Thứ tư, 28/10/2015, 09h30

Chuyển trường chuyên biệt về trung tâm: Thay đổi quan điểm hòa nhập cho trẻ khuyết tật

Giờ học tâm vận động của cô trò một trường chuyên biệt tại quận 1

Chuyển đổi các trường chuyên biệt sang trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập là những hoạt động được ngành giáo dục TP đang tập trung thực hiện. Đây sẽ là nơi phát hiện, chẩn đoán, can thiệp sớm, hỗ trợ giáo dục hòa nhập sớm... cho nhiều học sinh khuyết tật (HSKT)…

Tổng số trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập hiện nay là 27 đơn vị, trong đó có 17 trường công lập, 8 trường tư thục, dân lập. Năm học 2015-2016, ngành GD-ĐT TP sẽ hoàn thành chuyển đổi 2 trường giáo dục chuyên biệt (GDCB) Rạng Đông (H.Bình Chánh) và Trường chuyên biệt Hướng Dương (Q.Tân Bình) thành trung tâm. Tiến đến, từ năm 2016 đến năm 2020, sẽ thực hiện 3 trường GDCB Hy Vọng (Q.Gò Vấp), GDCB Thảo Điền (Q.2) và Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu (Q.10). Đây là những trường đáp ứng các điều kiện giáo dục, giảng dạy, cơ sở vật chất, đội ngũ GV, nhân viên. Riêng những trường khác thực hiện theo khả năng của mình, từng bước chuyển đổi, kể cả các trường ngoài công lập và sẽ không còn, không thành lập trường chuyên biệt nữa.

Bà Phạm Thị Phước - Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình - cho rằng việc chuyển đổi sẽ mở rộng cánh cửa hòa nhập cho HSKT khi mà hoạt động của trung tâm là phát hiện khuyết tật, thực hiện biện pháp can thiệp sớm qua đó tư vấn tâm lý, sức khỏe, giáo dục, hướng nghiệp cũng như hỗ trợ trẻ khuyết tật tại gia đình, cơ sở giáo dục và cộng đồng...

Đối với các trường GDCB hiện nay, nhiệm vụ chính là GDCB, tập trung giảng dạy cho HSKT, chưa đủ khả năng thực hiện công tác phát hiện, chẩn đoán, đánh giá, can thiệp. Nguyên nhân do GV chưa có nghiệp vụ chuyên môn sâu theo dạng tật, việc phát hiện sớm các vấn đề chưa kịp thời để đưa ra những phương hướng giáo dục phù hợp. Ông Nguyễn Thanh Tâm - Phó trưởng ban chỉ đạo giáo dục khuyết tật - trẻ em có hoàn cảnh khó khăn TP.HCM - chia sẻ: Với những khó khăn, hạn chế của trường chuyên biệt vô tình làm mất đi cơ hội hòa nhập sớm ở một số em có khả năng hòa nhập. “Việc chuyển đổi sang trung tâm không chỉ mở rộng cánh cửa mà còn thay đổi quan điểm hòa nhập. Trước đây yêu cầu đứa nhỏ trước khi hòa nhập phải vào trường chuyên biệt, trải qua quá trình chuẩn bị đầy đủ kỹ năng... Nhưng với sự chuyển đổi, đứa trẻ có thể từ nhà đi ra hòa nhập mà không cần phải vào trường chuyên biệt bởi các em đã được sự hỗ trợ từ trung tâm rồi...”, ông Tâm cho biết.

Ngoài chức năng nhiệm vụ trên, trung tâm còn cung cấp những nội dung, thiết bị, tài liệu dạy học đặc thù, phù hợp với từng dạng tật, mức độ khuyết tật của HS; bồi dưỡng phương pháp, chuyển giao công nghệ giáo dục khuyết tật cho GV, cán bộ quản lý, những người có liên quan cũng như cử người đến trường hòa nhập để hỗ trợ cho GV hòa nhập. Đặc biệt, trung tâm còn là nơi hòa nhập cho trẻ em dưới 16 tuổi, là người dân tộc thiểu số chưa biết tiếng Việt, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, lang thang đường phố.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc