cẩn trọng trong việc lựa chọn trang phục khi đến trường của một số GV trẻ hiện nay (nhất là trang phục của một số GV nữ). Sự dễ dãi, tùy tiện trong cách ăn mặc ấy không chỉ làm ảnh hưởng tới tính chất mô phạm của môi trường sư phạm mà còn tác động tiêu cực tới suy nghĩ của HS về hình ảnh thầy cô của mình.

Thiết nghĩ, khi điều kiện vật chất hiện nay đã được cải thiện đáng kể, ngành giáo dục nói chung và các nhà trường nói riêng cần có sự quan tâm hơn tới việc thực hiện đồng phục khi đến trường của GV. Nếu chưa có điều kiện thực hiện đồng phục thì Ban giám hiệu, Công đoàn trường cần thường xuyên nhắc nhở, quán triệt GV chú ý hơn trong việc lựa chọn những bộ trang phục phù hợp khi đến trường. Bởi xét cho cùng, người GV phải là tấm gương về mọi mặt để HS noi theo. Việc thực hiện đồng phục đối với GV và HS phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của mỗi nhà trường là góp phần xây dựng môi trường học đường mô phạm và thân thiện.

Bùi Minh Tun (Ngh An)