Thứ ba, 17/10/2017, 11h06

Có camera, tội phạm vẫn tăng

Nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM đã vận động nhân dân lắp đặt camera an ninh trật tự ở các tuyến đường, hẻm, khu dân cư. Phải nhìn nhận, nhiều khu vực địa bàn dân cư nhờ thệ thống này đã phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ án. Tuy nhiên, từ đây cũng đặt ra nhiều vấn đề… 

Đội dân phòng phường Tân Hưng, quận 7 phân tích camera an ninh trên địa bàn để phòng chống tội phạm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đội dân phòng phường Tân Hưng, quận 7 phân tích camera an ninh trên địa bàn để phòng chống tội phạm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ra ngõ gặp camera
Ngay đầu hẻm 100 Dương Bá Trạc (phường 2, quận 8) một tấm biển ghi rõ “khu vực trang bị camera an ninh”.
Tương tự, hẻm lớn ở nhiều tuyến đường trên địa bàn quận 8 đều gắn camera. Ở quận Tân Phú, ngay đầu hẻm 84 Dương Đức Hiền (phường Tây Thạnh) có 2 camera an ninh lắp 2 bên, bên trong hẻm, người dân còn tự bỏ tiền ra lắp thêm camera.
Ông Nguyễn Văn Mài, Trưởng khu phố 6, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, cho hay, khu phố có 1.560 hộ (gần 5.900 người dân), đã vận động người dân lắp đặt được 16 hệ thống camera trên các tuyến đường.
Hàng ngày, có 1 tổ bảo vệ dân phố (3 người) và cảnh sát khu vực trực 24/24 giờ tại trụ sở ban điều hành khu phố để theo dõi. Nhưng theo ông Mài, số lượng 16 camera vẫn ít, phường còn nhiều điểm cần được lắp đặt camera. 
Hiện nay, kinh phí lắp đặt hệ thống camera quan sát an ninh trật tự ở các quận, huyện, chủ yếu từ vận động xã hội hóa, chỉ có một phần từ nguồn ngân sách địa phương.
Trong việc quản lý, vận hành, ở nhiều quận, huyện, hệ thống camera do UBND phường tổ chức xã hội hóa, được kết nối về khu phố và công an phường. Đối với hệ thống camera trực tiếp kết nối về công an phường thì có cán bộ trực ban và tổ trực chiến quan sát. Ngoài ra, các cụm dân cư, chung cư, người dân lắp đặt, kết nối về nhà tổ trưởng dân phố, tổ bảo vệ chung cư... 
Trên địa bàn TP, qua thời gian sử dụng cho thấy, hình ảnh trích xuất từ hệ thống camera thu thập được còn có thể phục vụ cho nhiều mục đích khác như: phòng chống tệ nạn xã hội, trật tự giao thông, lấn chiếm lòng lề đường, bảo vệ môi trường…
Những nơi có lắp đặt camera an ninh đều được cảnh báo công khai đã tạo tính răn đe, nâng cao tinh thần cảnh giác và trong nhiều trường hợp cụ thể đã góp phần hiệu quả trong phát hiện, xử lý các đối tượng phạm pháp. Tại quận Tân Phú, rất nhiều vụ án, đặc biệt là trộm cắp, cướp giật được phát hiện, xử lý kịp thời từ ghi nhận của hệ thống camera. Nhiều băng nhóm chuyên trộm và tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có cũng bị bóc gỡ với bằng chứng thuyết phục từ hệ thống này. 
Anh Nguyễn Văn Long (ngụ quận 10, TPHCM) bị mất xe gắn máy SH150  ở trước cửa nhà 86 Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú. 4 ngày sau, anh Long mới đến công an phường trình báo. Qua trích xuất hình ảnh từ camera, ngày hôm sau, công an phường phát hiện, bắt giữ Trần Văn Minh Tâm (23 tuổi) và Nguyễn Trương Thanh (26 tuổi), cùng ngụ huyện Hóc Môn, đã trộm xe của anh Long.
Đặc biệt, vụ cướp giật tài sản, kéo lê bị hại trên đường gây bức xúc dư luận xảy ra trên đường Thạch Lam, phường Phú Thạnh, cũng nhanh chóng được khám phá, bắt giữ đối với đối tượng Bùi Quốc Thuận (27 tuổi) nhờ hình ảnh từ camera. Từ 2016 đến nay, hệ thống camera hỗ trợ Công an Tân Phú trực tiếp phát hiện, ngăn chặn hoặc truy xuất hình ảnh để giải quyết 167 vụ án.
Thiếu tá Lê Hữu Phước, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận 8, cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, quận đã giảm 15% phạm pháp hình sự. Trên địa bàn quận 2, Trung tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Công an quận 2, cho biết, số vụ phạm pháp hình sự ở quận từ đầu năm 2017 đến nay giảm khoảng 20% so với cùng kỳ, “rất nhiều vụ án từ thường án đến trọng án khám phá nhanh chóng nhờ camera”.
Chỉ “dè” được người ngay 
Bà D.N.M.K. (ngụ hẻm 229 Tây Thạnh, quận Tân Phú) nhận xét: “Camera để dè người ngay thôi chứ kẻ gian đâu có ngăn ngừa được! Với đối tượng trộm, cướp ranh mãnh, một khi đã có ý đồ rồi thì khó phòng lắm”. Nhiều người dân trên địa bàn TP thậm chí còn lo ngại về tình trạng có camera song tội phạm lại tăng. Trăn trở trước chất vấn của người dân “tại sao gắn camera rồi mà lại không phát hiện được tội phạm”, Thượng tá Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Trưởng Công an quận Tân Phú, chia sẻ, số lượng camera hiện nay (quận Tân Phú có 902 mắt camera) chỉ mới gắn ở những trọng điểm, chưa bao phủ hết các điểm phức tạp trên địa bàn. Nhiều trường hợp, đối tượng ma mãnh, che chắn, mặc áo gió, mang khẩu trang, giấu biển số xe… nên vụ án xảy ra ở điểm có camera nhưng hình ảnh không đủ rõ nét, khó xử lý. 
Cá biệt có một số phường như Tây Thạnh, dù đã có hệ thống camera giám sát song tình hình phạm pháp hình sự chưa được kiềm chế. Trung tá Lê Văn Tư, Phó trưởng Công an phường Tây Thạnh, cho hay, phường đã gắn được 187 mắt camera với số tiền là 900 triệu đồng. Tuy nhiên, năm 2016, phạm pháp hình sự lại tăng 23 vụ so với năm trước. Năm nay, tính đến cuối tháng 8-2017, số vụ phạm pháp đã giảm được 6 vụ (xảy ra 34 vụ).
Trung tá Lê Văn Tư lý giải, nhiều cán bộ, cảnh sát khu vực chưa thường xuyên đeo bám địa bàn. Lực lượng bảo vệ dân phố phần lớn đã lớn tuổi, trình độ vi tính hạn chế nên trực quan sát và xử lý hệ thống camera khi có sự cố đã không kịp thời; thời gian trực chốt không đảm bảo, do còn nhiều công việc khác. Đặc biệt, việc truyền tải dữ liệu hình ảnh từ hệ thống camera về đầu thu tại trụ sở khu phố là qua wifi (nhờ hệ thống wifi của nhà dân) nên không ổn định. 
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là kinh phí duy trì hoạt động camera. Có phường, riêng kinh phí để chi trả cho internet tại 9 trụ sở (nơi đặt máy chủ) và tại các camera (đang nhờ đường truyền của nhà dân) khá lớn, khoảng 27-39 triệu đồng/năm. Còn lại, kinh phí để duy trì cho 187 camera đang nhờ nhà dân và phường không có kinh phí hỗ trợ. Các phát sinh về sửa chữa, duy tu, bảo trì, thay thế máy hỏng… cũng chưa được tính toán đầy đủ, trong khi kinh phí này rất lớn, nguồn quỹ an ninh quốc phòng không thể đáp ứng được.
Thiếu tá Lê Hữu Phước cho biết, 1/3 số phường của quận 8 vẫn chưa có camera, bởi việc vận động người dân còn khó khăn. Với mỗi điểm gắn camera, nếu chỉ gắn một chiếc là bị bẻ trộm liền. Để hạn chế camera bị mất, mỗi điểm cần ít nhất 2 mắt camera giám sát chéo, “cầm chân” lẫn nhau, vì thế rất tốn kém.
Trung tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Công an quận 2: Vận động các chủ đầu tư dự án lắp luôn camera cho khu vực
Quận 2 có khoảng 500 mắt camera và chưa bao phủ toàn địa bàn. Kinh phí ngân sách cho việc lắp camera có hạn nên quận ưu tiên cho các điểm “nóng” dễ phát sinh tội phạm, hay kẹt xe, thường xảy ra tai nạn giao thông, nơi hoang vắng, giao lộ... Điều quan trọng trong tăng độ bao phủ camera là cần vận động người dân cùng chính quyền gắn ở ngoài đường, hẻm, khu phố. Quận 2 có nhiều dự án lớn đang triển khai, có dự án cả ngàn căn hộ, nên quận vận động chủ đầu tư khi thực hiện dự án ở khu vực nào thì gắn luôn camera cho khu vực đó. Người dân khi đến ở các khu dự án này đỡ phải góp tiền lắp camera xung quanh nơi ở.

Đại tá Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Công an quận Tân Phú: Cần đồng bộ về công nghệ và con người

Việc gắn camera an ninh xuất phát từ nhiều địa bàn và từ đầu đã không có quy định về thông số kỹ thuật thống nhất. Khi thiết lập hệ thống camera lại không đồng bộ về chủng loại, nhiều đường truyền tín hiệu khác nhau dẫn đến chất lượng, lưu trữ hình ảnh không đồng bộ. Riêng đường truyền bằng sóng wifi do nhiều lý do nên tín hiệu hình ảnh luôn bị gián đoạn. Hiện nay, chúng tôi chưa hình thành được trung tâm chỉ huy, điều phối thống nhất hệ thống camera trên toàn quận phục vụ cho công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Hầu hết công an phường đều chưa bố trí được lực lượng chuyên trách quản lý, theo dõi camera để phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc nên hiệu quả mô hình còn hạn chế. Đã đến lúc cần thiết phải có văn bản pháp quy để thống nhất quản lý, vận hành, khai thác hệ thống. Đồng thời, cần thành lập trung tâm, chỉ huy điều phối cấp quận, có các cán bộ thông hiểu về kỹ thuật camera để đảm bảo tương lai có thể hòa chung mạng camera của TP. Cần đầu tư thay đường truyền sóng wifi bằng đường cáp quang; kết nối hệ thống cáp quang về trụ sở công an phường sao cho thuận lợi trong giám sát xử lý tình huống, bảo mật.
Camera chỉ là phương tiện phục vụ và quan trọng vẫn là con người. Nghĩa là cùng với sử dụng camera, những mô hình khác vẫn cần được duy trì và phát triển. Cần tổng hợp các giải pháp thì mới kéo giảm được số vụ phạm pháp và nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án. 

Ông Hoàng Quốc Trường, Phó Giám đốc VNPT TPHCM: Người dân có thể giám sát

Để sử dụng hệ thống camera hiện hữu hiệu quả, VNPT TPHCM đã và đang phối hợp cùng nhiều quận, huyện thực hiện tích hợp hệ thống camera thông minh. Biện pháp này nhằm thống nhất phương thức kết nối hệ thống camera hiện hữu, mở rộng thêm camera tại một số địa bàn trọng điểm cùng với thực hiện trung tâm giám sát tập trung. Việc làm này cũng tiến tới mô hình thống nhất tập trung cho TPHCM nhằm quản lý giám sát bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn.
Về dự án camera giám sát thông minh, trước hết VNPT sẽ tích hợp toàn bộ hệ thống camera hiện hữu và cơ sở dữ liệu lưu trữ về trung tâm giám sát tập trung, đồng thời vẫn có thể phân quyền dễ dàng cho các đơn vị và cả người dân tham gia giám sát. Thứ hai, hệ thống camera giám sát thông minh cũng đảm bảo tích hợp quản lý tập trung được từ nhiều thương hiệu camera khác nhau dựa trên phần mền chuyên dụng. Thứ ba, hệ thống được thực hiện trên mạng lưới cáp quang của VNPT nên luôn đảm bảo cho hệ thống với lượng băng thông lớn, giúp hình ảnh rõ nét. Thứ tư, việc đầu tư hệ thống camera giám sát thông minh do VNPT thực hiện, nên công tác bảo trì bảo dưỡng, các địa phương khỏi phải lo lắng. 
Đặc biệt, chúng tôi tích hợp, mở rộng đồng bộ và cung cấp các tính năng thông minh nổi trội cho hệ thống camera như phát hiện đám đông, cảnh báo âm thanh, báo trộm… Khi có đám đông xuất hiện, camera sẽ phát hiện và nhanh chóng gửi cảnh báo tự động đến những người liên quan để có hướng xử lý kịp thời. Cuối cùng, VNPT trang bị các phần mềm chuyên dụng và App Mobile cho lực lượng công an và người dân. Người dân có thể sử dụng phần mềm để giám sát và gửi thông tin cho trung tâm giám sát. Công tác này giúp cho người dân đồng hành cùng với chính quyền phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn để có hướng xử lý kịp thời. 

MẠNH HÒA/SGGP