Thứ bảy, 27/2/2010, 16h02

Cô bí thư đoàn mê... lội ruộng

Tìm cô bí thư xã đoàn Nguyễn Thị Diệu Hiền ở nhà không có, vậy mà ra đồng lại gặp. Làm bí thư xã đoàn nhưng Hiền bảo ruộng lúa mới chính là nơi gắn bó nhiều nhất. Nơi Hiền ở là xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Lúc nào cũng thấy Diệu Hiền trên đồng ruộng - Ảnh: THÙY TRANG
Về với ruộng đồng
Giúp nhà nông có kiến thức và tiết kiệm
Hiền còn giúp dân tiết kiệm chi phí sản xuất 10-15% nhờ hướng dẫn bà con biết chọn đúng loại thuốc bảo vệ thực vật cây lúa, không mua quá nhiều loại cùng một tính chất trộn vào nhau để phun, tốn kém mà không tăng hiệu quả. Đó cũng là thói quen “hao của” của nông dân mà Hiền làm cho họ thấy được.
Là một đảng viên trẻ lại là bí thư xã đoàn, Hiền còn triển khai sâu rộng các hoạt động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, vận động nuôi heo đất giúp người nghèo, đoàn viên góp sức xây dựng, sửa chữa đường nông thôn, chăm lo đời sống tinh thần cho thanh thiếu niên...
“Mưa đột ngột hai ngày nên lúa đông xuân dễ bị bệnh đạo ôn lắm. Thăm đồng để hướng dẫn bà con phát hiện sớm phun thuốc trị mới có kết quả” - Hiền nói.
Thân hình nhỏ nhắn, mái tóc buộc cao gọn gàng cùng đôi mắt sáng thông minh, có vẻ thẹn thùng khi được hỏi về mình nhưng thành tích cô bí thư xã đoàn có được rất đáng khâm phục. Vừa qua Nguyễn Thị Diệu Hiền là một trong 75 điển hình được tuyên dương là “Những tập thể và cá nhân điển hình làm theo lời Bác” của 13 tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ.
Vừa làm công tác Đoàn, vừa là “chân yếu tay mềm” nhưng Hiền luôn lặn lội tới vùng sâu vùng xa giúp nông dân kiểm tra, dự báo, phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Làm sao cho nông dân xã mình làm nông nghiệp không thua những xã khác là điều Hiền canh cánh. Chuyện đó đeo đuổi Hiền từ khi còn học đại học. Thế nên vừa nhận bằng kỹ sư nông nghiệp Hiền liền trở về quê nhà xung phong về xã làm công tác bảo vệ thực vật.
Khi mới về nhận công tác, Hiền gặp nhiều khó khăn. Lần đầu tiên tư vấn cho địa bàn 6 ấp, “nông dân ở đây không tin một người trẻ như mình lại có thể làm được việc”. Hiền kể: “Còn nhớ lúc mới về làm việc được một tuần tôi đã ra đứng lớp dạy nông dân cách phòng trừ sâu bệnh, có người bắt bẻ hỏi khó, bối rối không biết trả lời ra sao, họ chê mình dữ lắm!”.
Vì kiến thức bên ngoài và kiến thức ở trường không giống nhau nên Hiền phải tự mày mò học hỏi thêm từ sách vở và thực tế. Mỗi lần xuống với dân Hiền lại học được thêm những kinh nghiệm quý báu. Hiện nay công việc ruộng đồng như: bón phân, xịt thuốc, ngăn ngừa sâu bệnh cho mỗi vụ lúa Hiền đều làm tốt...
Cánh đồng mênh mông bạt ngàn của xã Hiếu Thuận giờ đây phủ một màu xanh mướt, cây lúa tốt tươi, bà con phấn khởi có một phần công sức của Hiền.
Không ngừng sáng tạo
Nông dân Lê Văn Trưởng, ấp Nghĩa Thạnh cho biết: “Từ hồi có kỹ sư Hiền về, ruộng đồng bớt xảy ra dịch rầy, đạo ôn. Cũng nhờ kỹ sư Hiền chỉ vẽ nên nông dân chúng tôi biết nhận dạng và dự đoán bệnh trên lúa”. Có lần huyện Vũng Liêm gọi Hiền về làm công tác ở huyện, nhưng gắn bó với bà con ở xã đã quen nên Hiền không nỡ đi. “Tôi cũng xuất thân từ nông dân nên rất hiểu nỗi cơ cực của nông dân. Thấy họ ít có điều kiện tiếp xúc với trình độ khoa học kỹ thuật nên thiệt thòi. Mình có được kiến thức thì về giúp dân quê mình là đúng nhất!” - bạn tâm sự. Hiền còn kể có lần vừa đến cơ quan đã thấy 4-5 nông dân đang đợi mình. Họ lấy trong túi ra mấy cọng lúa đã khô nhờ tư vấn. Đáng nói là họ đến từ xã khác. Điều đó làm Hiền cảm thấy vui lắm.
Hiền có sáng kiến mà hiện nay nhiều bà con ở đây áp dụng, đó là ruộng mẫu để chủ động phát hiện dịch bệnh trên lúa. Sạ lúa trên liếp vài ba thước vuông, chăm sóc và bón phân cũng như lúa dưới ruộng. Mẫu lúa này sẽ được theo dõi nếu có sâu bệnh xuất hiện thì ruộng đồng chắc chắn cũng sẽ có bệnh. Điều này dự báo được cho nông dân chủ động phòng ngừa.
Mỗi năm Hiền tổ chức nhiều cuộc hội thảo đầu bờ cùng nông dân tìm cách nâng cao năng suất. Trong đó, các mô hình được nông dân triển khai như: ba giảm, ba tăng; sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật, phun thuốc theo phương pháp bốn đúng...
Ông Dương Văn Cảnh, bí thư Đảng ủy xã Hiếu Thuận, nói: “Mỗi năm, Hiền tự nghiên cứu và ra đồng quan sát nên có kế hoạch xuống giống né rầy cho xã nhà. Từ đó đồng ruộng không còn cảnh bị rầy đánh như mọi năm nữa. Đây là một sáng kiến và đóng góp đáng ghi nhận của Hiền”.
THÙY TRANG / TTO