Thứ năm, 12/11/2015, 22h33

Chuyện về một “Hiệp sĩ tình nguyện”

Anh Toán chia sẻ yêu thương cho những người kém may mắn như mình

Cất tiếng khóc chào đời, anh không được vẹn tròn thân thể như bao đứa trẻ khác. Dù khiếm khuyết về thân thể, trái tim anh vẫn luôn đầy đặn bởi tình yêu thương, sự sẻ chia của anh dành cho những người đồng cảnh ngộ… Anh là Lê Quang Toán, SN 1979, trú phường Bắc Lý, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Vượt qua nỗi đau

Nhắc đến Lê Quang Toán, nhiều người gọi anh bằng cái tên đầy trìu mến: “Hiệp sĩ tình nguyện”! Hành trình chia sẻ yêu thương của anh để trở thành thành viên thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình là một câu chuyện cảm động và mến phục. Cất tiếng khóc chào đời, Toán đã kém may hơn so với bao đứa trẻ bình thường khác. Thân thể anh gầy gò, thiếu cân đối. Tuổi thơ của anh phải trải qua những ngày tháng khó khăn đầy nước mắt. Năm lên 10 tuổi, thấy bạn bè tới trường, Toán cũng đòi đi học. Ba mẹ anh ngậm ngùi nuốt nước mắt, tới trường xin cho con nhập học nhưng khi nhìn thấy một đứa trẻ khiếm khuyết, cô giáo lại lắc đầu. Thương con, bố mẹ anh nằn nì mãi, cuối cùng cô giáo gật đầu. Mỗi ngày, Toán đều phải tự đến trường. Đôi tay lóng ngóng vì co cơ khiến các nét chữ của anh không thể nào uốn cong được. Anh trở thành tâm điểm trêu chọc của bạn bè. Nhiều lúc muốn bỏ cuộc, anh lại được ba mẹ động viên tiếp tục tới lớp. Rồi bằng sự nỗ lực của mình, anh hoàn thành chương trình THPT và tiếp tục hoàn thành khóa học trung cấp tin học tại Trường Trung cấp Kỹ thuật công nông nghiệp Quảng Bình. “Mình nghĩ dừng lại ở đó chắc khó xin được việc nên mình tiếp tục đăng ký học tiếp ngành công nghệ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội để hoàn thiện kỹ năng của mình”, anh bộc bạch.

Tốt nghiệp ĐH, Toán không chọn cho mình một việc làm ổn định với mức thu nhập cao như bao nhiêu người khác. Anh lặng lẽ về quê, chọn con đường đi riêng để giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. “Hơn ai hết, mình hiểu được những khó khăn, vất vả của những người cùng cảnh. Vì vậy mình luôn mong muốn được giúp đỡ, động viên họ cùng vươn lên hòa nhập”, anh trải lòng. Một lần tình cờ thấy có diễn đàn Quảng Bình Online - nơi gặp gỡ của những người trẻ tuổi hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. Anh không ngần ngại đăng ký tham gia. Từ đó, hễ biết bất cứ ai gặp khó khăn, dù ở đâu, xa hay gần, anh đều cùng những cộng sự của mình lên kế hoạch khảo sát, rồi viết thư ngỏ xin tài trợ và lên đường giúp đỡ họ. Bất kể nắng mưa, trên chiếc xe cà tàng, anh rong ruổi khắp mọi nẻo đường, làm cầu nối cho nhiều cá nhân, tổ chức từ thiện đến với những phận đời kém may. Đôi chân run nhưng nghị lực vững vàng. Anh bảo: “Có những ngày, mình đi bộ 4, 5 cây số đường rừng, vào các bản làng trao quà cho bà con. Mệt lắm, nhưng nghĩ việc làm của mình giúp đỡ, chia sẻ phần nào cho người tật nguyền, khó khăn, lòng mình lại thấy vui”.

Hơn 10 năm làm thiện nguyện, anh đã làm cầu nối những nhịp cầu nhân ái khắp trong và ngoài nước đến với người khó khăn ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hà Giang, Thái Nguyên, Thái Bình… Với nỗ lực đó, anh vinh dự nhận nhiều phần thưởng quý giá: Giải thưởng Chim én; giải thưởng “Tình nguyện quốc gia 2012” do Liên Hiệp Quốc và Trung ương Đoàn bình chọn; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Người khuyết tật…

Cho đi là nhận lại

Toán bảo, cuộc sống nếu mình cho đi thì sẽ nhận lại nhiều hơn thế. Anh chỉ tay lên bức hình cưới tràn ngập hạnh phúc của mình. Chính trên bước đường thiện nguyện, mình đã tìm được hạnh phúc riêng tư. Đó là vào năm 2012, anh gặp và nên duyên với chị Lê Thị Minh Thư, quê ở Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Thư là một cô gái dễ mến, nhân viên một quầy thuốc tại TP.Đồng Hới. Họ gặp nhau, qua vài lần tiếp xúc trò chuyện trên con đường nhỏ trở về nhà trọ. Rồi họ cảm mến và trao cho nhau niềm tin. Vượt qua nhiều rào cản từ gia đình, họ hàng, mặc cảm của bản thân, một đám cưới được tổ chức đầm ấm. “Dù anh ấy khiếm khuyết về thân thể nhưng ở bên anh ấy, mình cảm giác được yêu thương, được che chở và bình yên”, Thư trải lòng. Toán nắm chặt tay vợ, nói thêm: “Mình biết, cuộc sống trước mắt của vợ chồng mình còn nhiều khó khăn phải đối mặt nhưng mình tin, mọi thứ đều có thể vượt qua được, chỉ cần có nghị lực và niềm tin trao cho nhau, cho cuộc sống này!”.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hơn 10 năm làm thiện nguyện, anh Toán đã làm cầu nối những nhịp cầu nhân ái khắp trong và ngoài nước đến với người khó khăn ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hà Giang, Thái Nguyên, Thái Bình… Với nỗ lực đó, anh vinh dự nhận nhiều phần thưởng quý giá: Giải thưởng Chim én; giải thưởng “Tình nguyện quốc gia 2012” do Liên Hiệp Quốc và Trung ương Đoàn bình chọn; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Người khuyết tật…