Thứ ba, 16/8/2016, 22h19

“Có bà xã, tôi vượt qua tất cả!”

PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên và vợ

Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên, nguyên là Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Gần 40 năm giảng dạy với nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, sự  thành công của thầy hôm nay không thể không nhắc đến phu nhân của thầy - cô Nguyễn Thị Minh Hạnh.

Thời còn trẻ cho đến bây giờ, dường như cuộc đời của thầy luôn gắn với những chuyến đi xa. Hiện nay cũng thế, những chuyến đi công tác, giảng dạy hay nghiên cứu khoa học càng dài ra. Khi chúng tôi hỏi: “Điều gì đã giúp cho thầy có được động lực làm việc và nghiên cứu “sung mãn” đến như vậy?”, thầy trả lời: “Đó là thầy có một gia đình vững chắc, với một người vợ đảm đang biết hy sinh cho chồng con”. Vợ thầy, cô Nguyễn Thị Minh Hạnh công tác ở Công ty Thiết bị giáo dục của Bộ GD-ĐT hơn 35 năm cho đến tuổi nghỉ hưu, là người đồng hành và chia sẻ với thầy trong việc chăm sóc con cái và việc nhà khi thầy phải đi học nhiều năm ở nước ngoài, cũng như công tác cơ quan bận rộn. Theo cô Hạnh, làm vợ của thầy phải giỏi “chịu đựng” một chút. Chữ “chịu đựng” ở đây được hiểu theo hướng tích cực. Đơn giản, bởi do công việc, thầy đi công tác liên miên, cả trong nước lẫn ngoài nước. Cô thường bảo: “Ông ấy là người của công chúng, của xã hội mà”. Tuy nhiên, thầy luôn có mặt tại nhà những thời khắc mọi người cần thầy nhất.

Thầy có hai người con trai, anh lớn là Quế Sơn làm nhiếp ảnh gia và quay phim, người thứ hai là anh Hoàng Sơn, thạc sĩ địa chất hiện công tác tại Trung tâm Tìm kiếm và thăm dò dầu khí, thuộc Viện Dầu khí Việt Nam.

Với các con, thầy cô cũng rất thoáng, không hài lòng điều gì là ngồi vào cùng trao đổi với nhau, việc hướng nghề nghiệp cũng thế, dựa vào khả năng tùy theo cá tính và sở thích của mỗi người con mà hướng việc chọn nghề nghiệp cho tương lai. Cho đến bây giờ, thầy cô thật sự hạnh phúc khi nhìn thấy các con nên người, nghề nghiệp ổn định và là công dân tốt của xã hội…

Mấy chục năm chung sống với nhau, thầy cô đã xây dựng được một mái ấm rất vững chắc. “Hạnh phúc là phải có đấu tranh, góp phần xây dựng nhau. Khi có những bất đồng, quan trọng nhất là phải biết cách giải quyết sao cho hợp tình, hợp lý. Hạnh phúc gia đình phải do chính mình tạo ra và phải biết cách giữ gìn nó. Quan niệm của chúng tôi là muốn xây dựng xã hội tốt đẹp thì trước hết phải xây dựng gia đình với những chuẩn mực đạo đức nhất định: trên thuận dưới hòa, con ngoan trò giỏi, kính trên nhường dưới. Có như thế, gia đình mới làm tròn nhiệm vụ và cung cấp cho xã hội những hạt nhân tốt, những chủ nhân tương lai của đất nước…” - thầy cô bật mí như thế!

Liên tục nhiều năm liền, gia đình thầy được bình chọn là gia đình nhà giáo văn hóa cấp thành phố.

Bài, ảnh: Phiêu Linh